Doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản: Người thích chọn… 'con đường gập ghềnh'

Không đi theo lối mòn sẵn có, doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản chọn 'con đường gập ghềnh' để khai phá, triển khai những ý tưởng kinh doanh 'không giống ai'.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua.

1.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản nổi tiếng với những ý tưởng kinh doanh “đi trước thời đại” cùng sự quyết đoán. Người ta gọi ông là “ông vua của những ý tưởng độc đáo”, “người hùng trên núi Tản”, nhưng cũng có người nói rằng, ông “thích lao đầu vào việc khó”…, ông không phản đối, nhưng cũng chẳng hào hứng. Ông bảo: “Tôi nói thật, làm thật, kết quả cuối cùng là người ta thấy được thực chất của vấn đề, chứ không phải chỉ ở bề nổi, ở sự hào nhoáng bên ngoài”.

Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, vùng rừng núi Ba Vì (thuộc tỉnh Hà Tây cũ) còn rất nguyên sơ, đồi hoang, núi trọc, đất đai cằn cỗi. Người dân được giao đất, giao rừng, nhưng cũng chẳng trồng được cây gì, ngay cả cây keo là loài dễ sinh trưởng nhất cũng không sống nổi.

Thời điểm đó, du lịch còn khá xa lạ với nhiều người, thậm chí ngay cả các cơ quan chuyên môn cũng khá lúng túng trong việc định hình sản phẩm, thì ông Thản đã có ý tưởng về một mô hình du lịch hoàn toàn dựa trên địa hình tự nhiên sẵn có. Ông đề xuất dự án với các cấp có thẩm quyền và được chấp thuận. Đầu năm 1993, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, ông bắt đầu triển khai các hoạt động đầu tư.

Hành động bằng việc làm cụ thể là cách tốt nhất chứng minh năng lực của mình.

- Doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản

Để Khu du lịch Ao Vua có được diện mạo như ngày hôm nay là cả một hành trình đầy gian nan với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Thản. Trong quá trình đầu tư, thấy ông đổ tiền vào chỗ “chả có hy vọng gì”, nhiều người bảo ông “có vấn đề”, nhưng ông không bị dao động.

Ông quyết tâm triển khai dự án, không hẳn bởi nhìn ra những giá trị tiềm ẩn bên trong vùng đất tưởng chừng cằn cỗi đó, mà bởi tâm huyết muốn đóng góp trí tuệ, sức lực của mình để mang đến sự khởi sắc cho quê hương. Các hạng mục của Khu du lịch Ao Vua dần được hoàn thiện và nơi đây nhanh chóng trở thành điểm khám phá, trải nghiệm hấp dẫn đối với khách du lịch gần xa.

Thành công của Ao Vua không chỉ là tiên phong về du lịch sinh thái, mở đường cho hàng loạt khu du lịch khác trên địa bàn, mà quan trọng hơn là đã thay đổi cách nhìn nhận trong công tác quy hoạch, phát triển du lịch của các cấp chính quyền.

Từ thành công của dự án này, việc tiếp cận Khu du lịch Đầm Long - Bằng Tạ (xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì) của ông Thản thuận lợi hơn nhiều. Bằng sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, ông đã biến vùng đầm lầy nước chua hoang hóa thành khu sinh thái, bảo tồn thiên nhiên độc đáo, thu hút du khách tìm về khám phá, trải nghiệm.

Nhờ đó, thế mạnh của vùng non nước hữu tình dưới chân núi Tản được khai thác, phát huy, vùng đất cằn cỗi xưa đã hoàn toàn “lột xác”, không chỉ người dân địa phương có thu nhập ổn định từ du lịch, thay đổi cuộc sống, mà môi trường sinh thái được coi trọng, ý thức của du khách được nâng cao.

Sự đột phá trong cách làm “không giống ai” của ông Thản tiếp tục được khẳng định bởi thành công của khu du lịch trên bãi nổi giữa sông Đà (thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Ông Thản đã “biến” khu bãi bồi chỉ dùng vào việc chăn thả gia súc thành một “Đảo Ngọc Xanh” hấp dẫn, mang lại hiệu quả kinh tế lớn gấp nhiều lần…

Chia sẻ về cách làm du lịch, ông Thản nói, nếu chỉ nhìn vào hiệu quả thể hiện ở lượng khách, doanh thu mà đánh giá, thì chưa đầy đủ. Du lịch mang lại hiệu quả khó có thể cân, đo, đong, đếm. Đặc biệt, tác dụng của “đòn bẩy” du lịch được thể hiện rõ ở sự thay đổi cuộc sống của nhiều người theo chiều hướng tích cực, dân trí được nâng cao; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng, phát triển kinh tế - xã hội, kích thích xuất khẩu tại chỗ, nâng cao giá trị những mặt hàng nông sản của bà con địa phương…

“Lúc xắn tay làm du lịch, tôi nghĩ, xã hội sẽ ngày càng phát triển, gắn liền với những nhu cầu vui chơi giải trí của con người, những giá trị tinh thần sẽ được chú trọng hơn. Đó là quy luật tất yếu”, ông Thản khẳng định.

