Doanh nhân họ Trần có tỷ $ trong ký sự của nhà báo

Đầu những năm 90, tôi có một số chuyến công du nước ngoài, trong đó có chuyến đi Mỹ với hoa hậu Thu Thủy do một hãng nước ngọt nổi tiếng, nhiều năm tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu Việt Nam mời và đài thọ chi phí.

Hôm đến New York, người ta bố trí một máy bay lên thẳng chở chúng tôi đi thăm thành phố được coi là phồn thịnh bậc nhất thế giới này. Người phi công trẻ khi biết mình đang chở Hoa hậu Việt Nam đã nổi hứng lượn vòng vèo sát nóc những tòa nhà chọc trời , bay qua bay lại mấy lần trên tượng Nữ thần Tự do, Quảng trường Thời đại.

Từ trên máy bay, tôi nhìn thấy một khách sạn mà sau đó chúng tôi đã đến ăn cơm trưa.

Đó chính là khách sạn Carter ở ngay trung tâm thành phố New York.

Ông Trường và khách sạn Carter ở New York.

Ông Trường và khách sạn Carter ở New York.

Nhân viên phục vụ ở đây hầu hết là người Việt. Họ hỏi chúng tôi có phải là người Nhật không? (Tất nhiên là hỏi bằng tiếng Anh).

Khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt và đến từ Việt Nam, họ trố mắt ngạc nhiên. Họ lấy thêm thức ăn cho chúng tôi và mời “ Ăn thật nhiều vào …chứ về Việt Nam làm gì có mà ăn!”. Tôi suýt bật cười. Họ hoàn toàn không biết rằng lúc đó Việt Nam đã trải qua mấy năm đổi mới, kinh tế phát triển, đã bắt đầu có gạo xuất khẩu ra thế giới .

Tôi biết đó là khách sạn của doanh nhân họ Trần ở Việt Nam, ông Trần Đình Trường.

Một khách sạn bề thế, ở ngay trung tâm thành phố bậc nhất thế giới, ở ngay trung tâm thường mại thế giới… là của một người Việt Nam. Ra khỏi khách sạn, tôi còn ngoái lại nhìn. Một sự thật khó tin.

Chuyện ông Trần Đình Trường giàu có tôi đã được nghe kể trước đó. Người ta kể chuyện ông làm giàu lúc nước nhà chưa thống nhất, dưới chính quyền cũ như thế nào! Ông đã từng là chủ một một đội tàu viễn dương đi khắp thế giới. Chuyện đời ông theo những người quen biết của tôi kể lại như một cuốn tiểu thuyết vậy. Người ta nói ông là người giàu nhất trong số mấy triệu Việt kiều và cũng là người giàu nhất Việt Nam thời đó.

Có một dạo, ở quê tôi, người ta còn đồn rằng ông Trường sẽ đầu tư tiền để làm con đường quốc lộ đi qua huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh, nơi ông đã sinh ra và lớn lên.

Rồi không thấy con đường mới làm đâu. Người ta lại nói ông đầu tư xây dựng với điều kiện con đường mang tên ông. Tất nhiên là chính quyền không đồng ý. Tôi cũng chỉ nghe vậy và biết vậy thôi, chứ không có điều kiện tìm hiểu thực hư.

Ông Trần Đình Trường cùng quê với tôi . Ông có một người em trai tên là Trần Đình Triêm. Triêm học cùng lớp với tôi thời phổ thông (học cấp 3 thời đó) . Triêm học giỏi, đẹp trai. Nghỉ hè, tôi, tiến sĩ nhà thơ Lê Quốc Hán và nhiều người bạn đến căn nhà sơ tán ở ngay giữa cánh đồng nơi gia đình Triêm ở đàm đạo văn chương.

Rồi cuối năm học phổ thông, trong kỳ nghỉ hè tôi nghe tin Trần Đình Triêm đã bị bom Mỹ sát hại ngay trong căn nhà sơ tán của mình.

