Doanh nghiệp Mỹ đang mất quyền định giá

Sau nhiều năm chi tiêu mạnh mẽ cho mọi thứ từ đồ nội thất, thiết bị điện tử cho đến những kỳ nghỉ, người tiêu dùng Mỹ đang chi tiêu dè sẻn hơn khiến nhiều doanh nghiệp nước này nhận thấy họ đang mất dần quyền định giá.

Nhân viên của hãng giao nhận FedEx giao hàng ở thành phố New York. FedEx cho biết, người tiêu dùng đang hạn chế dịch vụ giao hàng nhanh, có chi phí đắt hơn. Ảnh: Reuters

Tuần trước, hãng giao nhận FedEx cho biết, khách hàng đang tránh xa các lựa chọn vận chuyển hàng nhanh, có mức phí đắt hơn. Các hãng hàng không của Mỹ bao gồm Southwest Airlines giảm giá vé ngoài giờ cao điểm vào mùa thu. Chuỗi siêu thị Target và nhà sản xuất thực phẩm General Mills cắt giảm triển vọng doanh thu khi người tiêu dùng chi tiêu thận trọng.

Đó là một sự thay đổi so với những năm gần đây khi người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới chi tiêu với tốc độ chóng mặt, bất chấp các mức giá cao. Làn sóng mua nắm này đưa doanh thu của nhiều doanh nghiệp lên những mức cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, khi đối mặt với nhu cầu suy yếu, với người tiêu dùng nhạy cảm hơn về giá, lạm phát giảm bớt và nguồn cung tốt hơn, một số ngành kinh doanh buộc tìm cách tăng trưởng lợi nhuận mà không thể sử dụng chiến thuật tăng giá.

Giải pháp của doanh nghiệp là cắt giảm chi phí, thông qua thải nhân sự, thương lượng bồi thường nhân viên tự nguyện nghỉ việc lại hay đơn giản là tìm cách hoạt động hiệu quả hơn.

Tuần trước, Nike hạ dự báo tăng trưởng doanh thu hàng năm và công bố kế hoạch cắt giảm chi phí 2 tỉ đô la trong ba năm tới. Do chi phí hoạt động cao hơn và lượng khách đặt chỗ trong nước giảm, hãng hàng không Spirit Airlines đã đề nghị gói bồi thường nghỉ việc tự nguyện. Trong khi đó, nhà sản xuất đồ chơi Hasbro thông báo sa thải 1.100 nhân viên do doanh số bán hàng suy yếu.

“Tôi nghĩ các công ty sẽ ưu tiên kiểm soát chi phí hơn là duy trì quyền định giá”, David Kelly, giám đốc chiến lược toàn cầu của J.P. Morgan Asset Management nói.

Theo Kelly, các công ty kinh doanh hàng hóa không còn quyền định giá như đã có trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Một số công ty trong ngành khách sạn và du lịch cũng không còn quyền định giá như ở thời kỳ hậu Covid-19.

Tăng trưởng doanh số của các công ty vốn hóa lớn trong chỉ số S&P 500 dự kiến mức trung bình 2,7% trong năm nay, theo ước tính của các nhà phân tích hồi tháng 12. Con số này giảm so với mức tăng trưởng trung bình 11% trong năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận ròng của họ dự báo chỉ giảm nhẹ trong năm nay so với cùng kỳ năm trước, xuống 11,6% từ mức 11,9%.

Giới doanh nghiệp Mỹ đang nỗ lực duy trì tỷ suất lợi nhuận. Chẳng hạn, dù dự báo doanh thu yếu hơn FedEx vẫn duy trì triển vọng thu nhập trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31-5-2024 sau khi tiến hành các biện pháp cắt giảm chi phí.

