Doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với các cơ sở giáo dục mở các khóa đào tạo ngắn hạn.

Các học viên tham gia khóa đào tạo “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản” cụm Đà Nẵng, đặt tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Đón đầu làn sóng đầu tư vi mạch

Chính quyền Đà Nẵng có chủ trương phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là động lực tăng trưởng mới.

Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DASC) cho biết, cùng với thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đến đầu tư, thành phố hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực vi mạch. “Các doanh nghiệp thường yêu cầu chắc chắn về nhân lực ở cả số lượng và chất lượng khi họ đến đầu tư ở Đà Nẵng. Vì vậy, thành phố Đà Nẵng đã chọn đầu tư vào nguồn nhân lực để thu hút nhà đầu tư ở lĩnh vực này” – ông Phúc khẳng định.

Các đơn vị cùng tham gia hội thảo Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam với sự phối hợp của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng).

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) vừa khai giảng khóa đào tạo thiết kế vi mạch với gần 30 học viên tham gia. Khóa học kéo dài trong 3 tháng, học viên là giảng viên và sinh viên năm cuối các ngành liên quan đến bán dẫn thuộc các trường đại học đào tạo về khoa học kỹ thuật trên địa bàn Đà Nẵng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Khóa đào tạo được xây dựng với sự hỗ trợ đắc lực từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu của Công ty TNHH Giải pháp Acronic. Đây là công ty tư nhân duy nhất ở miền Trung hoạt động ở lĩnh vực thiết kế vi mạch trên công nghệ FPGA và tích hợp phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh, từ khâu thiết kế vi mạch, lập trình điều khiển, thiết kế và sản xuất bo mạch đến khâu đóng gói, hoàn toàn “Made in Việt Nam”. Công ty sẽ cung cấp cho khóa đào tạo chương trình đào tạo, chuyên gia/giảng viên và trang thiết bị thực hành. Đặc biệt, các học viên tham gia khóa đào tạo sẽ được tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch này.

Nội dung khóa đào tạo “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản” nhằm mục đích nâng cao kỹ năng thiết kế vi mạch bán dẫn cho đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp ngành bán dẫn Việt Nam trong tương lai. Nắm được quy trình và nguyên tắc của thiết kế vật lý cho vi mạch tích hợp quy mô lớn VLSI; trau dồi kỹ năng tối ưu hóa định thời, diện tích, năng lượng tiêu thụ, độ tin cậy và tính khả thi sản xuất của vi mạch bán dẫn và nắm vững các kiến thức thực tế chuyên sâu trong việc sử dụng các công cụ EDA chuẩn công nghiệp cho việc thiết kế và phân tích vật lý vi mạch.

Trước đó, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã chủ trì khóa đào tạo thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản tại cụm miền Trung. Đây là khóa học được tổ chức bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn FPT, Tổ chức Tresemi từ Silicon Valley và Tập đoàn Cadence cùng sự hỗ trợ của Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng và Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (UIT).

Khóa học được xây dựng và giảng dạy bởi Nhóm chuyên gia Tresemi gốc Việt hiện đang làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch hàng đầu trên thế giới tại Mỹ như Skyworks Solutions, Mediatek, Silicon Labs, NXP,…

Những nội dung học lý thuyết, học viên được học trực tuyến qua nền tảng trực tuyến zoom và những tiết học thực hành sẽ được tổ chức trực tiếp tại 3 cụm riêng rẽ Đà Nẵng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tại cụm Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng phụ trách 4 buổi thực hành/tuần, sử dụng 30 licenses được hỗ trợ từ NIC thông qua kết nối đám mây và 15 licenses tại phòng thực hành thiết kế vi mạch mới được khai trương của nhà trường. Việc hướng dẫn thực hành do giảng viên của DUT và cựu sinh viên khoa Điện tử Viễn thông hiện đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế vật lý vi mạch phụ trách.

Chuẩn bị đầu ra cho sinh viên ngành thiết kế vi mạch

Cùng với việc mở mới ngành đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn ngay trong năm 2024, các cơ sở giáo dục đại học khối STEM cũng đồng thời đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực và giải quyết đầu ra cho sinh viên.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vừa trao đổi hợp tác với đại diện Tập đoàn Marvell trong đào tạo, cung cấp nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. Hai bên đã trao đổi các nội dung hợp tác dự kiến như: doanh nghiệp sẽ tham gia vào hoạt động “Capstone project”; hỗ trợ sinh viên thực tập và thực hiện đồ án tốt nghiệp; hỗ trợ thiết bị phục vụ đào tạo cho lĩnh vực bán dẫn; nhà trường cung cấp nhân lực và doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp... Tập đoàn Marvell là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn cầu về thiết kế vi mạch bán dẫn và cung cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu.

Đại diện Tập đoàn Marvell làm việc với Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng để trao đổi hợp tác.

Trước đó, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác với rất nhiều công ty trong lĩnh vực thiết kế vi mạch như Savarti, Synapse, Renesas, Tổng Công ty công nghệ cao Viettel,… Đây là điều kiện rất thuận lợi để đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn có chất lượng, cung cấp cho nhu cầu của thị trường trong thời gian đến.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Trong đó có nội dung cung cấp một số bản quyền phần mềm đào tạo về bán dẫn cho nhà trường phục vụ giảng dạy.

Trường ĐH Đông Á đã ký kết hợp tác phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, robot và công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) với Viện Khoa học và Công nghệ sáng tạo Gyeongsan (tỉnh Gyeongsangbuk) GGIC, Đại học Quốc gia Jeju, ĐH Daegu Catholic (Hàn Quốc) và CLB doanh nhân phần mềm Đà Nẵng (DSEC).

Hợp tác này mở ra dự án thực tập dài hạn dành cho sinh viên Trường ĐH Đông Á ở các phòng nghiên cứu của các giáo sư tại các đại học Quốc gia Jeju, Daegu Catholic hoặc các doanh nghiệp SW/ICT tại các địa phương này. Đón đầu xu thế này, Trường ĐH Đông Á đang xây dựng dự án giảng dạy công nghệ thông tin (CNTT) cho SV ngành Ngôn ngữ Hàn hoặc dạy tiếng Hàn cho sinh viên ngành CNTT.

Ông Bùi Ngọc Vinh – Chủ tịch DSEC cho biết: “Bên cạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp thì hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học cũng góp phần mở ra hướng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ cao cho địa phương, cùng với đó là cơ hội để đón sóng đầu tư trong ngành bán dẫn. Các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn Đà Nẵng cũng kỳ vọng vào sự tham gia của các trường đại học trong đào tạo và cung ứng nguồn lực chất lượng cao đóng vai trò là những kỹ sư cầu nối cho các doanh nghiệp CNTT và các doanh nghiệp thuộc DSEC tại Đà Nẵng khi tiếp nhận các dự án hợp tác ở Hàn Quốc".

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doanh-nghiep-cung-tham-gia-dao-tao-nhan-luc-nganh-cong-nghiep-ban-dan-post675283.html