Doanh nghiệp địa ốc 'chạy nước rút' cho giai đoạn cuối năm

Quý III/2023 đã đi được 2/3 chặng đường cũng là lúc các doanh nghiệp bất động sản bước vào chặng nước rút cuối năm, dù còn bộn bề khó khăn phía trước.

Cần đẩy nhanh gỡ vướng pháp lý dự án. Ảnh: Dũng Minh

Tất bật thúc đẩy thanh khoản

Đến thời điểm này, có thể nói giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua và thị trường bất động sản cũng nhen nhóm tín hiệu hồi phục. Nhiều chủ đầu tư bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường kèm các chính sách ưu đãi mạnh tay để đón đầu “sóng hồi” trong những tháng cuối năm - cũng là thời điểm nhu cầu bất động sản tăng cao.

Đơn cử, tại Trần Anh Group, bên cạnh việc bàn giao nhà cho khách hàng tại dự án Khu đô thị Phúc An Ashita ở Bình Dương, doanh nghiệp này còn đẩy mạnh công tác bán hàng tại dự án Phúc An Asuka tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ông Trần Viết Thành, Giám đốc điều hành dự án Phúc An Asuka chia sẻ, sau gần 1 năm xây dựng, dự án đã gần như hoàn thiện. Các sản phẩm tại Phúc An Asuka đều có pháp lý đầy đủ và có sổ riêng từng nền.

“Mới đây, Trần Anh Group đã thực hiện bàn giao sổ hồng cho những cư dân đầu tiên của khu đô thị này. Người mua nhà tại Phúc An Asuka ngoài là người dân địa phương, còn đến từ các khu vực lân cận như Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Mỹ Tho..., thậm chí xa hơn như TP.HCM”, ông Thành thông tin.

Tương tự, Thắng Lợi Group tổ chức sự kiện kick-off dự án shophouse Tân Trụ Royal tại Long An. Dự án đang được chào bán ra thị trường với mức giá khá hấp dẫn 2,9 tỷ đồng cho mỗi căn shophouse hoàn thiện thô mặt ngoài.

Ông La Đặng Thành Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thắng Lợi Tây Nguyên - đơn vị phân phối dự án cho biết, quy hoạch tầm nhìn tới năm 2030 đang làm thay đổi góc nhìn của giới đầu tư đối với thị trường bất động sản Tân Trụ - Long An. Cụ thể, tới năm 2030, thị trấn Tân Trụ sẽ là đô thị loại IV, trở thành 1 trong 10 trung tâm Logistic của Long An. Đặc biệt, Tân Trụ sẽ có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 830 ha đi vào hoạt động từ nay đến năm 2030. Cùng với việc hạ tầng giao thông đang được đầu tư đồng bộ, Tân Trụ sẽ là đại công trường, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực cũng như doanh nghiệp nước ngoài.

“Nơi nào có quy hoạch khu công nghiệp thì thị trường bất động sản nơi đó sẽ phát triển”, ông Nhân nhấn mạnh.

Cũng giống như phân khúc nhà ở, các nhà phát triển khu công nghiệp cũng tung ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Đơn cử, tại Khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú - khu công nghiệp xanh đầu tiên tại Long An do Công ty cổ phần Đầu tư DNN - Tân Phú làm chủ đầu tư, nhà đầu tư được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, miễn thuế 2 năm đầu và giảm tiếp một nửa cho 2 năm tiếp theo, cá biệt có dự án được ưu đãi thuế cho đến khi có lợi nhuận...

Tương tự, tại Khu công nghiệp Minh Hưng (Bình Phước), mọi nhà đầu tư đều được hưởng chế độ ưu đãi thuế, thậm chí còn được miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất…

Cần thêm trợ lực “rã băng” địa ốc

Những tháng cuối năm 2023 là thời điểm thích hợp để tung hàng bởi một bộ phận người dân có sẵn nguồn tiền khi các khoản tiền gửi ngân hàng đáo hạn và lãi suất gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn như hồi đầu năm.

