Doanh nghiệp thoi thóp chờ thời

5 tháng đầu năm 2023 có gần 2.200 DN bất động sản (BĐS) dừng kinh doanh, trước bối cảnh thị trường tiếp tục trầm lắng. Trái ngược với những dự báo về sự phục hồi, cơn khủng hoảng của ngành BĐS vẫn đang tiếp tục kéo dài.

Hàng nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân. Thị trường luôn trong trạng thái thiếu vắng khách hàng bởi sản phẩm nghèo nàn, phần lớn đến từ dự án cũ, không đủ sức hấp dẫn.

Thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua. Ảnh: Hải Linh

Lãi suất tiền gửi cao, hấp dẫn nên thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng vào kênh ngân hàng. Niềm tin vào thị trường ngày càng sụt giảm. Bên cạnh đó là lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính do tình hình kinh tế chung.

Tình trạng thiếu nguồn cung phù hợp, cộng với dòng tiền yếu và niềm tin bị sụt giảm, khiến cho lượng giao dịch liên tục theo chiều hướng đi xuống. Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ chung trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ đã tạo ra những “chiếc phao” cứu thị trường và DN để giãn, hoãn các khoản nợ, kéo dài thời hạn trả nợ như Nghị quyết 33/2023/NQ-CP, Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị định 43/NĐ-CP, Thông tư 02/2023/TT-NHNN...

Lãi suất cho vay từ ngân hàng giảm nhẹ vào đầu năm nay nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của DN. Áp lực lãi suất khiến sức khỏe của DN vốn đã yếu lại ngày càng suy giảm, trong khi thiếu vốn để sản xuất, đầu tư, kinh doanh, ngân hàng vẫn tiếp tục siết chặt các nguồn cho vay (đặc biệt là những DN rơi vào nhóm đối tượng cho giãn, hoãn). Kênh huy động vốn qua trái phiếu bị kiểm soát, gây áp lực lớn cho người mua nhà và chủ đầu tư.

Theo số liệu khảo sát từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 DN BĐS giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.660 DN, tăng 57%. Như vậy, tổng cộng có gần 2.200 đơn vị trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đã rút lui khỏi thị trường.

Một số DN lớn còn hoạt động thì tiếp tục quá trình thanh lọc nhân sự gay gắt, như: Tập đoàn Đất Xanh cắt giảm thêm gần 1.400 người so với cuối năm 2022, Vinhomes cũng cắt giảm trên 1.500 nhân sự...

Đồng thời, hơn 90% DN BĐS doanh thu quý I/2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tới 39% DN giảm 20 - 50% và 61% DN tụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Một số DN quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu 70 - 80%...

“Những chính sách của Chính phủ chỉ có tác động giúp DN cầm chừng, thay vì “đóng băng” tại thời điểm này thì kéo dài hơn tình trạng “ngộp thở, thoi thóp” và chuyển sang “đóng băng” vào thời điểm khác.

Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường BĐS mà còn kéo theo sự trì trệ của hàng loạt ngành nghề liên quan khác. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản phá sản của hàng loạt đối tượng, từ DN đầu tư, phát triển BĐS đến DN kinh doanh dịch vụ BĐS và Môi giới BĐS. Hậu quả này sẽ trở thành vấn nạn cho cả nền kinh tế” – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Nguyễn Chí Thanh nhìn nhận.

Phân loại nhóm khó khăn để xử lý

Tại văn bản phản hồi ý kiến của các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian gần đây, số DN BĐS rút lui khỏi thị trường tăng mạnh, thuộc nhóm DN chịu áp lực, bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi số lượng rút lui tăng cao hơn nhiều so với số lượng gia nhập và tái gia nhập.

Hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành đang thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn như tập trung ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng để DN thêm nguồn lực phục hồi, phát triển.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực thi chính sách tài khóa hỗ trợ DN như giảm thuế, phí, gia hạn chính sách cho vay trả lương, hỗ trợ người lao động thuê nhà giúp DN giảm chi phí. Giải quyết các quy định pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, dựa trên việc “bắt mạch” sức khỏe của từng DN trong giai đoạn hiện nay, cần phải phân loại nhóm DN khó khăn để xử lý.

Cụ thể, đối với DN còn lực, khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp vướng mắc để thoát khỏi trạng thái nguy hiểm, tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, ưu tiên dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thực, đặc biệt lưu ý DN lớn, ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Đối với DN yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản thủ tục pháp lý sẽ tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư, nhằm mục đích kết nối chủ đầu tư với nhà đầu tư để thực hiện kêu gọi đầu tư hoặc M&A.

BĐS là lĩnh vực kinh doanh rất rộng, chịu sự chi phối, điều chỉnh của hàng chục Bộ Luật, Luật chuyên ngành khác nhau và có đến hàng trăm Nghị định, Thông tư hướng dẫn đi kèm. Thời gian qua, nhiều luật quan trọng điều chỉnh trực tiếp đến hoạt động kinh doanh BĐS nhưng tiến độ công tác nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh toàn diện để ban hành sửa đổi thay thế diễn ra còn chậm, chất lượng xây dựng luật còn hạn chế... Đó là lý do căn bản gây nên sự ách tắc trong phê duyệt và bổ sung nguồn cung dự án BĐS trong thời gian qua.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Đào tạo BĐS Nguyễn Đức Lập

Đối với DN có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, không còn đủ năng lực triển khai dự án, Nhà nước hỗ trợ, thực hiện việc mua lại dự án sau đó hoàn thiện thủ tục vướng mắc tồn tại, rồi thực hiện đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện.

“Song song với đó, Chính phủ cần tiếp tục có các giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc chung cho toàn thị trường, hỗ trợ giãn thời gian nộp thuế DN, thuế thu nhập, giảm thuế…

Đối với DN BĐS, cần tiếp tục tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn giữ được khả năng kinh doanh, duy trì hệ thống điều hành trong điều kiện cắt giảm chi phí. Đồng thời phát triển nguồn hàng mới, phân khúc hàng hóa mới. Bên cạnh việc duy trì, phát triển tệp khách hàng truyền thống có giải pháp phát triển tệp khách hàng mới” – ông Nguyễn Văn Đính phân tích.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, mặc dù thị trường BĐS vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ đầu năm đến nay liên tục tăng, mang lại những dấu hiệu tích cực.

Năm 2023 được xem là năm quyết định đến sự sống còn của DN BĐS, nhưng qua giai đoạn thử thách này sẽ giúp DN chuyên nghiệp, đủ tiềm lực tiếp tục phát triển và thanh lọc những DN năng lực yếu kém, không còn đủ sức cạnh tranh.

“Bên cạnh sự nỗ lực của DN thì cũng cần hàng động nhanh và quyết liệt hơn từ Chính phủ, các bộ, ngành. Hiện nay, khó khăn nhất của DN là vấn đề vốn, vì vậy đề nghị Bộ Tài Chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 08/ND-CP vào đầu quý IV/2023, để tiếp tục xây dựng thị trường trái phiếu DN những năm tiếp theo” - ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-thoi-thop-cho-thoi.html