Doanh nghiệp đau đầu lo tiền lương

Để giữ người lao động làm việc lâu dài, hiện các doanh nghiệp đã và đang tìm cách chăm lo đời sống của người lao động.

“Vã mồ hôi” lo lương công nhân

Nếu thời điểm mọi năm, DN phải vắt óc tìm cách giữ chân để lao động khỏi nhảy việc thì năm nay họ phải đau đầu tìm phương án trả lương. Lãnh đạo công ty TNHH MTV Kỹ thuật Công nghệ Someco thẳng thắn thừa nhận hiện đang nợ lương người lao động không còn làm tại công ty hơn 400 triệu đồng và nợ bảo hiểm xã hội đến hết tháng 9 hơn 1,4 tỷ đồng. Việc trả lương cho công nhân rất khó khi mà đối tác còn nợ công ty tới 28 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Mạnh Hà, công nhân một công ty xây dựng huyện Hoài Đức cho biết đã 4 tháng nay không được công ty trả lương. Nhiều người đã bỏ việc. Tuy nhiên anh vẫn cố gắng bám trụ để hy vọng Tết, công ty trả cho ít tiền mang về cho vợ con. Lương năm 2012 đã giảm 1/3 so với năm 2011. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, tìm việc không dễ nên mặc dù lương thấp nhưng mọi người chấp nhận, ít nhảy việc. Song việc nợ lương khiến không ít người lao động bức xúc. Một nhân viên Công ty xây dựng Sông Đà cho biết, đã 7 tháng chưa có lương. Công nhân chỉ mong được thanh toán nợ lương trước Tết để còn có tiền trang trải nợ nần.

Thực tế trên hiện phổ biến ở không ít DN, trong bối cảnh hàng loạt công ty không phát triển sản xuất, buộc phải cắt giảm nhân sự. Báo cáo nhân lực trực tuyến do Vietnamworks công bố cho thấy từ đầu năm 2012 đến nay, nhân lực ngành bất động sản giảm 50% và xây dựng giảm 49%, trong đó ngành xây dựng có tỷ lệ thất nghiệp lớn nhất. Theo công đoàn ngành xây dựng, chỉ đến quý II/2012, đã có gần 12.000 lao động thiếu việc làm; 53 đơn vị thuộc 6 tổng công ty (Idico, Licogi, Coma, Bạch Đằng, Sông Hồng, Phục Hưng) nợ lương người lao động với tổng số 32,7 tỷ đồng. Những đơn vị chậm trả lương cho người lao động cũng không thực hiện trả bù cho lao động một khoản ít nhất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương như quy định của pháp luật.

Tìm cách “kéo” công nhân trở lại

Tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động, gia tăng tình trạng người thất nghiệp, người lao động không có việc làm nên về quê sớm... Theo chị Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty Nissei, năm nay, việc kinh doanh của công ty gặp khó khăn, đơn hàng không nhiều nên công nhân cũng ít tăng ca, thu nhập của người lao động cũng giảm.Vì vậy, nhiều công nhân của công ty đã bỏ việc về quê từ trước Tết. Hiện công ty có khoảng 6.000 công nhân đến từ các tỉnh trong cả nước, với mức thu nhập bình quân khoảng 2 - 6 triệu đồng/tháng.

Có không ít DN đang đối mặt với việc công nhân không quay trở lại làm sau Tết. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2012, có nhiều lao động thất nghiệp, không tìm được việc làm, mất việc mà nguyên nhân chính xuất phát từ sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn và yêu cầu tái cấu trúc DN, đặc biệt tại các nhóm ngành tài chính, kinh doanh, dịch vụ. Số lượng chỗ làm việc năm 2012 của các DN trên địa bàn thành phố giảm so với năm 2011, trong đó giảm nhiều nhu cầu lao động phổ thông, sơ cấp nghề trong các ngành nghề sản xuất, chế biến như: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, thời điểm cuối năm, tại TP.HCM có hàng nghìn lượt lao động bị “đẩy” ra, điều đó sẽ tạo tâm lý bất an cho người lao động không muốn quay lại làm việc sau Tết. Đồng thời, mức thu nhập trung bình của người lao động tại TP.HCM hiện nay cũng chỉ khoảng 2,5 - 2,9 triệu đồng/tháng nhưng lại phải lo đủ thứ chi phí cho việc ăn ở nên nhiều công nhân sau khi về Tết sẽ không trở lại.

Nhu cầu tuyển lao động TP.HCM sẽ tăng trong quý II, quý III Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM dự đoán: Quý I/ 2013, xu hướng tuyển dụng lao động phổ thông tăng nhưng không nhiều. Trong quý I, TP.HCM có khoảng 65.000 chỗ làm việc trống với khoảng 43% lao động phổ thông. Sang quý II và III, dự báo thị trường lao động ổn định hơn, nhu cầu tuyển dụng của các DN cũng sẽ tăng. Dự kiến hai quý này cần khoảng 140.000 chỗ làm việc. Đến quý IV, TP.HCM sẽ cần khoảng 65.000 chỗ làm việc, trong đó 30% lao động bán thời gian.

Bởi vậy, để kéo lao động quay lại làm việc sau Tết, hiện các DN trên địa bàn TP.HCM đã và đang triển khai nhiều chương trình chăm lo Tết cho người lao động. Cụ thể, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã triển khai nhiều kế hoạch lo Tết Quý Tỵ năm 2013 với các chương trình họp mặt 500 hộ gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn... Công đoàn các KCN - KCX thực hiện chương trình hỗ trợ vé xe cho công nhân khó khăn về quê ăn Tết ở các tỉnh từ Phú Yên đến Hà Nội. Đồng thời, công đoàn các cấp tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 1.500 công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở lại thành phố ăn Tết...

Không chỉ riêng các thành phố lớn, trong tình hình khó khăn chung hiện nay, theo nhiều chuyên gia lao động, để đảm bảo giải quyết căn cơ vấn đề lao động và việc làm, cần sớm tổng hợp, nghiên cứu đánh giá chính xác về thực trạng đời sống người lao động để tìm đúng nguyên nhân cũng như đưa giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho họ. Muốn hỗ trợ người lao động thì tốt nhất là phải tìm ra giải pháp hữu hiệu hỗ trợ DN...

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/viec-lam/doanh-nghiep-dau-dau-lo-tien-luong-20130121094826232.htm