Doanh nghiệp “nhìn“ tiền ngân hàng như... “cáo ngắm chùm nho“

Tròn một tháng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành hạ lãi suất huy động lần một từ 14%/năm còn 13%/năm và tròn một tuần tính từ đợt hạ lãi suất lần hai về 12%, vẫn chưa có bất cứ một thống kê nào được phía ngân hàng (NH) đưa ra về số doanh nghiệp (DN) được vay vốn trên thực tế.

TIN LIÊN QUAN
Ngân hàng Nhà nước chưa "tròn vai"? Ngân hàng có thực sự là bạn đồng hành của doanh nghiệp? Sự "ương bướng" của lãi suất? NHNN hạ lãi suất và nới tín dụng, “thuốc” có đúng liều?

Ảnh minh họa.

Lãi suất được công bố mức hạ xuống được xem là khá hấp dẫn, nhưng nhiều DN cho rằng, đó mới chỉ là… con số, còn việc tiếp cận nguồn vốn lại là vấn đề khác.

Theo ông Ngô Đa Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần IDP, đa phần DN vừa và nhỏ như DN của ông cần vốn để đầu tư mở rộng quy mô làm ăn, nhưng không còn đủ tài sản để thế chấp cho khoản vay mới. “Trong khi đó, các tổ chức tín dụng đòi hỏi DN phải có tài sản đảm bảo với tỉ lệ cao hơn nhu cầu vay vốn khoảng 20-30% mới được duyệt hồ sơ – theo ông Thọ - Hầu hết DN nhỏ hiện giờ đều "yếu” và không có tài sản thế chấp”.

Với mức giảm lãi suất được công bố, Giám đốc Công ty TNHH Kim Mai - bà Kim Hoàng Mai nói rằng, không phải DN nào cũng có thể vay được vốn NH với mức lãi suất thông thường 16% hay 14,5% như thông báo.

Theo bà Mai, ngoài việc chứng minh khả năng tài chính, nợ cũ, khả năng trả nợ mới, có hoạt động chuyển – gửi tiền thường xuyên tại NH... thì đơn vị vay cũng phải là những "khách hàng ruột” và có quan hệ tốt mới được đáp ứng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc tiếp cận vốn của cả người dân lẫn DN hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đang còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn nông dân không có tài sản thế chấp, sản xuất lại có rủi ro cao nên ngân hàng cũng không mặn mà cho vay, vì thế tiếp cận vốn vẫn là điều khiến các hộ nuôi trồng thủy sản đau đầu.

Đối với các DN trong ngành thì ngay từ lần giảm lãi suất cách đây một tháng, không ít DN đã khấp khởi mừng thầm, hy vọng sẽ tiếp cận được vốn giá rẻ. Thế nhưng, cả tháng nay vẫn trong cảnh nằm chờ nuôi hy vọng. Vì thế, lần này dù NHNN cương quyết hơn, nhưng nhiều DN vẫn còn hết sức hoài nghi khả năng vay được vốn lãi suất thấp…

Phản ánh của một số DN xuất khẩu thủy sản cho hay, để vay được vốn NH lãi suất thấp, họ buộc phải thanh toán hàng xuất khẩu qua NH cho vay vốn, các khoản vay phải trên 40 tỉ đồng… Đây là điều kiện không có nhiều DN trong ngành đáp ứng được. Vì thế, nhiều DN vẫn chấp nhận “nhìn mà thèm” dù lãi suất NH đã khá hấp dẫn.

DN bất động sản cũng nằm trong “top” các đơn vị “đói” vốn, nhưng, theo đại diện một vài chủ đầu tư dự án, việc vay vốn hiện nay là rất khó khi lộ trình thẩm định của các NH đối với các dự án bất động sản vẫn kéo dài và còn nhiều bất cập. Đặc biệt, theo quy định, DN muốn vay được vốn mới thì phải trả được xong vốn vay cũ.

Nhưng giữa bối cảnh thị trường bất động sản đang “ngủ đông” như hiện nay, DN khó lòng tìm được khả năng trả nợ vốn cũ lãi suất cao để vay mới. Chính vì thế, nhiều chủ đầu tư có dự án đang hoàn thành tới 80%, mong muốn được vay vốn với lãi suất thấp để có thể hoàn thiện, thu hồi vốn, nhưng cũng đành ngậm ngùi… ngó lơ.

Việt Hưng

Nguồn Pháp Luật VN: http://www.phapluatvn.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-noi/201204/doanh-nghiep-nhin-lai-suat-ngan-hang-nhu-cao-them-nho-2065978/