Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước tự kiểm tra để phát hiện hành vi tham nhũng

Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thực hiện tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình.

Theo Kế hoạch số 01/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2020, thành phố Hà Nội đặt ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chính cho công tác này.

Về thực hiện công tác PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, thành phố xác định thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng tại khu vực ngoài nhà nước.

Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân.

Đẩy mạnh công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn Thành phố theo Đề án số 56-ĐA/BCĐ của Ban Chỉ đạo chương trình 07-Ctr/TU ngày 25-11-2019.

Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, căn cứ vào quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình; thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, kiểm soát xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thực hiện tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình.

Đồng thời, có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định; xác định rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị.

Các Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; giám sát việc chấp hành pháp luật về PCTN của thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doanh-nghiep-to-chuc-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-tu-kiem-tra-de-phat-hien-hanh-vi-tham-nhung-183048.html