Doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong phát triển kinh tế - xã hội

Với tinh thần nỗ lực không ngừng, những giải pháp quyết liệt, thiết thực và hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình đã 'vượt khó', trụ vững, phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải; Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Thành; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận tặng hoa chúc mừng doanh nghiệp, doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2023)

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải; Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Thành; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận tặng hoa chúc mừng doanh nghiệp, doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2023)

Những kết quả quan trọng

Vượt qua bao khó khăn, thách thức, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã đạt được kết quả toàn diện, ghi dấu ấn về tăng trưởng, thu hút đầu tư và cải thiện năng lực cạnh tranh.

Năm 2022, tổng sản phẩm (GRDP) đứng thứ 6 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 18 cả nước. Tổng vốn đầu tư vào tỉnh là 33.034 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2021, trong đó, vốn FDI đạt 633,25 triệu USD, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số SIPAS xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố và Chỉ số PAR INDEX tăng 7 bậc so với năm 2021.

Nối tiếp những thành quả của sự nỗ lực đó, trong 9 tháng năm 2023, GRDP của tỉnh tăng 7,72%, xếp thứ 13 cả nước, thứ 6 vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn, nhưng thu hút đầu tư trên địa bàn Thái Bình 9 tháng đầu năm có những điểm rất khởi sắc. Thu hút vốn đầu tư xấp xỉ 38.000 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2022, với 95 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, tổng vốn đăng ký gần 18.000 tỷ đồng (trong đó, vốn FDI là 586,3 triệu USD) và 17 dự án phát triển nhà ở với số vốn đầu tư 19.965 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn tỉnh ước đạt 41.021 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình

Tỉnh Thái Bình hiện có trên 10.000 doanh nghiệp đã và đang đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội, góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, nộp ngân sách nhà nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Đặc biệt, Thái Bình đã tập trung triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm: Hoàn thành cơ bản giải phóng mặt bằng, bước đầu đã thu hút được hơn 1 tỷ USD vốn FDI vào KCN Liên Hà Thái; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng KCN Hải Long, KCN Viglacera; tập trung xây dựng tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường trục trong Khu Kinh tế; phấn đấu khởi công KCN VSIP, KCN Dược - Sinh học, cao tốc CT.08 trong năm 2024 để sớm đủ điều kiện thu hút các nhà đầu tư lớn.

Chính quyền các cấp đã tập trung kịp thời, hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết nhiều vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp. 9 tháng qua, trong 78 kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo giải quyết 71 kiến nghị, 7 kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách sẽ được tháo gỡ khi đảm bảo các điều kiện quy định.

Ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn

Trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt, doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã phát huy nội lực, huy động nguồn lực, phục hồi sản xuất, kinh doanh, năng động, sáng tạo, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực thu hút lao động và giải quyết việc làm, tham gia từ thiện xã hội, đóng góp quan trọng cho ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Như trong 9 tháng đã nộp ngân sách 2.710 tỷ đồng, thuế xuất nhập khẩu 1.139 tỷ đồng. Những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian qua là rất to lớn, thiết thực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, doanh nghiệp Thái Bình còn tích cực, tham gia an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, ủng hộ quỹ vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, chương trình tiếp sức đến trường, ủng hộ vùng lũ bão… hàng trăm tỷ đồng. Nổi bật, Tết Quý Mão 2023, doanh nghiệp, doanh nhân đã trao 40.625 suất quà, trị giá hơn 16,8 tỷ đồng (tăng 4,8 tỷ đồng so với Tết Nhâm Dần) tới các hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn....

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; cùng tỉnh kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; phát huy tốt vai trò phản biện đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp; nghiên cứu và tham gia ý kiến vào dự thảo đề án, kế hoạch của các sở, ngành, địa phương...

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện tốt việc triển khai Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện, thành phố (DDCI) của tỉnh. Đây là một nhiệm vụ mới, thể hiện sự tin tưởng cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với Hiệp hội trong việc tham gia đóng góp, xây dựng vào công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh.

Những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm

Chặng đường cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, dự báo còn nhiều khó khăn, song với vai trò xung kích trên mặt trận kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước những thời cơ lớn. Để khai thác được những cơ hội cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản sau:

Quán triệt và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, an toàn; nắm bắt xu hướng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Hiệp định mà nước ta tham gia. Từ đó hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh theo hướng tái cơ cấu các ngành, doanh nghiệp, khai thác thế mạnh của địa phương; phát triển theo chiều sâu, mở rộng đầu tư, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh đổi mới trang thiết bị, mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội phát triển.

Tích cực tham gia với cấp ủy, chính quyền xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả việc khảo sát, đánh giá Bộ chỉ số DDCI của tỉnh năm 2023, công bố kết quả xếp hạng vào nửa đầu tháng 10 năm 2023, góp phần vào công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào tỉnh. Hiệp hội và mỗi doanh nghiệp, doanh nhân là một đầu mối kết nối, thu hút các nhà đầu tư, bạn hàng vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh, làm ăn lâu dài, tập trung thu hút vào Khu kinh tế để phát triển các KCN, đô thị, dịch vụ, xây dựng dải ven biển Thái Bình thành vùng trọng điểm, động lực của nền kinh tế.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, các hội doanh nghiệp thành viên thực hiện tốt hơn nữa chức năng bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, thành lập các hội nghề nghiệp. Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm quản lý, tiêu thụ sản phẩm.... Phát huy tinh thần tự chủ - sáng tạo - đoàn kết - chia sẻ, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình gắn kết cùng nhau phát triển.

Nhiệt tình tham gia phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị bằng những hành động thiết thực cùng các cấp, ngành, địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Luôn đồng hành tạo điều kiện tốt nhất

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh luôn đồng hành và quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp. Sự phát triển của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển của tỉnh. Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cộng đồng doanh nghiệp thực sự phải là trung tâm, chủ thể trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hiến kế giúp tỉnh ngày càng phát triển. Tiếp tục góp ý để cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp. Tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… chủ động ứng phó với mọi tình huống, có những giải pháp dài hạn thích nghi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tin tưởng, với thời cơ mới, cùng với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt trọng trách là trung tâm, chủ thể trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đồng hành cùng tỉnh phấn đấu xây dựng Thái Bình thành tỉnh phát triển khá vùng Đồng bằng sông Hồng.

(*) Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình

Nguyễn Khắc Thận (*)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-la-trung-tam-chu-the-trong-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-d200759.html