Doanh thu 201 tỷ, tăng 79%, vì đâu lãi của VMC lại 'còm cõi'?

Kết thúc quý I/2024, Công ty Cổ phần Vimeco (HNX: VMC) ghi nhận doanh thu thuần 201 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước. Song, do chi phí lớn, lợi nhuận của công ty đã bị 'ăn mòn' gần như sạch sẽ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của VMC, quý I/2024, doanh thu thuần đạt 201 tỷ đồng, tăng 79%; riêng doanh thu mảng xây lắp đạt 166 tỷ đồng, tăng 71%.

Dù doanh thu tăng tốt, song do giá vốn không được cải thiện, lợi nhuận gộp giảm 8%, chỉ đạt 25 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 12,6%.

Trong quý, chi phí tài chính giảm 11%, chi phí quản lý giảm 10%, song tổng 2 loại chi phí này vẫn khá lớn, tương đương với lợi nhuận gộp, đạt 25 tỷ đồng.

Phải nhờ vào doanh thu còm cõi của hoạt động tài chính, VMC mới có lãi trước thuế 0,95 tỷ đồng và lãi sau thuế 0,76 tỷ đồng. Song, so với cùng kỳ năm trước, mức lãi này cũng đã tăng khoảng 2,3 lần.

Năm 2024, VMC đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.211 tỷ đồng, lãi trước thuế 11,5 tỷ đồng. Như vậy, kết quý I/2024, công ty đã hoàn thành 16,5% kế hoạch doanh thu và 6,5% mục tiêu lợi nhuận.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của VMC, CEO Đặng Văn Hiếu cho biết mục tiêu doanh thu nêu trên dựa trên căn cứ các hợp đồng, công trình chuyển tiếp (ước tính đạt 1.048 tỷ đồng). Cụ thể, với mảng bê tông thương phẩm, kế hoạch doanh thu là 233 tỷ đồng, chủ yếu cung cấp bê tông tại dự án sân bay Long Thành. Với mảng xây lắp, các hợp đồng chuyển tiếp ước tính giá trị 785 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ đến từ các hợp đồng dịch vụ khác. Với các công trình xây lắp mới (dự kiến 163 tỷ đồng), ông Hiếu nói VMC đang trong quá trình đấu thầu, chuẩn bị triển khai, hi vọng ghi nhận doanh thu trong năm 2024.

Trả lời cổ đông về việc những năm qua, VMC chỉ chuyên làm đầu tư công, trong khi trước đây có thực hiện các dự án có vốn FDI, liệu công ty có còn xác định theo đuổi các dự án FDI không, ông Hiếu cho biết trong các năm 2023 – 2024, VMC đúng là tập trung vào các dự án đầu tư công. Song, công ty cũng từng thực hiện các dự án có vốn FDI lớn như Samsung Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên, nhất là năm 2019 – 2020 thực hiện dự án Cái Mép – Vũng Tàu. Do đó, công ty vẫn đang duy trì các mối quan hệ với các tập đoàn từng làm ăn với VMC như: tập đoàn Doosan, tập đoàn Detech…

Điểm đáng chú ý khác tại đại hội của VMC là cổ đông cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Theo đó, công ty sẽ phát hành 2,375 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ (hiện đạt 237,589 tỷ đồng), cho các cổ đông hiện hữu, giá trị phát hành theo mệnh giá là 23,75 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau phát hành sẽ là 261,34 tỷ đồng.

Về tài sản của VMC, tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản đạt 1.359 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu đạt 707 tỷ đồng, giảm 10%, chiếm 52%. Hàng tồn kho 293 tỷ đồng, giảm 10%, chiếm 21,5%. Như vậy, tỷ trọng của các khoản nợ phải thu và hàng tồn kho vẫn khá lớn, đây là nguyên do khiến VMC nặng gánh chi phí tài chính.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của VMC đạt 1.005 tỷ đồng, giảm 8,5% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 575 tỷ đồng, tăng 5%.

Với vốn chủ sở hữu đạt 354 tỷ đồng, gần như không đổi so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,83 lần.

Ái Châu Tử

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/doanh-thu-201-ty-tang-79-vi-dau-lai-cua-vmc-lai-com-coi-d110437.html