Doanh nghiệp dệt may vượt khó

Sau thời gian chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, sụt giảm do biến động của thị trường quốc tế, ngành dệt may TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt khó, tận dụng những cơ hội thị trường mới.

Ngày 19-2, Tổng công ty Cổ phần Phong Phú (TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức ra quân, triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024. So với thời điểm đầu năm 2023, ban lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên và người lao động có niềm vui và khí thế sản xuất sôi nổi hơn vì có nhiều đơn hàng, mở ra kỳ vọng mới sau thời gian chạm đáy. Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Phong Phú cho biết, cơ hội mới của thị trường quốc tế rất lớn nhưng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn mới về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn xanh.

Với quyết tâm vượt khó, Tổng công ty đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể trong năm 2024 như: Nghiên cứu đánh giá thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các chính sách đãi ngộ, kích thích tư duy đột phá, cống hiến; ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả điều hành, bảo đảm thích ứng với biến động thị trường quốc tế...

Người lao động Tổng công ty Cổ phần Phong Phú ra quân sản xuất đầu năm mới 2024.

Tại Công ty TNHH May mặc Dony (TP Hồ Chí Minh) cũng diễn ra hoạt động ra quân sản xuất sôi nổi trong những ngày đầu năm mới. Lãnh đạo công ty chia sẻ, với sự khởi sắc của thị trường và sau quá trình xúc tiến đầu tư, hợp tác, tìm kiếm thị trường mới, Công ty TNHH May mặc Dony đã có đơn hàng đủ sản xuất đến quý III-2024 ngay từ đầu năm, thị trường chủ yếu là Trung Đông, Campuchia, Malaysia, Hoa Kỳ... Tín hiệu đáng mừng là số lượng sản phẩm và đơn hàng trong quý I-2024 tăng gấp đôi so với quý I-2023. Từ những tín hiệu đó, công ty phát động thi đua, phấn đấu đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, quyết tâm đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Bước sang năm 2024, ngành dệt may TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển mới trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Bên cạnh những thị trường trọng điểm truyền thống như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Campuchia, Anh... thì nhiều thị trường mới được mở rộng thành công sang một số khu vực mới như châu Phi, Nga, Ấn Độ và các nước Trung Đông... Tình trạng doanh nghiệp dệt may cắt giảm lao động do khó khăn xảy ra trong năm 2023 đã chấm dứt do nhiều doanh nghiệp có những đơn hàng mới, duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, dù còn nhiều khó khăn nhưng những tháng đầu năm 2024 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc đối với ngành dệt may TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp đã có đơn hàng đủ duy trì sản xuất đến hết quý I-2024. Với sự hỗ trợ của UBND TP Hồ Chí Minh trong xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn kích cầu cho doanh nghiệp các ngành chủ lực, hỗ trợ đáp ứng các tiêu chuẩn “xanh hóa” quy trình sản xuất của các thị trường EU, Hoa Kỳ... sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may vượt qua giai đoạn khó khăn, tìm kiếm được nhiều đối tác, thị trường mới, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đạt kết quả tốt hơn so với năm 2023.

Bài và ảnh: THANH HỒNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-det-may-vuot-kho-766806