Một góc Khu du lịch Ao Vua do doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản đầu tư xây dựng

2.

Không tự hài lòng với những thành công đã đạt được, doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản luôn trăn trở tìm những giải pháp đột phá để đưa doanh nghiệp phát triển hơn nữa. Ông bảo, giờ là lúc “nhìn lại để đổi mới”. Bởi vậy, Công ty tập trung nâng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên. Song song với đó là phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe đáp ứng xu hướng mới của khách hàng, nhất là giai đoạn “hậu Covid”, mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, giá cả hợp lý nhất với phương châm: “Giá trị cốt lõi là đạo đức kinh doanh - văn hóa doanh nghiệp”.

“Chúng tôi chọn slogan ‘Giữ trọn niềm tin’ là vì thế”, ông Thản nói.

Trong kinh doanh, việc nắm bắt thời cơ có vai trò rất quan trọng. Bởi vậy, bên cạnh những sản phẩm có tính định hướng, việc tung ra những sản phẩm theo nhu cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong từng thời điểm đều nằm trong chiến lược kinh doanh được doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản hoạch định.

Ông đang phối hợp với Hội Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Hội Đông y, Hội Nam y, Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế)… khẩn trương hoàn thiện Đề án Bảo tồn, phát triển và khai thác cây dược liệu phục vụ sức khỏe cộng đồng. Đề án tập trung nghiên cứu tác dụng của cây thảo dược để có thể sử dụng rộng rãi trong phòng chữa bệnh. Tiếp đó, ông sẽ đưa sản phẩm này vào hệ thống du lịch của toàn Công ty và về lâu dài sẽ phát triển thành sản phẩm du lịch chủ đạo.

Cùng với đó, ông và các cộng sự đã nghiên cứu thành công sản phẩm thực dưỡng có lợi cho sức khỏe, được các cơ quan chức năng chứng nhận. Sản phẩm này đang được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bước tiếp theo sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn OCOP, góp phần kích cầu nông sản chất lượng cao của vùng.

Một điều khác biệt ở doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản là ông không hề giữ “bí kíp” cho riêng mình, mà sẵn sàng hợp tác, chia sẻ, song hành cùng phát triển với tinh thần hướng thiện (dĩ nhiên là không có “cửa” cho những thành phần chộp giật, đặt lợi ích cá nhân lên trên hết…).

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông Thản liên tục bị gián đoạn bởi những cú điện thoại gọi đến máy ông. Dù số lạ hay quen, ông đều bắt máy. “Có việc cần, người ta mới tìm đến mình”, ông giãi bày.

Tâm niệm “cho đi để nhận lại”, ông không nề hà đến những vùng sâu, vùng xa, những nơi còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề về vật chất, hạ tầng, kỹ thuật và nhất là thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn… để sẻ chia những kinh nghiệm, ý tưởng làm du lịch. Có những địa phương không giàu tiềm năng du lịch, hạ tầng còn chưa hoàn thiện, nhưng cũng đặt ra mục tiêu thu hút khách, ông và các đồng nghiệp đã tư vấn cho họ đừng nên nóng vội, mà trước tiên, hãy tập trung vào xây dựng sản phẩm.

“Phải có sản phẩm mới hút được khách hàng, rồi mới thu hút đầu tư xã hội, kêu gọi ‘vốn mồi’ của Nhà nước. Từ những mô hình thành công, sẽ khuyến khích người dân cùng tham gia làm du lịch và lúc ấy, du khách sẽ tìm đến. Điều quan trọng là phải đáp ứng được nhu cầu, khi đó sẽ phát triển một cách tự nhiên, không bị khiên cưỡng”, ông Thản giải thích.

Từ những bài học đúc kết qua thực tiễn, doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản đã lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức về du lịch cho đến những hành vi chưa phù hợp trong kinh doanh ở nhiều nơi.

Cách đây nhiều năm, ông đã được gọi là “doanh nhân của người nghèo”. Từ dự án “ngân hàng bò” do ông khởi xướng và tài trợ, giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình…, đến nay, số tiền mà Công ty cổ phần Ao Vua dành cho hoạt động từ thiện đã lên tới hàng trăm tỷ đồng…

“Tôi đã nhận lại niềm tin, sự thân thiện và tình cảm của xã hội. Điều này đã tạo động lực mạnh mẽ để tôi tiếp tục hành trình kết nối những ý tưởng, sự đồng điệu trong kinh doanh, rộng mở hơn trong hợp tác phát triển… Những điều này còn quý giá hơn tiền”, ông Thản bày tỏ.

Viễn Nguyệt

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-nguyen-manh-than-nguoi-thich-chon-con-duong-gap-ghenh-d194504.html