Doanh nghiệp Hàn góp 11% tổng thu ngân sách từ nhóm FDI

Hiện tại, Hàn Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu về đầu tư vốn FDI vào Việt Nam.

Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc chiều 29/2. Ảnh: TCT.

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023-2024, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết tính đến cuối tháng 1, Việt Nam đã thu hút được 9.891 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong đó, Hàn Quốc là một trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam.

Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá trong 5 năm vừa qua, dù chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn của dịch Covid-19 và những bất lợi của nền kinh tế thế giới, đóng góp vào số thu ngân sách Nhà nước từ các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn tăng qua các năm.

"Tổng thu nội địa từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đạt gần 175.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp FDI và chiếm 3% tổng thu ngân sách của cả nước", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Với tinh thần nỗ lực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết Bộ Tài chính đã thực hiện tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trên cả nước gửi đến. Nội dung liên quan đến các vấn đề phát sinh trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Cao Tuấn Anh cũng cho biết thời gian qua, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng với giá trị hỗ trợ lớn, cùng nhiều giải pháp chưa có tiền lệ.

Trong đó, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 200.000 tỷ đồng/năm.

Các giải pháp tập trung vào gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất. Bên cạnh đó, chính sách cũng hỗ trợ miễn, giảm thuế cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.

Tại buổi đối thoại, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Youngsam cho rằng hầu hết quốc gia trên thế giới đều nỗ lực xây dựng hệ thống thuế với “cơ sở thuế rộng và thuế suất thấp” nhằm giảm thiểu những biến dạng về kinh tế và đảm bảo cơ sở thuế ổn định.

Theo ông Choi Youngsam, việc tạo ra một nền sinh thái kinh tế ổn định trong đó có nhiều chủ thể kinh tế có thể hoạt động năng động là chìa khóa quan trọng nhất để đảm bảo cơ sở thuế rộng rãi, nói cách khác là đảm bảo nguồn thuế ổn định.

“Động lực để tăng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nằm ở chính hoạt động đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam hơn là thu hút đầu tư mới. Bởi các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam quyết định tăng đầu tư dựa các vào yếu tố hành chính thuế. Các doanh nghiệp cân nhắc đầu tư mới cũng sẽ quan sát các quyết định đầu tư này để đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam", vị Đại sứ khẳng định.

Ông Choi Youngsam cũng cho rằng việc tổ chức hội nghị đối thoại thuế và hải quan có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-han-gop-11-tong-thu-ngan-sach-tu-nhom-fdi-post1462552.html