Doanh nhân phải góp phần tạo nên thể chế mới, dẫn dắt cho sự phát triển

Doanh Trí thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Tâm Trí giúp doanh nhân kinh doanh có trách nhiệm. Doanh Trí và Tâm Trí có thể xem là 'đôi cánh' để doanh nghiệp phát triển trong thời đại hiện nay.

Đây là quan điểm được nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhìn nhận tại tọa đàm Doanh Trí và Phát triển do Viện Doanh Trí tổ chức vào chiều 14/11/2023.

Kinh tế Việt Nam chưa hết khó khăn

Chia sẻ tại tọa đàm Doanh Trí và Phát triển, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam đang rơi vào trì trệ, với nhiều yếu tố không thuận lợi cho sự phát triển. Chứng khoán biến động. Bất động sản trầm lắng. Trái phiếu doanh nghiệp đóng băng. Lãi suất huy động càng ngày càng thấp…

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, khoảng 13.000 doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, đóng cửa, phá sản, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ vẫn còn rất hạn chế.

Các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nhân chia sẻ tại tọa đàm Doanh trí và Phát triển do Viện Doanh Trí tổ chức.

“Cá nhân tôi cho rằng phải bắt đầu từ quý III/2024, nền kinh tế Việt Nam mới dần hồi phục. Các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển khi đó sẽ đến nhiều hơn, tạo động lực phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ cho các doanh nghiệp…” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

“Thời đại bây giờ, chúng ta vừa là thầy, vừa là trò của nhau, nhưng quan trọng phải là bạn của nhau, tương trợ lẫn nhau thì mới phát triển được...” - PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo.

Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng đội ngũ doanh nhân trong nhiều năm qua đã có nhiều bước tiến ngoạn mục; tuy nhiên so với kỳ vọng thì vẫn còn xa.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, tình hình kinh tế Việt Nam sau tác động lớn của đại dịch Covid-19 đã được cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét. Việc các đối tác kinh tế truyền thống như Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn sẽ khiến kinh tế Việt Nam chưa thể hồi phục hoàn toàn trong thời gian ngắn sắp tới.

Trong khi đó, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ “bi quan” hơn khi nhận định rằng: nhiều nguyên nhân cùng tích hợp hiện nay sẽ khiến kinh tế Việt Nam chậm phục hồi, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp; và dự kiến phải đến cuối năm 2025, đầu năm 2026 mới thực sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Doanh Trí và Tâm Trí là đôi cánh cho sự phát triển

Tọa đàm Doanh Trí và Phát triển với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý có uy tín đã mang đến các thông tin hữu ích về nền kinh tế năm 2024. Đồng thời, đưa ra rất nhiều gợi ý, giải pháp thực tế nhằm giúp doanh nhân vượt khó, ổn định và phát triển.

“Doanh Trí là quan trọng, nhưng điều còn quan trọng hơn là Tâm Trí. Doanh Trí thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Tâm Trí giúp doanh nhân kinh doanh có trách nhiệm. Doanh Trí và Tâm trí có thể xem là đôi cánh giúp doanh nghiệp phát triển” - TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Nguyễn Tất Thịnh, Chuyên gia chiến lược và xây dựng tổ chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển châu Á - Thái Bình Dương, ví von trong tháp phát triển của xã hội thì đáy là nguồn lực, còn đỉnh của tam giác là giới tinh hoa. Ở đó, doanh nhân được xem là tầng lớp có thể thay đổi xã hội và cần phải đi trước.

“Thế giới chỉ chọn tiêu chuẩn, trời đất chỉ chọn tử tế. Do đó, doanh trí và tâm trí là rất quan trọng. Mỗi doanh nghiệp không cần phải dẫn đầu, mà điều lớn nhất là có ích, có năng lực nhân bản và có khả năng đóng góp vào sự phát triển chung...” - Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh bày tỏ quan điểm.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Việt Nam đang có đội ngũ doanh nghiệp rất đông đảo. Đây là lực lượng đã góp phần viết lên câu chuyện thoát nghèo của dân tộc, và Việt Nam có đạt được mục tiêu phát triển đến năm 2045 hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.

“Các doanh nghiệp đang chuyển hướng sang đổi mới sáng tạo thay vì khởi nghiệp bình dân, và muốn cụ thể hóa được mục tiêu đó thì nhất định phải có doanh trí. Nhưng một mình doanh trí thì không đủ mà cần có cả “quan trí”…” - TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh thông điệp: Doanh nhân phải góp phần tạo nên thể chế mới, dẫn dắt cho sự phát triển.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về định hướng phát triển doanh nghiệp, Bùi Thị Hải Yến - Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cho rằng chuyển đổi xanh là hướng đi quan trọng mà các doanh nghiệp cần quan tâm trong định hướng phát triển; bởi sản phẩm xanh sẽ được thị trường nước ngoài ưu tiên, người tiêu dùng quan tâm.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nhan-phai-gop-phan-tao-nen-the-che-moi-dan-dat-cho-su-phat-trien.html