Doanh nghiệp Việt nên bỏ thói quen “nhái”

ICTnews – Với việc phát triển dịch vụ trực tuyến như hiện nay, một công ty Việt Nam có thể chọn cách cũ là "nhái" lại để thành công nhỏ, nhưng nếu muốn thành công có tầm cỡ thì cần phải rũ bỏ thói quen này mà thay vào đó là quan sát ý tưởng của thế giới để từ đó xây dựng nên ý tưởng riêng của mình.

"Nếu muốn thành công có tầm cỡ thì cần phải rũ bỏ thói quen "nhái" mà thay vào đó là quan sát ý tưởng của thế giới để từ đó xây dựng nên ý tưởng riêng của mình, sáng tạo trong sản phẩm để tạo ra các sản phẩm khác biệt và làm chủ trong công nghệ để có thể xây lên bất cứ sản phẩm nào mình muốn", ông Nguyễn Thế Tân - Phó Tổng giám đốc VC Corp.

Đi một bước, bị bỏ xa thêm 10 bước

Một số doanh nghiệp cho rằng nếu được đối xử công bằng, họ có thể thoải mái cạnh tranh được với các dịch vụ trực tuyến như Google và Facebook tại Việt Nam, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác cho rằng đó là một điều không thể.

Khi nói về dịch vụ tìm kiếm ở Việt Nam so với tầm Google, ông Hồ Minh Đức, Phó tổng giám đốc của Naiscorp, đơn vị sở hữu Socbay.com, đã khẳng khái thừa nhận rằng, đây là một sự so sánh khập khiễng.

“Cùng với xu hướng phát triển, ở Việt Nam cách đây hơn 3 năm chúng ta nhận thấy sự phát triển như nấm sau mưa của gần 20 trang web tự gọi mình là công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, sự phát triển công cụ tìm kiếm đòi hỏi sử bền bỉ, vốn đầu tư lớn và đặc biệt nhất là công nghệ. Sự phát triển ồ ạt và không có chiến lược rõ ràng đó đã phải trả giá, và cụ thể là có hơn 2/3 các website trên đóng cửa hoặc chuyển sang mô hình khác. Các cộng cụ tìm kiếm Việt Nam tập trung theo tìm kiếm theo chiều dọc (tìm kiếm theo từng lĩnh vực chuyên biệt) như nhạc, hình ảnh, clip, tin tức…Để nói cạnh tranh với Google là một điều khập khiễng, bởi Google vẫn chiếm 98% thị phần tìm kiếm trên internet Việt Nam”, ông Đức nhấn mạnh.

Cũng nói về sự cạnh tranh này, ông Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc công ty Cổ phần Truyền thông Viêt Nam (VCCorp) cho rằng: “hiện nay ở Việt nam có nhiều nỗ lực "sao chép" lại các sản phẩm thành công của Google, Facebook, tuy vậy theo tôi cho tới thời điểm này chúng ta vẫn chưa có bất kỳ một dịch vụ nào có thể đủ tầm để so sánh được với các công ty lớn này về sự đông đảo của người sử dụng, về chất lượng dịch vụ, về công nghệ nền tảng và đặc biệt là tốc độ sáng tạo, tốc độ thay đổi. Khi chúng ta sao chép họ được một bước thì họ đã tiến thêm mười bước khiến cho khoảng cách ngày càng rộng ra”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trà Thu, Giám đốc của công ty FTC Online cũng đánh giá khả năng cạnh tranh tại thời điểm này ở lĩnh vực dịch vụ trực tuyến với nước ngoài như Google hay Facebook là chưa thể. Chúng ta đang tập trung vào khai thác tối đa các ưu thế của công cụ tìm kiếm và mạng xã hội của nước ngoài phục vụ mục đích phát triển cho các dịch vụ của chính các công ty. Với tình hình về sự phát triển công nghệ hiện tại thì chúng ta sẽ rất lâu hoặc có thể nói khó có bước tiến để bắt kịp các đại gia công nghệ trên thế giới hiện tại.

