Doanh nghiệp nhỏ và vừa 'lơ là' việc xây dựng thương hiệu

Thương hiệu là một phần quan trọng trong giá trị tài sản doanh nghiệp, tuy nhiên việc xây dựng và phát triển thương hiệu là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa "lơ là" việc xây dựng thương hiệu. Ảnh minh họa: Hoàng Hải-TTXVN

Thương hiệu là một phần quan trọng trong giá trị tài sản đồng thời cũng là thước đo về mức độ thành công của của một doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thương hiệu là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay.

Doanh nhiệp "lơ là" xây dựng thương hiệu

Thương hiệu là dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ nào đó được sản xuất hay cung cấp bởi một cá nhân, tổ chức.

Thương hiệu đồng thời là những cảm nhận của xã hội, cộng đồng, khách hàng về sản phẩm, dịch vụ hoặc một đơn vị tổ chức.

Xét về giá trị, các chuyên gia cho rằng, thương hiệu là một phần quan trọng trong khối tài sản của doanh nghiệp, giá trị của thương hiệu có thể chiếm tới 70% tổng tài sản của một doanh nghiệp, thậm chí có những thương hiệu trở thành vô giá.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, thương hiệu là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tạo dựng và khẳng định được thương hiệu của mình.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Mỹ Châu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và Phát triển nguồn nhân lực Thái Bình Dương cho biết, nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ việc chúng ta đi sau trong quá trình hội nhập.

Mặc dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ hội nhập nhanh nhưng thời gian bắt đầu tham gia hội nhập của nước ta là khá trễ so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa theo kịp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường, cạnh tranh trực tiếp và ngày càng khốc liệt.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa lường trước về tình huống phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới ngay tại thị trường nội địa.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp đã triển khai xây dựng thương hiệu nhưng chưa có chiến lược, tầm nhìn dài hạn dẫn đến việc định vị sai vị trí của thương hiệu.

Dẫn chứng là một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã vô tình giới hạn đối tượng khách hàng trong phạm vi một quốc gia, vùng miền trong quá trình xây dựng thương hiệu nên khá khó khăn khi muốn vươn mình ra thị trường nước ngoài, thậm chí là khó tiếp cận các khách hàng là người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp khởi nghiệp, chị Vũ Thu Thủy, người xây dựng thương hiệu thời trang Erosstyle chia sẻ, các doanh nghiệp hiện nay đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là chi phí, bởi xây dựng thương hiệu không phải là một công đoạn mà là một quá trình xuyên suốt và khá tốn kém.

Trong khi đó, để trụ được các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường phải tập trung mọi nguồn lực vào sản xuất, thu hồi vốn và tái sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Một trở ngại khác được nhiều doanh nghiệp đề cập đến chính là thời gian xét hồ sơ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hiện nay quá dài, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chị Đào Nguyễn Hải Yến, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Tiên Đông cho biết, thời gian xét duyệt hồ sơ cấp chứng nhận bảo hộ cho một nhãn hàng thường kéo dài từ 1 đến 2 năm.

Trong khoảng thời gian đó, nếu tung sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị các đối thủ “nẫng tay trên” về quyền sử dụng thương hiệu, còn nếu ghim hàng chờ chứng nhận bảo hộ rất có thể sẽ đánh mất cơ hội kinh doanh khi hàng hóa bị lỗi thời.

Doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng thương hiệu

Xây dựng thương hiệu là yêu cầu tất yếu để các doanh nghiệp khẳng định giá trị của mình trên thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh tự do hóa về thương mại.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Mỹ Châu cho rằng, việc xây dựng thương hiệu phải được thực hiện đồng thời với quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Việc thực hiện song song này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được tình huống có sản phẩm mà chưa có thương hiệu hoặc ngược lại có thương hiệu nhưng chưa có sản phẩm thực tế.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Mỹ Châu, để xây dựng và phát triển thành công một thương hiệu đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược cụ thể, có tầm nhìn dài hạn, sự sáng tạo, khác biệt và phương pháp truyền thông hiệu quả.

Do đó, doanh nghiệp phải có sự đầu tư đúng mức cả về chi phí và nhân lực cho việc xây dựng thương hiệu, vì thực tế tất cả các doanh nghiệp lớn, các thương hiệu uy tín hiện nay đều có xuất phát điểm là doanh nghiệp nhỏ.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là việc bảo vệ thương hiệu.

Luật sư Lê Thị Thủy, Giám đốc công ty luật Lawlinhk Vietnam cho biết, hiện tượng vi phạm về sở hữu trí tuệ nhãn hiệu đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Điển hình là khi các sản phẩm có chất lượng bắt đầu được người tiêu dùng yêu thích thì trên thị trường nhanh chóng xuất hiện nhiều sản phẩm cùng loại, có nhãn hiệu hoặc bao bì, logo gần giống, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Do đó, việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp phải gắn liền với việc bảo vệ thương hiệu.

Luật Sở hữu trí tuệ không bắt buộc tất cả doanh nghiệp phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhưng muốn định vị và bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, các doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ tất cả các thành phần nhận diện thương hiệu như nhãn hiệu, logo, slogan, kiểu dáng sản phẩm, công thức chế biến…

Chỉ khi doanh nghiệp có đủ căn cứ pháp lý về quyền sở hữu thương hiệu thì mới có thể tránh được các tình huống cạnh tranh không lành mạnh và khẳng định được vị thế của doanh nghiệp khi tiếp cận, mở rộng thị trường.

Về chi phí, các chuyên gia cho rằng, với nền tảng công nghệ thông tin phát triển đa dạng như hiện nay, nếu tận dụng tốt các phương tiện truyền thông xã hội doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu với chi phí rất thấp.

Quan trọng nhất, thương hiệu của một doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững dựa trên chất lượng, sự khác biệt về giá trị mà sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó mang lại cho người tiêu dùng.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-lo-la-viec-xay-dung-thuong-hieu/54090.html