Doanh thu lớn nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn ở thế 'lãi mỏng như lá lúa'

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng qua. Đây là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành lại rất ảm đạm. Nhiều doanh nghiệp lãi 'mỏng như lá lúa', thậm chí lỗ nặng.

Giá gạo Việt Nam đứng top đầu thế giới

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 653 USD/tấn, giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 638 USD/tấn.

Tuy giảm nhẹ, nhưng hiện giá gạo Việt Nam vẫn đang ở mức cao và bỏ xa gạo Thái Lan tới 91 USD/tấn. Nhìn về mặt giá gạo Việt Nam đang xác lập một mặt bằng giá mới.

Giá gạo tiếp tục phá đỉnh cao nhất 15 năm qua. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 10 của Việt Nam đạt 700.000 tấn, mang về 433 triệu USD, tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, cả nước xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, mang về gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ. Với doanh thu xấp xỉ 4 tỷ USD đã đánh dấu kỷ lục về thu ngoại tệ của ngành gạo.

Dự báo xu thế giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp khẳng định gạo Việt Nam đã xác lập được vùng giá mới và ngắn hạn vẫn duy trì mức cao. Chính các doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, nhờ sản lượng xuất khẩu đều đặn mỗi năm khoảng 7 triệu tấn, chính sách xuất khẩu cũng ổn định, nên vị thế của những nhà sản xuất gạo Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực trên thị trường gạo thế giới.

Giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết: "Chúng ta đã bán được giá gạo cao hơn các quốc gia. Đã đến lúc chuyển quyền thương lượng, quyền thương lượng nó nằm ở người sản xuất, người bán. Đây là một bước rất lớn, một thay đổi cực kỳ quan trọng vì nếu thay đổi một chút trong tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị một cách chủ động theo kế hoạch thì hoàn toàn sẽ chấm dứt được cảnh được mùa mất giá".

Với sản lượng lúa ổn định khoảng 43 triệu tấn mỗi năm, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, mà còn đóng góp chung an ninh lương thực thế giới.

Ông Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn đánh giá: "Các nước đang đầu tư lớn vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng đều là những nước luôn luôn trông đợi sự ổn định của họ về mặt an ninh lương thực, một phần quan trọng ở các nước xuất khẩu như Việt Nam. Như vậy, chúng ta có thể thấy trong một khía cạnh nào đó việc Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới chính là đảm bảo cho vị thế của mình chính là củng cố cho vai trò của đất nước mình trên trường quốc tế".

Giá gạo tăng doanh nghiệp vẫn báo lỗ

Giá gạo thời gian vừa qua duy trì ở mức cao khiến doanh thu ở hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận tăng mạnh so với cùng kỳ. Dù vậy nhưng lợi nhuận doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn dừng ở mức thấp, thậm chí có doanh nghiệp đã báo lỗ trong quý III/2023.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu thuần đạt khoảng 4.460 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh gần gấp đôi so cùng kỳ nên kéo lãi gộp giảm 69% còn hơn 150 tỷ đồng.

Cùng với đó, chi phí tài chính tăng mạnh đến 144% lên gần 270 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá hối đoái. Kết quả, Lộc Trời lỗ ròng 327 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 64 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục mà doanh nghiệp này từng ghi nhận trong một quý. Điều đáng nói, trong quý II Lộc Trời vừa ghi nhận khoản lãi cao nhất lịch sử đạt gần 430 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9, Lộc Trời đạt doanh thu thuần hơn 10.440 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Song kết quả kinh doanh bết bát trong quý III đã khiến lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt vỏn vẹn chưa tới 20 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu LTG phản ứng ngay trước thông tin kém tích cực khi giảm hết biên độ trong phiên 31/10. Thị giá về mức 23.400 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm gần 30% chỉ sau chưa đầy 1 tháng.

Một doanh nghiệp ngành gạo nổi tiếng khác là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã TAR) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III với kết quả không được như mong được.

Theo đó, doanh thu thuần trong quý của công ty đạt 609 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Do biên độ tăng của giá vốn hàng bán nhỏ hơn biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của Afiex “phi mã" 89%, đạt 21 tỷ đồng.

Về doanh thu hoạt động tài chính, quý III/2023, khoản tiền này của Afiex ghi nhận sụt giảm mạnh hơn 16 lần, từ gần 14 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 863 triệu đồng. Nguyên nhân là do công ty không còn ghi nhận khoản lãi kinh doanh chứng khoán trị giá 13,2 tỷ đồng như tại quý III/2022.

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) vừa công bố kết quả kinh doanh trong quý III với doanh thu thuần đạt hơn 7.300 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu trong quý cao nhất mà Vinafood 2 ghi nhận kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2018. Trừ đi giá vốn, lãi gộp đạt hơn 629 tỷ đồng, tăng 78%.

Tuy nhiên, do lãi tiền vay và lỗ chênh lệch tỷ giá đã khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng mạnh hơn 250%, lên 166 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hai con số đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Sau trừ thuế phí, Vinafood 2 chỉ lãi ròng hơn 10 tỷ đồng trong quý.

Tính đến hết tháng 9, Vinafood 2 đạt hơn 18.660 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh 72% so với cùng kỳ. Dù quý III có lãi, song do ảnh hưởng quý đầu năm thua lỗ, công ty chỉ đạt vỏn vẹn 4 tỷ đồng lãi ròng. Đặc biệt, hiện Vinafood 2 còn lỗ lũy kế gần 2.800 tỷ đồng do hệ quả từ 10 quý lỗ liên tiếp trong giai đoạn 2019-2021.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/doanh-thu-lon-nhung-doanh-nghiep-xuat-khau-gao-van-o-the-apos-lai-mong-nhu-la-lua-apos-1096499.html