Doanh nghiệp Việt - Trung phối hợp trồng lúa: Bán sang Trung Quốc?

Việc hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Cơ cấu bền vững ở ĐBSCL

Ngày 12/5, Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) chính thức ký kết dự án hợp tác sản xuất và thương mại với Công ty TNHH Phát triển Khoa học Viên Thị Hồ Nam (Trung Quốc).

Theo đó, hai bên sẽ cùng nhau thành lập hai công ty liên doanh bao gồm: Công ty liên doanh giống với vốn điều lệ 3 triệu USD và Công ty liên doanh thương mại nông sản với vốn điều lệ 7 triệu USD.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời và đại diện Viên Thị Hồ Nam ký kết hợp tác. Ảnh: VOV

Chia sẻ thêm với Đất Việt về việc hợp tác nói trên, PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết: Công ty Viên Thị Hồ Nam là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu và phát triển các giống lúa lai ở nước ngoài.

Viện sỹ Viên Long Bình, cha đẻ của giống lúa lai thế giới, hiện là cố vấn kỹ thuật cấp cao của Viên Thị Hồ Nam.

Trong nội dung hợp tác giữa Lộc Trời và Viên Thị Hồ Nam, công ty liên doanh trong lĩnh vực giống cây trồng sẽ được thành lập tại Việt Nam với mục tiêu phát triển công nghệ tạo giống lúa lai siêu năng suất và đưa giống lúa này sang Việt Nam với giá thành hợp lý, tạo tiền đề xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.

"Ưu thế của Công ty Viên Thị Hồ Nam là có những dòng bố mẹ có sẵn và cả
những dòng bất dục đực để tạo giống lúa ưu thế lai.

Những thế hệ giống ưu thế lai trước đây dù cho năng suất cao nhưng chất lượng cơm không cao và chống chịu sâu bệnh yếu. Nhưng Viên Thị Hồ Nam có những thế hệ mới của giống lúa ưu thế lai khắc phục được nhược điểm trên.

Hiện nay, Trung Quốc có giống siêu lúa lai 1000 đã được thực nghiệm ở nhiều tỉnh của nước này, năng suất đạt đến 16 tấn/ha/vụ. Trên cơ sở bố mẹ của những giống đó, Tập đoàn Lộc Trời sẽ hợp tác để nghiên cứu ra những giống ưu thế lai trong tương lai có khả năng ở Việt Nam.

Việt Nam không yêu cầu đạt đến 16 tấn/ha mà chỉ chừng 12-13 tấn/ha/vụ, thế nhưng điều đáng quý ở chỗ: Việt Nam có thể đưa giống đó vào cơ cấu 1 vụ lúa, 1 vụ tôm ở ĐBSCL.

Biến đổi khí hậu làm nước mặn xâm nhập nhiều hơn, diện tích đất bị nhiễm mặn cũng mở rộng hơn ở ĐBSCL, vùng có nước ngọt quanh năm để trồng 3 vụ lúa ngày càng bị thu hẹp.

Nếu có được giống ưu thế lai mới, chúng ta có thể chấp nhận thời gian sinh trưởng 4 tháng thay vì 3 tháng như trước đây nhưng trồng trong mùa mưa, chỉ cần mỗi vụ năng suất được 12-13 tấn, hơn hẳn các giống hiện nay chỉ 7-8 tấn/ha, đồng thời luân canh với 1 vụ tôm nữa thì rất bền vững.

Như vậy, liên doanh giống sẽ tạo ra những giống ưu thế lai phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời sau này có thể xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và các nước khác trên thế giới.

Chưa kể những giống đó khi trồng đại trà hàng trăm nghìn ha, gạo của giống đó thỏa mãn được thị hiếu của người Trung Quốc, có thể xuất ngược trở về Trung Quốc, tức là có đầu ra đảm bảo.

Tương tự, Viên Thị Hồ Nam có sẵn các giống ưu thế lai về rau, màu nên có thể hợp tác với liên doanh tạo giống cây trồng phục vụ cho Việt Nam, đồng thời phục vụ cho các nước khác trên thế giới", PGS.TS Dương Văn Chín phân tích.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, trước lễ ký kết thành lập liên doanh nói trên, Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Viên Thị Hồ Nam đã có một quá trình dài hợp tác nghiên cứu, khảo nghiệm và thực nghiệm giống lúa lai trên đồng ruộng Việt Nam.

Bước đầu cho thấy giống lúa này trồng được, sinh trưởng phát triển tốt, thời gian sinh trưởng rút ngắn hơn so với bên Trung Quốc, nhưng những mặt khác chưa thể hiện sự vượt trội.

"Những giống phía Trung Quốc đưa sang khảo nghiệm mới chỉ sơ bộ bước đầu, mà những giống đó phù hợp với điều kiện Trung Quốc, chưa chắc đã phù hợp lắm với điều kiện Việt Nam.

Tương lai, Lộc Trời phối hợp với doanh nghiệp Trung Quốc tạo được những giống có ưu thế vượt trội về năng suất, gạo ngon thì mới thuyết phục", PGS Chín nhấn mạnh.

Tạo đầu ra vững chắc cho nông sản Việt

Một liên doanh khác được Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với Công ty Viên Thị Hồ Nam thành lập là công ty liên doanh trong lĩnh vực thương mại nông sản, trụ sở đặt tại Quảng Đông (Trung Quốc).

Theo PGS.TS Dương Văn Chín, mục đích chính của liên doanh này là đảm bảo đầu ra cho những sản phẩm tốt ở Việt Nam, trước hết là sản phẩm tốt của Tập đoàn Lộc Trời như gạo và sau này là cà phê, tiêu...

"Người Trung Quốc rất thích gạo Việt Nam. Thế mạnh của Lộc Trời là có chuỗi giá trị, có cán bộ kỹ thuật tập huấn theo quy trình, nước sông Mekong lại chưa bị ô nhiễm bởi công nghiệp nên hạt gạo đảm bảo chất lượng, an toàn.

Khi chúng tôi mang gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Long (top 3 gạo ngon thế giới), Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ sang Trung Quốc, người dân ăn rất thích.

Ngay cả giống Lộc Trời 25 (đang đưa đi khảo nghiệm quốc gia nhưng chưa được công nhận - PV), dù chưa bán giống nhưng có thể làm gạo bán được, khi đưa sang, người Trung Quốc cũng rất thích ăn.

Liên doanh thương mại hình thành sẽ làm công tác thương mại, những loại gạo an toàn, truy xuất được nguồn gốc của Lộc Trời sẽ đưa sang Trung Quốc để tiêu thụ.

Khi có đầu ra ổn định, ở Việt Nam sẽ tổ chức vùng nguyên liệu thật tốt, truy xuất được nguồn gốc an toàn, kiểm soát được quy trình. Khi ấy, thị phần sẽ ngày càng phát triển, không còn bấp bênh nữa.

Ngoài gạo của Lộc Trời, nếu Trung Quốc có nhu cầu với những loại gạo đang phổ biến ở Việt Nam với khối lượng lớn và đặt hàng, phía Lộc Trời có thể tổ chức sản xuất ra hàng trăm ngàn tấn bán theo nhu cầu của họ", PGS.TS Dương Văn Chín cho biết.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-viet--trung-phoi-hop-trong-lua-ban-sang-trung-quoc-3335265/