Doanh nghiệp than: 'Phải có đến 50% cán bộ đi chơi, ngồi bói chữ nhiều hơn là làm'

Mặc dù đã có nhiều cải cách nhưng doanh nghiệp vẫn phàn nàn rằng phải chịu nhiều gánh nặng cả về chi phí chính thức và không chính thức. Điều này là do sự thờ ơ của người thực thi công vụ, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp - Ảnh: VGP

Chi phí không chính thức còn cao

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 17.5, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, mặc dù đã có nhiều cải cách nhưng doanh nghiệp vẫn chịu nhiều gánh nặng về chi phí chính thức và không chính thức.

Các loại chi phí không chính thức trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tiếp cận vốn ngân hàng, chấp hành pháp luật thuế, môi trường, an toàn thực phẩm… vẫn còn cao và thủ tục hành chính còn lòng vòng, làm gia tăng chi phí chính thức cho doanh nghiệp.

“Dù chi phí này đã giảm từ 25% năm 2015 xuống còn 18,8% trong năm 2016 nhưng điều này vẫn ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của doanh nghiệp, vô tình đẩy giá sản phẩm lên cao, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng”, ông Thân nói.

Về chi phí chính thức, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, thế nhưng chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Theo ông Thân, điều này thể hiện ở sự thờ ơ của những người thực thi công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

“Vì sự yếu kém trong khâu thực thi đã dẫn đến tình trạng nếu doanh nghiệp muốn được việc thì phải chung chi theo kiểu của công chia ba, của nhà chia đôi. Đây là vấn đề tương đối phổ biến. Về phía doanh nghiệp, do chạy theo xu thế kinh doanh bằng quan hệ thay thế cho năng lực yếu kém của mình nên đã chủ động chi ngầm để có được các thuận lợi trong kinh doanh. Một số doanh nghiệp do bị sức ép đòi hỏi từ phía cán bộ, công chức nên phải chi ngầm để được việc”, ông Thân nhận định.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói rằng nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân.

Để khắc phục hiện tượng này, ông Thân nói phải có sự chung tay từ cả hai phía là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. “Chỉ như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và bền vững. Các doanh nghiệp cần phải tạo thói quen ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện nói không với tiêu cực”, ông Thân nhận định.

Đồng quan điểm với ông Thân, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định việc tăng chi phí chính thức là do doanh nghiệp, nhưng chi phí không chính thức là do Nhà nước. Vì vậy, ông đề nghị cơ quan ban ngành cần quan tâm đến kiến nghị này.

Tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay. Đặc biệt, từ tháng 9.2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3 - 0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

“Mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh, chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011, phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát; đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, tổ chức tín dụng và khách hàng vay.

So sánh với một số nước trong khu vực như Myanmar với lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4%. Đây vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô”, ông Hưng cho biết.

Ông Lê Minh Hưng nói rằng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

“Nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện còn rất lớn. Mặc dù ngành ngân hàng đã rất tích cực huy động vốn để đảm bảo đáp ứng cho nền kinh tế, song một phần lớn nguồn lực vẫn còn chưa được khơi thông, đang nằm ở các khoản nợ xấu và các tài sản bảo đảm chưa được xử lý”, ông Hưng nói thêm.

Cán bộ đi chơi nhiều hơn làm

Mở đầu phần phát biểu của mình, ông Nguyễn Hữu Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, nói rằng Chính phủ cần nghe sự thật và không nói thành tích, do đó ông xin đi thẳng vào vấn đề.

Theo ông, tất cả doanh nghiệp đều muốn có hiệu quả từ Nghị quyết 35, đó là cần tăng cường đội ngũ cán bộ công chức viên chức, thế nên ông đề nghị công tác tổ chức cán bộ phải thay đổi.

“Có thể nói là chúng ta đang thừa cán bộ. Theo tôi, bây giờ phải có đến 50% cán bộ đi chơi, ngồi bói chữ nhiều hơn là làm. Do vậy, tôi đề nghị tránh việc mua quan bán chức, như vậy mới chọn được người tài, người có năng lực theo tinh thần của Thủ tướng đã nêu… Tôi mong muốn Nghị quyết 35 phải thành công hơn nữa và phải phát huy Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị, nhưng hiệu quả vẫn còn chưa đáp ứng. Ví dụ, tại Hải Phòng, chính quyền động viên doanh nghiệp bỏ 50 tỉ để xây dựng bến xe, sau khi đầu tư xong thì không cho. Tôi đề nghị đưa Nghị quyết 04 vào thực hiện thí điểm tại Hải Phòng”, ông Đệ khẳng định.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng thống nhất với quan điểm trong Nghị quyết Trung ương 5, đó là khi Nhà nước khó khăn, nếu doanh nghiệp đầu tư được thì Nhà nước không đầu tư. Ông nói: “Cứ lấy tiền Nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn. Tôi lấy ví dụ, bây giờ có nhiều bệnh viện tư đăng ký làm nhưng cấp tỉnh không cho làm. Chính phủ nên chỉ đạo sát sao vấn đề này vì nó đang "nở như hoa" ở rất nhiều tỉnh, thành phố”.

