Doanh nghiệp lớn dẫn đầu về hiệu quả

(baodautu.vn) Bảng xếp hạng V1000 - Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam tài khóa 2007-2009 vừa được Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam công bố hôm qua (23/9) tiếp tục làm đậm nét thêm bức tranh về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt quy mô doanh thu, các doanh nghiệp lớn đang nổi lên là khu vực đầu tàu trong đóng góp vào hiệu quả nền kinh tế. Phần lớn 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2009 (VNR 500) đã có tên trong Bảng xếp hạng V1000. Trong đó, đa số Top 100 doanh nghiệp thuộc Bảng V1000 chính là những doanh nghiệp thuộc VNR500. Hơn thế, 80% lượng thuế thu nhập doanh nghiệp thu được từ V1000 thuộc về 200 doanh nghiệp đứng đầu Bảng xếp hạng V1000. Điểm đáng lưu ý, giai đoạn 3 năm 2007-2009 là thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ nhất của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực. Với những đóng góp lớn của các doanh nghiệp lớn vào ngân sách nhà nước, câu chuyện hiệu quả có thêm minh chứng thuyết phục. Tuy nhiên, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, khó có thể loại trừ yếu tố sở hữu ra khỏi các nhận định khi các doanh nghiệp nhà nước lớn, chủ yếu là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, vẫn là những doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. Trong 10 doanh nghiệp đứng đầu Bảng xếp hạng V1000, doanh nghiệp nhà nước chiếm 8 vị trí đầu tiên. Hơn thế, 10 doanh nghiệp nhà nước nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất đã đóng góp tới 25.000 tỷ đồng trong 3 năm. Con số này vượt xa mức 5.500 tỷ đồng của Top 10 doanh nghiệp tư nhân và mức 7.300 tỷ đồng của Top 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có mức nộp thuế thu nhập lớn nhất trong tài khóa 2007-2009. Điều này cũng có nghĩa, sự chi phối của các doanh nghiệp nhà nước lớn tới nền kinh tế tiếp tục mạnh mẽ. Song, nếu soi vào số doanh nghiệp nhà nước lớn có mặt trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2009, thì các tên tuổi lớn như Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam không có mặt trong Top 10 doanh nghiệp Bảng xếp hạng V1000. Đó là chưa kể có nhiều tên tuổi lớn trong khối này đã không có mặt trong V1000 vì lý do kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã tính toán và cho biết, tỷ lệ có mặt của các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu điển hình gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân có mặt trong bảng xếp hạng là 1:1:1. Như vậy, cũng có thể nói, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng kinh doanh để vươn tới vị trí quan trọng hơn trong nền kinh tế. Trong số các doanh nghiệp đứng thứ hạng cao, doanh nghiệp thuộc hai thành phố đầu tàu của cả nước là Hà Nội và TP.HCM chiếm tỷ trọng lớn, lần lượt là 22,5% và 37,6%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương với tỷ lệ doanh nghiệp có mặt trong Bảng xếp hạng V1000 tương ứng là 7,8% và 6,6%. Các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn hầu như không có doanh nghiệp lọt vào bảng xếp hạng này. Tính về ngành, viễn thông là ngành có tổng lợi nhuận rất lớn so với các ngành kinh tế khác trong 3 năm tài khóa 2007-2009. Sát theo đó là 3 ngành xây dựng - vật liệu xây dựng; bất động sản; ngân hàng có tỷ trọng trên lớn vào ngân sách nhà nước trong V1000. Nếu nhìn vào cơ cấu này, cũng có thể thấy, vai trò của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ đang nổi lên mạnh mẽ trong nền kinh tế. Bài toán tìm hướng tái cơ cấu nền kinh tế cũng có thể bắt đầu từ chính những bảng xếp hạng này để có thêm nguồn tư liệu sống quý giá.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/515221427f0000010090343c54f4800f