Ghi nhận thực tế cho thấy, từ đầu tháng 7/2023, thị trường bất động sản xuất hiện một số tín hiệu mới, nhiều chủ đầu tư bắt đầu chuyển từ phòng thủ sang chủ động tung hàng, thăm dò sức cầu thị trường.

Bà Trần Thùy Linh, CEO một doanh nghiệp môi giới địa ốc có trụ sở chính tại TP.HCM cho rằng, việc các chủ đầu tư lớn rục rịch bung hàng là để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm và kỳ vọng đón được dòng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đến kỳ đáo hạn.

Điểm tựa để các chủ đầu tư tự tin trở lại thị trường là những chuyển biến trong quá trình gỡ vướng pháp lý dự án, giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay, hay đẩy mạnh giải ngân đầu tư công… Nhiều chủ đầu tư chủ động giảm giá bán sản phẩm gián tiếp thông qua các chương trình khuyến mãi để tạo dòng tiền và thực tế là tỷ lệ hấp thụ sản phẩm đã tốt hơn hẳn so với thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023.

“Sau thời gian dài nằm im đợi thời cơ, động thái mạnh dạn tung hàng là bước khởi động của các chủ đầu tư nhằm thăm dò sức cầu thị trường, trước khi chính thức bước vào mùa cao điểm bán hàng cuối năm”, vị CEO trên phân tích.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản khác cũng nhận định, những tháng cuối năm 2023 là thời điểm thích hợp để tung hàng bởi một bộ phận người dân có sẵn nguồn tiền khi các khoản tiền gửi ngân hàng đáo hạn và lãi suất gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn như hồi đầu năm.

“Quan sát diễn biến thị trường cho thấy, thanh khoản thứ cấp có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại từ đầu quý III/2023 khi xuất hiện dòng tiền bắt đáy ở những dự án có mức chiết khấu hấp dẫn, đầy đủ pháp lý, vị trí lân cận khu dân cư hiện hữu đông đúc, giao thông thuận tiện kết nối với khu vực trung tâm. Do đó, tôi cho rằng, khả năng thị trường bất động sản sẽ hồi phục từ cuối quý IV/2023 hoặc chậm nhất là sau nửa đầu năm 2024”, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group dự báo.

Thị trường được dự báo tích cực, song các chủ đầu tư vẫn đang đối mặt với không ít thách thức như chi phí vay vẫn cao, thủ tục thực hiện dự án kéo dài..., nói như ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư IMG, khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản vẫn là thủ tục pháp lý, cho dù đang được các cơ quan chức năng rốt ráo tháo gỡ.

“Hệ thống pháp luật bất động sản vẫn có sự chồng chéo, cùng một vấn đề, một quy định nhưng lại có nhiều cách hiểu dẫn đến khó thực thi, đặc biệt là việc một bộ phận cán bộ có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, dẫn đến dự án bị đình trệ kéo dài. Bởi vậy, cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để cán bộ có thẩm quyền yên tâm làm việc, có hướng dẫn rõ ràng về việc phân quyền và trách nhiệm của các cấp, trong đó quy định rõ nội dung, thời gian hoàn thành, trách nhiệm nếu để quá hạn...”, ông Minh nói.

Cũng mong muốn nhanh chóng được tháo gỡ khó khăn, ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp kiến nghị rằng, trong ngắn hạn, ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn, chẳng hạn dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể được phép tiếp cận vốn vay. Điều này vừa giúp luân chuyển dòng tiền, tạo thanh khoản, vừa tạo ra công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân...

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng... cần tính tới giải pháp sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K), bởi với phương pháp này, doanh nghiệp có thể tính toán được tiền sử dụng đất phải đóng trước khi quyết định đầu, còn cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc định giá đất.

Việt Dũng

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/doanh-nghiep-dia-oc-chay-nuoc-rut-cho-giai-doan-cuoi-nam-328730.html