Đề cập đến vấn đề khám chữa bệnh cho người nghèo, ông Đệ nói trước đây bệnh viên tư nhân được khám chữa bệnh cho người nghèo rất suôn sẻ, hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi Chính phủ có chính sách cho người nghèo tiền ăn, đi lại thì lại có chính sách chuyển vấn đề này cho bệnh viện công.

“Nhiều nơi viện lý do đây là nhiệm vụ chính trị trong khi bệnh viện công đang quá tải. Nếu là nhiệm vụ chính trị thì tư nhân cũng làm được, cùng chia sẻ với Nhà nước. Trước đây, bệnh viện tư chúng tôi kiểm soát bệnh án khám bệnh cho người dị tật, dị dạng do chất độc da cam nhưng nay lại ra thông tư không cho bệnh viện tư thực hiện. Nếu khám chữa bệnh ở bệnh viện tư thì lại ra chỗ khác để xin chứng nhận giám định. Đây là bất hợp lý”, ông Đệ nói thêm.

Doanh nghiệp nội đang có phần "hụt hơi"

Theo ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC, Việt Nam được nhìn nhận là một thị trường nhân công rẻ với đặc thù dân số trẻ và tăng nhanh. Thế nhưng, hiện nay Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất của thế giới.

“Trước đây, chúng ta được nhìn nhận là một công xưởng với những dự án nhỏ, sử dụng nhân công giá rẻ. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất với các dự án lớn, những hợp đồng hàng tỉ USD, sản xuất những hàng hóa có giá trị cao. Cộng thêm những cam kết về một Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo, đã tạo được sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp thời gian vừa qua”, ông Hải nhận định.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc HSBC vẫn có 3 kiến nghị dành cho Chính phủ.

Thứ nhất là để tận dụng được làn sóng FDI thời gian gần đây, Việt Nam cần quan tâm đến yếu tố môi trường và vấn đề liên kết của doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp FDI. “Chúng ta thấy rằng một đất nước muốn phát triển, không thể chỉ dựa vào lợi thế của nhân công giá rẻ, mà cần xây dựng chiến lược trọng tâm về những ngành trọng tâm mũi nhọn mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Chúng ta cần đầu tư công nghệ để có thể phát triển, cạnh tranh bền vững”.

Thứ hai là năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Do đó, cần đẩy mạnh cải cách giáo dục, sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau để có thể nâng cao chất lượng giáo dục, áp dụng công nghệ vào trong phổ biến giáo dục và phải đưa tiếng Anh vào một số môn học. Đồng thời, khuyến khích sự phản biện và sáng tạo trong giáo dục. Cải cách giáo dục sẽ nâng năng suất lao động của người Việt Nam lên rất nhanh.

Thứ ba là Việt Nam đang rất quyết liệt trong quá trình gia nhập TPP, song hiện nay chúng ta vẫn chưa biết tương lai của TPP như thế nào. Mặc dù Chính phủ đã có những cam kết về TPP, thế nhưng ông Hải vẫn kiến nghị cần có những cải cách để tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam sắp tới.

“Thời gian gần đây, chúng ta nhìn thấy một số doanh nghiệp Việt Nam có phần hụt hơi trong quá trình cạnh tranh với doanh nghiệp FDI, vậy thì làm sao để chúng ta tăng tính cạnh tranh lên? Một đất nước chỉ có thể phát triển bền vững khi có những doanh nghiệp nội phát triển mạnh mẽ, bền vững. Để có thể phát triển, tồn tại trong tương lai, theo tôi doanh nghiệp Việt cần thật sự cải cách, nâng cao giá trị cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững và tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI. Đây là những bài toán của doanh nghiệp Việt có thể phát triển bền vững.

Việt Nam đang có lợi thế rất lớn so với các nước trong khu vực khi dựa vào nhân công giá rẻ, cộng thêm làn sóng FDI vào Việt Nam. Đây chính là cơ hội vàng của Việt Nam. Tôi rất hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách để đưa Việt Nam trở thành một con hổ mới của châu Á”, ông Hải nói thêm.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/doanh-nghiep-than-phai-co-den-50-can-bo-di-choi-ngoi-boi-chu-nhieu-hon-la-lam-63259.html