Doanh nhân như người leo núi, tới khúc cua khó có thể dừng lại, tìm lối đi tiếp

Doanh nghiệp gỗ Việt cần chắt chiu từng cơ hội thị trường, chấp nhận cả những đơn hàng nhỏ lẻ để 'năng nhặt chặt bị' trong giai đoạn khó khăn này.

Những điểm sáng của ngành công nghiệp gỗ Việt

Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mang tính bứt phá liên tục trong vòng hơn 20 năm qua. Đặc biệt, trong giai đoạn 2018 - 2021, năm nào tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cũng đạt trên 10%.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch chưa đi qua, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng khá ngoạn mục (19,6%). Năm 2022, mặc dù tăng trưởng không như năm trước đó, ngành gỗ vẫn xuất khẩu được 17,1 tỷ USD sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Với những kết quả như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trao đổi với Báo VietNamNet, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: Hiện doanh nghiệp gỗ đang phát triển theo hai xu hướng. Một là những doanh nghiệp không chú trọng quá nhiều tới tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, mà chú ý nhiều hơn đến lợi nhuận thuần túy. Có những doanh nghiệp trong nhiều năm nay chỉ tăng doanh số ít thôi, nhưng lợi nhuận thu được vẫn tương đối ổn định, thậm chí còn gia tăng, vì họ chế biến theo chiều sâu, tập trung vào các mặt hàng có tính độc đáo, ít bị rủi ro cạnh tranh. Hai là xu hướng phát triển theo chiều rộng, tăng nhanh giá trị xuất khẩu. Cả hai xu hướng này đều có nét tích cực, góp phần cho sự tăng trưởng chung của ngành gỗ và lâm sản Việt Nam cũng như cả nền kinh tế.

Trong ngành công nghiệp gỗ, có nhiều doanh nghiệp đạt giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD/năm, như doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dăm Hào Hưng, hoạt động ở miền Bắc và miền Trung, Thanh Thành Đạt hoạt động ở Nghệ An và Hà Tĩnh, Woodsland ở Hà Nội…

Nhiều doanh nghiệp gỗ đã và đang thay đổi thiết bị và công nghệ theo hướng giảm chi phí nhân công lao động và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

“Thiết bị và công nghệ chế biến gỗ thay đổi khá nhanh. Rất nhiều dây chuyền tự động hóa được đưa vào vận hành, thay thế nhiều công đoạn lao động thủ công cực nhọc, đem lại hiệu quả cao hơn so với trước kia. Công nghệ chế biến gỗ cũng có tiến bộ khá nhiều. Sinh khối gỗ được tận dụng triệt để nhằm tăng giá trị xuất khẩu. Có những doanh nghiệp đã nghĩ đến chuyện sử dụng công nghệ biến tính nhiệt để gia tăng sức chống chọi với thời tiết, khí hậu, tăng độ bền của gỗ.

Việt Nam đang là điểm đến của nhiều luồng công nghệ và thiết bị chế biến gỗ từ các nước và vùng lãnh thổ EU, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Trong nước cũng đã sản xuất được một số máy móc, thiết bị lẻ, nhưng nhìn chung vẫn chưa cung ứng được các dây chuyền sản xuất đồng bộ nên các doanh nghiệp gỗ về cơ bản vẫn phải nhập khẩu thiết bị và công nghệ.

“Câu chuyện tự chủ về công nghệ, máy móc, thiết bị chế biến gỗ chưa nên bàn đến vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong bối cảnh hội nhập và thế giới “phẳng” như hiện nay, chúng ta chỉ nên tập trung làm những gì mình có lợi thế so sánh cao. Khi nhập khẩu công nghệ, thiết bị từ các nước, chúng ta tận dụng được tính ưu việt của nhiều luồng công nghệ khác nhau chứ không chỉ phụ thuộc vào một luồng nhất định nào đó, miễn sao phù hợp và đảm bảo sản phẩm chúng ta làm ra có tính cạnh tranh cao, được khách hàng chấp nhận”, ông Hoài bày tỏ.

Tìm thêm thị trường ngách sau khi kinh tế toàn cầu rung lắc, chao đảo

Từ cuối năm ngoái và nửa đầu năm nay, tăng trưởng vốn liên tục và khá bền vững của ngành công nghiệp gỗ Việt đã sụt giảm khá nhiều.

Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ Việt trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh do Văn phòng Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cung cấp).

“Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ Việt trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi tháng bình quân chúng ta chỉ xuất khẩu được 1 tỷ USD, trong khi năm ngoái bình quân mỗi tháng xuất khẩu được 1,4 tỷ USD. Mức sụt giảm khá sâu sâu”, ông Hoài phản ánh thực trạng.