Sức mua của người tiêu dùng Mỹ nói chung vẫn tốt nhưng tốc độ tăng trưởng bán lẻ đang chậm lại. Dữ liệu khảo sát cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ ở trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, từ ngày 1-11 đến ngày 24-12, không bao gồm doanh số ô tô và chi tiêu du lịch, tăng 3,1% so với cùng khung thời gian của năm 2022. Con số này chậm lại hẳn so với tốc độ tăng trưởng 7,6% của kỳ nghỉ lễ năm ngoái.

Giá vé máy bay đang giảm từ các mức cao trong năm 2022, khi năng lực của các hãng hàng không bị hạn chế do thiếu nhân sự và máy bay. Báo cáo lạm phát mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, trong tháng 11, giá vé máy bay giảm 12% so với một năm trước đó.

Theo Bob Jordan, CEO của Southwest Airlines, giá vé của hãng vẫn tăng so với năm ngoái, nhưng đã giảm bớt trong thời gian du lịch thấp điểm.

Các hãng xe của Mỹ cũng đang mất dần quyền lực định giá sau nhiều năm nhu cầu ổn định và nguồn cung xe mới thấp, cho phép họ tăng giá bán và thu về lợi nhuận kỷ lục,

Giá giao dịch trung bình của xe mới ở Mỹ từ dưới 38.000 đô la Mỹ vào tháng 1-2020 lên hơn 50.000 đô la vào đầu năm 2023, tăng 32%. Đây là mức tăng chưa từng có trong cùng thời gian đó trước đó. Theo dữ liệu của Cox Automotive, giá trung bình của xe mới giảm hơn 3,5% trong tháng 10,xuống còn khoảng 47.936 đô la.

“Người tiêu dùng chắc chắn đang phản đối tình trạng tăng giá của một số mặt hàng”, Ohsung Kwon, nhà chiến lược của Bank of America nói.

Thị trường việc làm mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp,giúp người dân Mỹ duy trì sức mua dù đã chậm lại. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực New York, người tiêu dùng Mỹ đã sử dụng tiền tiết kiệm và gánh thêm nợ thẻ tín dụng, với số dư nợ lên mức cao kỷ lục 1,08 nghìn tỉ đô la vào cuối quí 3. Tỷ lệ nợ thẻ tín dụng quá hạn đang ở mức cao hơn trước đại dịch Covid-19.

Nợ nần tăng lên khiến một số người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vào thời điểm các doanh nghiệp xoay sở ứng phó xu hướng chi tiêu thay đổi, chuyển từ những vật dụng cải thiện nhà cửa sang các dịch vụ như du lịch và nhà hàng.

Giới doanh nghiệp Mỹ đang hoài nghi về triển vọng người tiêu dùng tiếp tục thói quen chi tiêu trong những tháng tới, vốn thường là mùa thấp điểm của mua sắm và du lịch. Điều đó có thể có nghĩa là doanh nghiệp sẽ khó tăng giá bán như những năm qua.

Thậm chí, ngay cả khi doanh nghiệp không thể tăng giá và tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại thì các nhà phân tích vẫn lạc quan về thu nhập của giới kinh doanh trong năm tới.

Dữ liệu của FactSet cho thấy, các nhà phân tích kỳ vọng, thu nhập quí 1-2024 của các công ty trong chỉ số S&P 500 sẽ tăng 6,6% so với một năm trước đó và doanh số bán hàng dự kiến tăng 4,4%. Cả hai số liệu tăng trưởng này đều đánh dấu sự cải thiện hàng năm.

Theo Ohsung Kwon, nhà chiến lược của Bank of America, thu nhập của doanh nghiệp Mỹ sẽ cải thiện ngay cả khi tăng trưởng kinh tế chậm lại một phần nhờ sự thay đổi chiến lược. “Các công ty đang thực sự tập trung vào những gì có thể cắt giảm. Doanh nghiệp đã tuyển dụng quá nhiều và xây dựng năng lực quá mức. Giờ đây, họ đang chấm dứt điều đó”, ông nói.

Theo CNBC

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-my-dang-mat-quyen-dinh-gia/