Doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu mới trong thị trường cũ

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng đầu tiên trong năm 2024 tăng trưởng 2 con số. Đó là một phần từ nỗ lực duy trì thị trường truyền thống, xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm cơ hội với những đối tác tiềm năng, từ đó mà năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng được cải thiện rõ nét.

Mạnh dạn tiếp cận và chủ động chinh phục thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp này đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm mới, sứ vệ sinh, sen vòi sang các thị trường Mỹ và châu Âu với doanh số 3 triệu USD. Điều này đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu của công ty mẹ năm 2024 với đích đến doanh số xuất khẩu đạt 63 triệu USD.

Ông Nguyễn Mạnh Hiếu - Tổng Giám đốc CTCP Thương mại Viglacera cho biết: "Năm 2024 chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác xuất khẩu, trong đó, tập trung vào thị trường lớn như châu Âu và Mỹ. Tăng thị trường xuất khẩu nhằm giải quyết vấn đề hiện nay vì thị trường trong nước khá ảm đạm. Ngoài ra, để đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, chúng tôi hướng đến nâng cấp hơn nữa các tiêu chuẩn về chất lượng".

Doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu mới trong thị trường cũ

Với các thị trường cũ nhưng nhiều doanh nghiệp đã làm mới khi tìm được các thị trường ngách. Công ty này trước đây chỉ xuất khẩu các sản phẩm thấu kính, thì nay định hướng triển khai mạnh các dòng hàng mới, liên quan đến y tế và công nghệ.

Ông Nguyễn Thế Huy - Phó TGĐ Công ty TNHH Tamron Optical Việt Nam chia sẻ: "Năm 2024 chúng tôi sẽ cố gắng phát triển nhiều sản phẩm mới, nhiều ngành nghề mới. Ví dụ như tập trung phát triển sản phẩm nội soi về mặt y tế, đồng thời hiện tại chúng tôi đang dấn sang mảng camera ô tô giám sát trong những năm tới. Chủ yếu là xuất khẩu sang Nhật, châu Âu, Trung Mỹ".

Mức độ suy giảm xuất khẩu ngày càng được thu hẹp từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn dưới 5% vào cuối năm 2023. Việc đa dạng hóa thị trường thông qua các Hiệp định thương mại tự do giúp xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng mạnh. Tỷ lệ tận dụng các FTA ở các mặt hàng chế biến chế tạo tăng đột biến như linh kiện điện tử (trên 30%), dệt may - da giày (trên 20%).

Việc đa dạng hóa thị trường thông qua các Hiệp định thương mại tự do giúp xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng mạnh

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ: "Tận dụng tối đa những tiềm năng của thị trường, đặc biệt là những thị trường lân cận của chúng ta, nơi mà có Hiệp định thương mại tự do với những ưu đãi lớn như RCEP, ASEAN, FTA... Ngoài ra còn có những thị trường mới có nhiều tiềm năng khai thác như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ..."

Ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: "Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cũng cần có nhiều sáng tạo để vượt qua. Thứ nhất là nắm vững tình hình để kết nối, nắm được tình hình thay đổi nhu cầu của thị trường là rất quan trọng. Thứ hai là thay đổi sản phẩm".

Khó khăn đan xen nhưng không phải không có cơ hội nếu các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thực sự hiểu biết về thị trường và một chiến lược bài bản trong dài hạn để đẩy mạnh sản phẩm sang các thị trường truyền thống, đồng thời sẵn sàng khai phá nhiều thị trường mới.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/doanh-nghiep-tim-huong-xuat-khau-moi-trong-thi-truong-cu-220306.htm