Doanh nghiệp hội nhập chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ toàn cầu: Không ngừng nâng tầm về chất

Nằm ở vị trí chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có nhiều lợi thế trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Mặc dù vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tương xứng. Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh bệ đỡ là các chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của ngân hàng…, mỗi doanh nghiệp phải không ngừng nâng cấp chính mình, nâng tầm về chất.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh Đỗ Tâm

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh Đỗ Tâm

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo các chuyên gia, nhiều sản phẩm, linh kiện công nghiệp hỗ trợ tinh xảo của doanh nghiệp Việt Nam chế tạo đã vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí; trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, điểm nghẽn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu của quốc tế do chi phí sản xuất cao, phần lớn các doanh nghiệp này chỉ sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, gia công còn thiếu các công đoạn gia công có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội cũng như cả nước hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực nên bộc lộ nhiều tồn tại.

Cụ thể, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5-20%; điện tử 5-10%; da giày, dệt may 30%; cơ khí chế tạo tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hằng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35-50 tỷ USD.

Hơn nữa, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội còn thiếu nguồn lực để đổi mới. Năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp chưa đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Trong khi đó, việc mở rộng đầu tư với ngành này lại không phải dễ. Bởi lẽ, với nội lực yếu, đôi khi một tác động nhỏ từ chính sách cũng sẽ giúp doanh nghiệp lớn mạnh nhưng cũng khiến doanh nghiệp có thể lao đao khi chính sách thay đổi.

Phải có hướng đi mới

Mặc dù công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, song để ngành công nghiệp hỗ trợ tăng cường khả năng linh hoạt nguồn cung ứng, cần phải có hướng đi mới. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ

trợ thành phố Hà Nội (Hansiba) Nguyễn Hoàng cho biết, trước đây, các doanh nghiệp trong ngành phải nhờ các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp hội viên ngành hàng không thuộc Hiệp hội Kobe Aero Network (KAN, Nhật Bản) ủy thác chứng chỉ để sản xuất và cung ứng vào chuỗi toàn cầu. Đến nay, có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội đã nhận được chứng chỉ từ Hệ thống quản lý chất lượng IATF 16949 (tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng trong ngành công nghiệp ô tô), từ đó đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Một tin vui khác là từ nay đến tháng 9-2024 sẽ liên tục khởi công nhà máy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip). Sau khi đi vào hoạt động, các sản phẩm được sản xuất tại đây đều là những sản phẩm công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao lên tới hàng triệu USD mỗi năm.

Bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp, để đồng hành, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng thông tin, Hansiba sẽ tiếp tục củng cố về “chất” của doanh nghiệp hội viên để có thể trực tiếp sản xuất cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao cho các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam và sớm hội nhập vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ ASEAN và toàn cầu.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế cho rằng, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần xác định những "hạt giống tiềm năng", có chính sách hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu đàn. Từ đó, những “sếu đầu đàn” này sẽ thu hút tạo dựng được liên kết với các doanh nghiệp và các thể chế liên quan, tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững.

Còn chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Ðiền nhìn nhận, trong chuỗi liên kết, các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có vai trò quan trọng. Đây là trung tâm của chuỗi liên kết. Do vậy, các thành phố lớn cần dành quỹ đất thích hợp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi liên kết ngành, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ.

Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần sớm đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, tiến tới kiến tạo chuỗi cung ứng "Made in Vietnam". Đặc biệt, chính sách hỗ trợ vốn từ cơ quan chức năng phải nhất quán, hạn chế thay đổi để giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, phát triển.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doanh-nghiep-hoi-nhap-chuoi-san-xuat-cong-nghiep-ho-tro-toan-cau-khong-ngung-nang-tam-ve-chat-666059.html