Cần rũ bỏ thói quen “nhái”

Theo ông Hồ Minh Đức, đối với một doanh nghiệp nói chung chờ đợi vào sự thay đổi vĩ mô hoặc chính sách có thể là một sai lầm phải trả giá rất đắt. Chúng tôi cũng đã từng có một sai lầm như vậy cách đây 6 năm khi chúng tôi vừa mới thành lập Naiscorp và xây dựng sản phẩm tìm kiếm tiếng Việt Socbay. Chúng tôi đã lên kế hoạch với giả định một hệ thống thanh toán dễ dàng , tiện lợi sẽ xuất hiện vào năm 2009. Tuy nhiên, như thực tế chứng minh cho tới thời điểm này, thị trường chúng ta vẫn còn loay hoay với vấn đề mà trong thị cộng đồng doanh nghiệp trực tuyến gọi là “muôn thủa” (Người dân vẫn thanh toán bằng tiền mặt là chính – PV)

Do vậy, tìm chấp chấp nhận thực tế và tình hình là điều mà chúng tôi nghĩ các doanh nghiệp nên làm. Trước sự cạnh tranh không bình đẳng từ các doanh nghiệp nước ngoài trên nhiều khía cạnh trong đó phần bất lợi nghiêng về các doanh nghiệp nội thì điều này lại càng cần thiết hơn. Bên cạnh đó, để thành công trong lĩnh vực trực tuyến, sản phẩm của chúng ta phải thật sự đáp ứng được nhu cầu người Việt và dựa trên các thói quen của người Việt để chinh phục họ. Đó chính cũng là lợi thế của doanh nghiệp Việt. Người dùng sẽ không quan tâm đến sản phẩm Việt hay ngoại, cái nào tốt hơn, dễ sử dụng hơn và đáng tin cậy hơn họ sẽ dùng.

Ông Nguyễn Thế Tân, cũng cho rằng, vào thời điểm này hầu như không thể đuổi kịp được Google hay FaceBook. Tuy vậy, hiện tại một cuộc đại cách mạng về Internet với các thay đổi lớn lao (khi mà nền kinh tế offline đang dịch chuyển mạnh mẽ sang online và mobile) đang tạo ra cơ hội cho các công ty Việt nam trong việc đuổi theo, bắt kịp và thậm chí vượt qua các công ty hiện tại bằng các dịch vụ mới hoàn toàn.

"Nếu các công ty Việt Nam tiếp tục cách làm cũ là "nhái" lại những gì Tây đã làm thành công thì câu chuyện đuổi theo người dẫn đầu sẽ lặp lại không phải với Google, FaceBook mà là với một công ty mới nào đó. Trước cơ hội lớn này, một công ty Việt Nam có thể chọn cách cũ là "nhái" lại để thành công nhỏ, nhưng nếu muốn thành công có tầm cỡ thì cần phải rũ bỏ thói quen "nhái" mà thay vào đó là quan sát ý tưởng của thế giới để từ đó xây dựng nên ý tưởng riêng của mình, sáng tạo trong sản phẩm để tạo ra các sản phẩm khác biệt và làm chủ trong công nghệ để có thể xây lên bất cứ sản phẩm nào mình muốn" ông Tân nói.

Ông Nguyễn Trà Thu cũng khẳng định, để cạnh tranh với các dịch vụ trực tuyến của nước ngoài thì các Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi lớn nhất đó là tầm nhìn và khả năng nghiên cứu đưa ra các sản phẩm gần gũi với người sử dụng, tính thuần Việt cao. Phải dựa vào tinh thần văn hóa Việt, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng Việt và khả năng công nghệ hiện có để tạo ra một sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước. Từng bước tạo lợi thế cạnh tranh trước các sản phẩm nước ngoài.

Lê Mỹ

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/home/Internet/77/Doanh-nghiep-Viet%C2%A0nen-bo%C2%A0thoi-quen%C2%A0nhai/101800/index.ict