Doanh nghiệp kỳ vọng một năm nhiều thắng lợi

Trải qua năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh xuất - nhập khẩu trong và ngoài nước kỳ vọng năm 2024 sẽ có nhiều bứt phá, phát triển cả về thị trường lẫn công nghệ sản xuất.

Xuất - nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Đồng Nai những ngày cao điểm Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: N.Liên

Nhiều DN đặt mục tiêu phấn đấu đầu tư, phát triển, nâng cao hiệu suất kinh doanh để đạt được những kết quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2024.

* Tăng vốn cho sản xuất và chuyển đổi công nghệ

Với những lợi thế về vị trí cũng như các dự án hạ tầng phát triển các khu công nghiệp (KCN) hiện đại, kết nối giao thông trên các phương diện đường bộ, đường sông, đường sắt, đường hàng không, đường biển thuận lợi, Đồng Nai đang là cực hút hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều dự án tăng vốn, dự án đầu tư mới được dự báo sẽ "đổ" vào Đồng Nai.

Điển hình, ngay từ những ngày đầu năm 2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới với tổng vốn đăng ký trên 156 triệu USD, 4 dự án FDI tăng tổng vốn đầu tư trên 217 triệu USD và 1 dự án kinh doanh hạ tầng KCN tăng vốn đầu tư trên 871 tỷ đồng.

Bên cạnh những dự án đã được trao giấy chứng nhận, nhiều DN khác cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, kế hoạch năm 2024, Đồng Nai kêu gọi tổng vốn đầu tư vào các KCN đạt 2 ngàn tỷ đồng và 700 triệu USD. Trong đó, thu hút dự án đầu tư mới trong nước đạt 1,5 ngàn tỷ đồng và FDI 300 triệu USD; tăng vốn FDI 400 triệu USD và trong nước là 500 tỷ đồng.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Starprint Việt Nam (Starprint, Thái Lan, đóng tại KCN Amata) Thane TaiThongChai cho biết, năm 2023, Starprint đã nỗ lực để tìm kiếm, phát triển thêm khách hàng mới trong bối cảnh khó khăn chung. Bước sang năm 2024, Starprint sẽ tiếp tục cố gắng để lấy nhiều hơn các đơn hàng từ khách hàng mới, đồng thời tín hiệu từ thị trường quốc tế cũng như tại Việt Nam có khả quan hơn. Do đó, Starprint đặt mục tiêu doanh số năm 2024 của công ty sẽ tăng 30%, tiếp tục đầu tư mở rộng không gian của nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc công nghệ mới để phục vụ sản xuất và yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là công nghệ sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường, tăng công suất và giảm giá thành cho sản phẩm.

Ông Quách Thuận Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (Junmay, KCN Sông Mây, H.Trảng Bom) chia sẻ, Junmay đang cung cấp cho khoảng 300 đối tác là các DN sản xuất đồ thời trang thể thao hàng đầu thế giới, có tổng vốn đầu tư gần 700 triệu USD. Năm 2024, Junmay dự kiến tiếp tục tăng vốn đầu tư nhà xưởng và máy móc thiết bị mới khoảng 2 triệu USD nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu khách hàng và xu hướng sản xuất bền vững của thị trường hiện nay. Năm 2024, đơn hàng đã có sự tăng trưởng trở lại. Ông Đức kỳ vọng, thị trường năm 2024 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, cộng đồng DN có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại để phát triển sản xuất, kinh doanh.

* Nâng công suất vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu

Nhằm đáp ứng nhu cầu lưu giữ, vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu, Đồng Nai đang tập trung phát triển hệ thống giao thông, vận chuyển hàng hóa trên các lĩnh vực đường bộ, đường, sông, đường hàng không… Đặc biệt là hệ thống vận chuyển hàng hóa tại các cảng biển trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Ban, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đồng Nai (gọi tắt là Cảng Đồng Nai, đơn vị đang quản lý, vận hành cảng Gò Dầu và cảng Long Bình Tân) cho biết, năm 2023, Cảng Đồng Nai đạt doanh thu hơn 1,1 ngàn tỷ đồng, vượt kế hoạch 17%. Kết quả trên là sự nhạy bén, nỗ lực của công ty để vượt qua khó khăn. Cuối năm 2023, Cảng Đồng Nai đã đầu tư thêm 1 cầu cảng và 2 cẩu, giúp cho năng suất hoạt động vận chuyển hàng hóa của Cảng Đồng Nai tăng hơn 30%. Bên cạnh đó, Cảng Đồng Nai tập trung khai thác các thị trường mới như: Tây Ninh, Bình Phước, Campuchia; ngành hàng mới (phế liệu, lốp cao su) từ hướng Tây Ninh về để xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, năm 2024, trong bối cảnh dự báo tiếp tục có nhiều thách thức đan xen, đòi hỏi các DN cũng như cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, năng động, sáng tạo, nỗ lực hơn nữa, đặc biệt trong thu hút đầu tư FDI, cải thiện sản xuất công nghiệp.

Để đạt được điều này, các sở, ngành, địa phương phải luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai dự án và đi vào sản xuất ổn định. Các nhà đầu tư cần gắn bó chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là Ban Quản lý các KCN Đồng Nai để nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời trong việc chấp hành pháp luật của Việt Nam, các quy định, chính sách của tỉnh; tiếp cận được đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi đầu tư, giải quyết các khó khăn. Chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn cầu thị, lắng nghe và xem khó khăn của DN, nhà đầu tư cũng chính là vướng mắc của tỉnh và tỉnh có trách nhiệm cùng DN tìm giải pháp tháo gỡ.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202402/doanh-nghiep-ky-vong-mot-nam-nhieu-thang-loi-fa32d8d/