Doanh nghiệp tại Nhật Bản phát hành tiền ảo có giá trị liên kết với vàng

Tập đoàn thương mại Mitsu & Co. dự định sẽ phát hành một loại tiền kỹ thuật số (tiền ảo) gọi là zipang coin (ZPG) trong nửa đầu tháng 2 này. Theo Nikkei Asia, ZPG có giá trị được liên kết với vàng và có thể được bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ thông qua các sàn giao dịch tiền mã hóa.

Giá trị của đồng Zipang sẽ được liên kết với cùng lượng vàng mà Mitsui mua từ Sàn giao dịch kim loại London bằng đồng yen. Ảnh: Reuters/Nikkei Asia

Đây có thể được xem là tiền ảo đầu tiên của Nhật Bản được gắn với vàng. Bitcoin và các loại tiền ảo khác không được hỗ trợ bởi các tài sản hữu hình, bởi vậy giá tăng phi tiễn hay lao dốc liên tục. Trong khi đó, giá trị của loại tiền ảo ZPG sẽ ít biến động hơn bởi giá trị được bảo đảm bằng lượng vàng được Mitsui mua với giá bằng đồng yen từ Sàn giao dịch kim loại London. Giá trị của một ZPG sẽ tương đương với một gram vàng và được ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking đảm bảo.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và đồng bitcoin trồi sụt như hiện nay, ZPG liên kết với giá vàng gợi nhớ đến chế độ “bản vị vàng” tồn tại trước năm 1978 khi các ngân hàng trung ương phát hành tiền giấy.

Mitsui đã thiết lập một sàn giao dịch tiền ảo với Seven Bank và các ngân hàng khác. ZPG hiện đã được Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) của chính phủ trung ương thông qua. Mitsui cũng đã đăng ký ZPG với Cục Tài chính địa phương khu vực Kanto.

Đồng tiền ảo mới sẽ được bán trước tiên trên sàn giao dịch của Mitsui và sau đó sẽ xuất hiện trên các sàn khác. Các sàn giao dịch đã đăng ký với chính phủ sẽ được yêu cầu xác minh danh tính của người dùng. Blockchain được sử dụng để xác nhận tài sản mã hóa là blockchain riêng tư với quản trị viên, thay vì blockchain công khai không có quản trị viên, nhằm giới hạn số lượng người dùng, bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn rửa tiền.

Vàng được sử dụng như một tài sản thực để giảm thiểu rủi ro và phòng ngừa lạm phát. Kim loại quý này cũng có thể được đầu tư vào các quỹ trao đổi, nhưng một số người cho rằng việc gắn vàng với tiền ảo sẽ giúp những người trẻ tuổi quản lý tài sản tốt hơn.

ZPG cho phép người dùng mua hàng tại các điểm bán lẻ trực thuộc hay liên kết với Mitsui & Co. thông qua một ứng dụng trên smartphone giống như các hệ thống thanh toán kỹ thuật số khác. Chẳng hạn, người dùng sẽ cài đặt ứng dụng ví điện tử trên smartphone để mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị.

Nhật Bản mới chỉ bắt đầu “nồng nhiệt” với ý tưởng phát hành tiền tệ kỹ thuật số của riêng mình. Vào tháng 11-2021, 74 công ty và tổ chức – bao gồm 3 ngân hàng lớn của Nhật Bản và NTT Group – đã thông báo rằng họ sẽ thử nghiệm tiền ảo DCJPY được hỗ trợ bằng tiền gửi ngân hàng. Kế hoạch của các công ty trên là đồng DCJPY có thể dùng để thanh toán giữa nhóm này trong nửa cuối năm nay.

Các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ cũng bắt đầu kết hợp tiền ảo vào các dịch vụ thanh toán của họ. Hồi tháng 3-2021, Twitter đã giới thiệu tính năng Tip Jar cho phép người dùng “tặng” tiền cho nhau, bằng tiền mặt hoặc bitcoin. Trước đó, hồi tháng 3 Paypal Holdings cũng khai trương dịch vụ thanh toán các chi phí hàng ngày bằng bitcoin và các loại tiền ảo khác ở Mỹ.

Amazon cũng thu hút sự chú ý bằng cách chạy quảng cáo cho một loại tiền ảo và blockchain.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang thắt chặt các hạn chế đối với tiền ảo và Nhật Bản không phải là ngoại lệ. FSA đã hạn chế các ngân hàng và hãng dịch vụ chuyển tiền phát hành tiền ảo được hỗ trợ bởi tiền tệ hợp pháp. Bộ Tài chính Nhật Bản quy định tiền ảo sẽ phải tuân theo các quy định giao dịch vốn theo luật ngoại hối.

Nhưng những động thái mới của Nhật Bản đối với tiền ảo là những bước đi tích cực. Tuy vậy, Nhật Bản có thể phải xem xét lại luật rửa tiền và các quy định tài chính khác nhằm giúp các loại tiền ảo phổ biến rộng rãi hơn.

Dù có vẻ chậm chạp so với các nước Đông Nam Á, nhưng các động thái của các doanh nghiệp và chính phủ Nhật Bản được xem là tích cực và đi trước các nước ASEAN trong việc chấp nhận các loại tiền ảo trong thanh toán. Dự kiến ngày 8-2 tới, Ngân hàng Thái Lan sẽ công bố các quy định mới đối với các loại tiền ảo đang được dùng thanh toán ở nước này. Trừ các hoạt động trên các sàn giao dịch hợp pháp do ngân hàng trung ương và Ủy ban Chứng khoán Thái Lan (SEC) cấp phép, người mua và người bán sẽ bị phạt 300.000 baht (9.000 đô la Mỹ) cộng thêm 10.000 baht mỗi ngày nếu tiếp tục vi phạm. Các nước Brunei, Indonesia và Malaysia cũng đã có những biện pháp tương tự. Tại các thị trường mà bitcoin và các tài sản số có khái niệm tương đối phổ biến như Việt Nam và Singapore, ngân hàng trung ương vẫn chưa cho phép thanh toán bằng tiền ảo. Từ tháng 9-2021, Singapore đã bắt đầu siết chặt quá trình cấp phép đối với các doanh nghiệp khai thác và kinh doanh tiền ảo.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-tai-nhat-ban-phat-hanh-tien-ao-co-gia-tri-lien-ket-voi-vang/