Nguyên nhân đầu tiên được ông Hoài nhắc tới là sự giảm sút tiêu thụ sản phẩm gỗ trên toàn cầu. Sụt giảm cầu là yếu tố bên ngoài, tác động đến tất cả các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao, chứ không chỉ riêng gì ngành gỗ. Nhưng khi gỗ chỉ được coi là sản phẩm không thiết yếu thì bị tác động nhiều hơn một số ngành hàng khác.

Tiếp đó, nhiều quốc gia, điển hình như Mỹ, đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ Việt.

Có một xu hướng dường như đã manh nha mà chúng ta cần tính đến là tái định vị nguồn cung, ưu tiên dùng hàng nội vùng, nội khối. Chẳng hạn như EU hiện gần như đã phục hồi kinh tế và thương mại sau giai đoạn chao đảo, rung lắc rất mạnh do xung đột vũ trang Nga - Ukraine, nhưng xuất khẩu của gỗ Việt vào thị trường này vẫn giảm rất sâu, thậm chí giảm tới trên 40%. Sự sụt giảm này có thể một phần do “tái định vị nguồn cung”, ưu tiên dùng hàng nội khối từ các nước Đông Âu để giảm chi phí logistics (2 năm vừa rồi, chi phí vận tải biển có lúc đã tăng từ 2.000 – 3.000 USD lên 18.000 – 20.000 USD mỗi container) và tránh những biến động mang tính bất trắc (đại dịch, xung đột địa - chính trị, đứt gãy chuỗi cung…).

Với gần 90% sản phẩm gỗ made-in Việt Nam được xuất khẩu vào 5 thị trường lớn, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, tìm kiếm thêm các thị trường mới, thị trường nhỏ, thị trường ngách là câu chuyện mà ngành gỗ phải tính đến.

“Chúng ta không coi nhẹ một số thị trường như Úc, New Zealand, các nước Đông Nam Á… và chú trọng tới cả thị trường Trung Đông, thậm chí cả một số nước châu Phi nữa. Dĩ nhiên, quy mô của các thị trường đó thường nhỏ. Và khi xuất khẩu quy mô quá nhỏ, suất chi phí logistics có thể cao, có thể phát sinh các vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp, thanh toán tiền…, hiệu quả có thể không cao. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp gỗ cần chắt chiu từng thị trường, từng đơn hàng, từng cơ hội. Cứ “năng nhặt chặt bị” và “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” để tồn tại và toan tính phát triển. Kinh doanh cũng giống như leo núi, đến một khúc cua nhất định, có thể cũng cần phải ngoảnh lại phía sau lưng mình, thậm chí phải lùi lại vài bước để lấy lại đà và tìm lối đi tiếp, chứ không phải lúc nào cũng băng băng lên các đỉnh cao”, ông Hoài nhìn nhận tình hình.

Hướng tới tương lai, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam vẫn khá lạc quan: “Công nghiệp gỗ vẫn là ngành có triển vọng phát triển. Tăng trưởng của thương mại gỗ toàn cầu được dự báo khoảng 7%/năm. Ước tính tổng giá trị thương mại gỗ toàn cầu hiện tại là 560 tỷ USD, đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 960 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Trong hơn 20 năm qua, doanh nhân gỗ Việt cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thương trường. Sản phẩm gỗ Việt, nhất là nhóm sản phẩm phục vụ khách hàng trung lưu, đã khẳng định được vị thế, khả năng cạnh tranh. Các thị trường lớn, dù muốn, cũng không dễ gì có thể tìm kiếm được nguồn cung thay thế sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam”.

“Hiện nay, cơ bản các doanh nghiệp của chúng ta vẫn gia công theo đơn hàng của nhà phân phối nước ngoài, với phân khúc đồ gỗ nội, ngoại thất phổ thông. Về lâu dài, chúng ta cũng cần phải có tỷ lệ nhất định sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao hơn, có thương hiệu và mẫu mã do mình chủ động tiếp thị, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Các doanh nghiệp gỗ Việt cũng cần phải nhìn lại chính mình, thay đổi cách quản trị doanh nghiệp, cải tiến công nghệ, thiết bị để có thể đạt hiệu quả cao hơn, tránh thực trạng “làm rất nhiều mà hưởng chẳng được bao nhiêu”. Các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm tăng cường năng lực phòng vệ thương mại”, ông Hoài khuyến nghị thêm.

(Bài 2: Cần biết cách phòng vệ và tự vệ thương mại, không nên “bỏ trứng vào một giỏ”)

Bình Minh

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doanh-nhan-nhu-nguoi-leo-nui-toi-khuc-cua-kho-co-the-dung-lai-tim-loi-di-tiep-2170016.html