Doanh nghiệp điện gió vẫn 'đau đáu' với giá bán điện

Giá bán điện thấp và khó vay vốn ngân hàng vẫn là những rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư điện gió tại Việt Nam.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Tuy vậy, nhiều dự án lớn thời gian qua hoặc bị thu hồi giấy phép, hoặc gặp khó khăn nhiều trong triển khai. Những bất cập về chính sách và nguồn vốn vẫn khiến nhiều nhà đầu tư “chùn tay”.

Tiềm năng lớn và tham vọng

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng điện gió rất lớn, hơn 500.000 MW, tức gấp hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện năm 2020.

Tuy nhiên, một báo cáo khác cho rằng, tiềm năng điện gió thực tế (có khả năng nối lưới điện) của Việt Nam ước chỉ đạt 10.000 MW, tương đương 2% so với ước tính của WB và không phải vùng nào cũng xây được nhà máy điện gió.

Theo Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 được Chính phủ ban hành ngày 18/3/2016, Việt Nam sẽ nâng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.

Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.

Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư vào điện gió, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long vì nghĩ rằng làm điện gió vừa dễ vừa nhanh thu hồi vốn. Tuy vậy, trên thực tế nhiều dự án bị thu hồi giấy phép đầu tư do chậm triển khai và gặp trở ngại từ chính sách.

Một tua-bin điện gió do Tập đoàn Vestas cung cấp tại dự án Phú Lạc 1. Ảnh: Minh Tuấn/BizLIVE.

Doanh nghiệp “dài cổ” chờ giá mua điện tăng

Theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, giá mua điện cho điện gió trên bờ là 7,8 UScent/kWh, điện gió ngoài biển là 9,8 UScent/kWh.

Trao đổi với báo chí ngày 16/2, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình (EVNTBW) có trụ sở tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cho rằng với biểu giá mua điện như hiện nay, đến năm 2020 Việt Nam rất khó đạt được mục tiêu phát triển điện gió.

EVNTBW là chủ đầu tư Dự án điện gió Phú Lạc với công suất 24 MW. Dự án được vay vốn từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), được khởi công từ tháng 7/2015 và đi vào hoạt động từ tháng 11/2016.

Hiện các chủ đầu tư đã đăng ký phát triển 5.700 MW điện gió. “Nhưng cái khó nhất hiện nay là đăng ký xong dự án, lấy chứng nhận đầu tư xong, không thể vay vốn để làm được vì một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay là giá mua điện thấp quá”, ông Thịnh nói.

Trong quá trình đi vào thực tế, cái khó nhất là vay được vốn để làm dự án. “Khi chúng tôi mang dự án đi để xin vay vốn, các nhà băng hỏi là với giá bán điện 7,8 cent/kWh thì khả năng thu hồi vốn như thế nào? Thực sự chúng tôi rất khó chứng minh”.

Ngoài ra, dự án phải trải qua quá trình triển khai rất phức tạp với nhiều thủ tục. “Một dự án nhỏ với quy mô 35 triệu euro mà chúng tôi phải đi qua gần như tất cả các bộ ngành. Rất mất thời gian và nhiêu khê”, ông Thịnh nói.

“Các nhà đầu tư hăng hái lắm, sẵn sàng lắm. Nhưng thực sự chính sách của mình chưa phù hợp, chưa đi vào cuộc sống”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo ông Bình, lãnh đạo ngành điện hứa sẽ ban hành chính sách giá điện mới trong Quý I/2017. “Hi vọng với chính sách mới này, phát triển điện gió ở Việt Nam sẽ khởi sắc hơn. Chúng tôi kỳ vọng giá điện gió tăng lên 9,5 cent/kWh mới đảm bảo khả năng sinh lời cho các nhà đầu tư”, ông nói.

Minh Tuấn

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/doanh-nghiep-dien-gio-van-dau-dau-voi-gia-ban-dien-2476626.html