Lúc đó tôi đang trên đường ra Bắc học đại học nên không đến chia buồn được. Nhưng hình ảnh chàng trai có mái tóc xoăn, có đôi mắt sáng thông minh cho đến bây giờ còn in đậm trong tôi.

Trở lại chuyện ông Trần Đình Trường, tôi nhớ đến cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2004 do báo Tiền Phong tổ chức tại đảo Tuần Châu, lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp. Cuộc thi là một sự kiện văn hóa được hàng chục triệu người quan tâm và có tác động rất lớn đến người Việt ở nước ngoài.

Sau cuộc thi, tôi có nhận được một bản fax từ Mỹ hoan nghênh cuộc thi và mời tôi và Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền sang thăm Mỹ. Chủ của bản fax đó là ông Trần Đình Trường. Tôi không đi được vì bận việc và cũng vì nhiều lý do tế nhị khác.

Sau đó, có một người bà con của ông Trường (nghe nói là em trai thì phải) có đến tìm tôi ở tòa soạn. Người bà con của ông Trường đó nói khách sạn Carter có người trả giá 900 triệu đô la Mỹ rồi. Tôi có gửi tặng ông Trần Đình Trường cuốn tiểu thuyết của tôi mới xuất bản là cuốn Xuyên Cẩm (Không biết có đến tay ông không?)

Khi bài báo “Ai là người giàu nhất Việt Nam” được xuất bản, trong đó tôi có nhắc đến ông Trần đình Trường với chi tiết khách sạn Carter 900 triệu đô la và cho rằng ông là người giàu nhất Việt Nam.

Tết Bính Tuất năm đó tôi đã nhận được nhiều điện thoại, thư của bạn đọc hoan nghênh và trao đổi nhiều vấn đề - trong đó có thư của ông Trần Đình Trường.

Ông Trường nói rằng ông đã đọc bài báo. Ông cảm ơn, nhưng muốn đính chính một chi tiết rằng ông không có ý định bán khách sạn Carter vì khách san đó là biểu tượng của sự thành công kinh tế tài chính vượt bậc và biểu lộ sự kiên trì của người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Ông Trường viết “…Vì thế tôi nhấn mạnh rằng khách sạn Carter không phải để bán. Khách sạn Carter sẽ được chúng tôi duy trì như một tài sản vô giá”.

Con trai đầu của ông Trần Đình Trường là Trần Đình Nam cùng vợ là Chu Thị Hạ từ Mỹ về có đến nhà tôi chuyển lời cảm ơn của ông Trần đình Trường và cho biết khách sạn Carter của ông Trường có người trả giá 1 tỷ 200 triệu đô la Mỹ, nhưng ông không bán.

Như vậy, có thể nói ông Trần Đình Trường là người Việt Nam có tài sản nhìn thấy là 1 tỷ 200 triệu đô la Mỹ.

Qua câu chuyện vui đầu xuân, tôi hỏi Trần Đình Nam về cuộc sống gia đình, về một người giàu có như ông Trường tiêu pha, làm việc ra sao?

Trần Đình Nam kể nhiều chuyện vui, chuyện ông tỷ phú đô la Trần Đình Trường đi công tác còn gói cả cơm nắm đi ăn, chuyện ông nghiêm khắc với các con như thế nào… Tôi bảo : “Có tiết kiệm thì mới giàu có được chứ”.

Những người giàu tự tay mình làm nên nghiệp lớn thường là rất tiết kiệm và rất nghiêm khắc với bản thân và con cái.

Vì tiền bạc họ làm ra từ mồ hôi, nước mắt chứ đâu phải tiền “chùa”.

Bài viết của nhà báo Dương Kỳ Anh

(Cựu tổng biên tập báo Tiền Phong. Tựa đề do Tòa soạn biên tập)

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/doanh-nhan-ho-tran-co-ty-trong-ky-su-cua-nha-bao-a65836.html