Doanh nghiệp chuyển đổi xanh: Hưởng nhiều chính sách ưu đãi

Nhằm thúc đẩy DN chuyển đổi sản xuất xanh đáp ứng các Hiệp định thương mại tự do, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ.

Chương trình kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp đã được tái khởi động vào tháng 9/2023. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng, thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh và ứng dụng công nghệ cao. Ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi vay trong 7 năm. Dự án khởi nghiệp, vườn ươm, nhà xưởng, máy móc chuyển giao công nghệ phù hợp với chuyển đổi sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải… chuyển đổi thiết bị mà giảm phát thải, có sử dụng công nghệ, sẽ được hỗ trợ lãi suất vay.

TP. Hồ Chí Minh sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng xanh

TP. