Doanh nghiệp 'đau đầu' vì thiếu nguyên liệu gỗ cho xuất khẩu

Thị trường rộng mở, đơn hàng không thiếu, song điều khiến không ít DN chế biến, XK gỗ 'đau đầu' chính là khó đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu, nhất là mặt hàng gỗ cao su khi nguồn cung ngày càng bị cạnh tranh gay gắt.

Đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, XK gỗ là điều không đơn giản. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Từ trong nước…

Theo Bộ NN&PTNT: Giá trị NK gỗ và sản phẩm từ gỗ 9 tháng đầu năm ước đạt 1,62 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 8 tháng đầu năm, giá trị NK gỗ và các sản phẩm gỗ của tất cả các thị trường NK chính đều tăng. Trong đó, ba thị trường có giá trị NK gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất là thị trường Campuchia, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2016, tiếp đến là thị trường Pháp (tăng 53%) và thị trường Brazil (tăng 43,4%).

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores): Từ đầu năm 2017, lệnh cấm khai thác gỗ từ rừng tự nhiên của Chính phủ Trung Quốc có hiệu lực đang và sẽ tiếp tục tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt ở khía cạnh nguồn cung gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ cao su của Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến trong thời gian gần đây có thể là một trong những tác động của lệnh cấm này. Tình trạng cạnh tranh trong thu mua gỗ cao su giữa các DN Việt Nam và giữa DN Việt Nam với các tư thương Trung Quốc đang diễn ra gay gắt, đây chính là nguyên nhân chủ yếu đẩy giá gỗ nguyên liệu cao su tăng khoảng 40% từ đầu năm đến nay. Dự báo, trong tương lai, giá gỗ cao su sẽ còn tiếp tục tăng.

Liên quan tới vấn đề này, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ nội thất Minh Phát II cho biết: DN chủ yếu sử dụng gỗ cao su để chế biến, XK. Những tháng gần đây, đơn hàng XK tăng, song nguồn nguyên liệu không ổn định khiến DN khá lo lắng. Để đảm bảo nguồn cung, DN này thậm chí phải tổ chức họp với các nhà cung ứng gỗ nguyên liệu, ứng trước tiền để các nhà cung ứng này mua cánh rừng phục vụ khai thác dần. Điều đó khiến DN phải bỏ ra một số vốn khá lớn, song dự kiến cũng chưa đủ để ổn định nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ cho DN trong khoảng 1-2 năm tới.

Trên thực tế, đại diện một số DN ngành gỗ cho hay, do giá nguyên liệu từ đầu năm đến nay tăng cao, hàng lại khan hiếm hơn nên các DN chế biến chỉ hoạt động cầm chừng với khoảng 50% công suất thiết kế. Hiện tại chưa phải là thời điểm thách thức nhất của nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu gỗ cao su. Dự kiến, 2020-2025 mới là giai đoạn thấp điểm thanh lý gỗ cao su trong nước, lúc đó nguồn cung mặt hàng này dự kiến còn tiếp tục giảm mạnh. Nếu tình trạng không thay đổi, nguyên liệu gỗ bị cạnh tranh gay gắt với mức giá ngày một “leo thang”, thậm chí sẽ có những DN phải phá sản.

…tới nhập khẩu

Ngoài nguồn cung gỗ cao su trong nước, các DN chế biến, XK gỗ hiện còn phải đối mặt với không ít khó khăn từ nguồn gỗ nguyên liệu NK. Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends cho hay: Gỗ nguyên liệu, bao gồm gỗ tròn và xẻ là nhóm mặt hàng chủ đạo trong cơ cấu mặt hàng gỗ NK vào Việt Nam. Gỗ từ nguồn này có vai trò to lớn, trực tiếp góp phần giúp ngành chế biến gỗ Việt Nam tiếp tục mở rộng và tăng trưởng. Hàng năm, Việt Nam NK khoảng 4-5 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn, với kim ngạch NK đạt trên 1 tỉ USD, tương đương khoảng 20-30% giá trị kim ngạch XK. Trong số gỗ NK, có khoảng 50% là các loài gỗ tự nhiên có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới như từ các nước khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và châu Phi. Nguồn cung này thường được coi là có độ rủi ro cao về tính pháp lý. Đây cũng là nguồn cung không ổn định do những thay đổi chính sách về khai thác và thương mại gỗ nguyên liệu tại các quốc gia.

Xung quanh vấn đề gỗ nguyên liệu NK, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vifores phân tích rõ hơn: Lào và Campuchia là hai quốc gia cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu khá chủ lực cho Việt Nam. Tuy nhiên, hiện các nước này đều đã có chính sách cấm XK gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng. “Những năm gần đây, ngành gỗ có tốc độ tăng trưởng khoảng 10-15%/năm. Để tìm nguyên liệu gỗ có nguồn gốc hợp pháp đảm bảo đáp ứng nhu cầu tăng trưởng này là điều không đơn giản”, ông Quyền nói.

Trong khi các DN thiếu nguyên liệu gỗ để chế biến, XK, lượng lớn gỗ tròn, gỗ xẻ cao su lại được ồ ạt XK sang Trung Quốc với giá kém cạnh tranh. Trước nghịch lý này, hầu hết DN đặt vấn đề, Việt Nam có thể áp dụng chính sách cấm XK gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng như cách mà nhiều nước trong khu vực đang triển khai để giữ lại nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước. Về vấn đề này, ông Quyền cho hay: Vifores đã kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét việc cấm XK gỗ tròn, gỗ hộp, gỗ xẻ thô. Bên cạnh đó, Vifores cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét nâng thuế XK đối với các loại gỗ nguyên liệu là gỗ xẻ và gỗ tròn từ mức thuế 5-20% hiện nay lên mức cao nhất trong khung thuế là 25%.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-dau-dau-vi-thieu-nguyen-lieu-go-cho-xuat-khau.aspx