Doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường nước ngoài

Ngày 25-12, tại buổi gặp gỡ giữa đại diện các tỉnh, thành phố phía nam với các tham tán thương mại ở TP Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Bình Định, Đác Lắc và nhiều địa phương bày tỏ tình trạng các doanh nghiệp (DN) nhỏ đang gặp nhiều lúng túng, khó khăn, giảm hiệu quả khi xúc tiến xuất khẩu.

Nguyên nhân do ở xa, thiếu thông tin thị trường nước ngoài (TTTTNN), thiếu kết nối với các cơ quan trung ương và tham tán nước ngoài. Thậm chí, một số DN của tỉnh Bình Định bị lỗ nặng do thiếu TTTTNN, đã vội vay vốn ngân hàng để đầu tư sang Cam-pu-chia trồng cao-su.

Thời gian gần đây, nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu trị giá hàng trăm triệu USD bị trả về do không vượt qua được hàng rào kỹ thuật khắt khe luôn đuợc cập nhật, nhân danh bảo vệ người tiêu dùng và cũng là biện pháp hạn chế nhập khẩu tự vệ hợp pháp của nước sở tại thành viên WTO trong bối cảnh hội nhập và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) tại Hội thảo "Đáp ứng tiêu chuẩn - Chiếm lĩnh thị trường: Giải pháp tháo gỡ thách thức đối với chuỗi giá trị thủy sản trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại" ngày 21-3-2013 tại Hà Nội, thì Việt Nam là một trong ba nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu cá và sản phẩm thủy sản (theo số liệu tuyệt đối) tại bốn thị trường nhập khẩu lớn là EU, Mỹ, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a. Nhìn rộng ra, thông tin và yêu cầu thông tin thị trưòng đầy đủ, chính xác và kịp thời ngày càng trở thành nhân tố "đầu vào" quan trọng, thậm chí quyết định thành công hay thất bại trong các hoạt động lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh, cả cấp vĩ mô, lẫn vi mô, cả hiện tại và tương lai. Nắm chắc và xử lý tốt thông tin thị trường nước ngoài không chỉ giúp DN và địa phương "chào hàng" đáp ứng đúng nhu cầu, yêu cầu thị trường xuất khẩu và bảo đảm lợi nhuận cần thiết, mà còn cho phép giữ vững và mở rộng sức cạnh tranh, thị phần, giảm hàng tồn kho và các rủi ro khác trong hoạt động xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, TTTTNN cho các cơ quan quản lý và DN địa phương là rất cần, nhưng lại rất thiếu và có chi phí lớn, không thuận lợi trong khai thác, sử dụng; đặc biệt là các thông tin cơ bản nhất về các chỉ số kinh tế, tình hình chính trị, tập quán và thói quen tiêu dùng; các tài liệu, báo cáo, hiệp định, chính sách, biểu thuế; các địa chỉ và email, điện thoại hoặc website của các tổ chức hỗ trợ kinh tế và các đối tác thị trường xuất, nhập khẩu; cũng như loại thông tin thường ngày, cụ thể liên quan đến tình hình xuất, nhập khẩu, quy mô, cơ cấu nhu cầu, thị hiếu, mẫu mã, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng, cập nhật các quy định chính sách thuế, thủ tục hải quan, vận tải, hệ thống phân phối và các thông tin theo yêu cầu "đặt hàng" cụ thể khác...

Việc đa dạng hóa thông tin kinh tế nói chung, TTTTNN nói riêng, trên cơ sở các kênh cung cấp, trao đổi thông tin tổng hợp và chuyên sâu, xây dựng quy chế phối hợp và hoạt động chuyên nghiệp, chặt chẽ, hiệu quả để hỗ trợ địa phương và DN, phải trở thành nhận thức và hành động chung; đồng thời, phải trở thành nhiệm vụ cụ thể thường xuyên được phân công và phối hợp thực hiện chặt chẽ hằng ngày của Bộ Công thương và các Bộ chức năng, các cơ quan Tham tán, đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Sự kiện Bộ Công thương ngày 9-9 đã khai trương Cổng Thông tin thị trường nước ngoài (http://thitruongnuocngoai.vn và www.ttnn.com.vn) như là một phương thức mới thu thập và cung cấp TTTTNN, cầu nối trực tiếp giữa cơ quan thương vụ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với cộng đồng doanh nghiệp trong nước...chính là một trong số các nỗ lực mới đáng ghi nhận và hoan nghênh theo tinh thần đó.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/22009002-doanh-nghiep-thieu-thong-tin-thi-truong-nuoc-ngoai.html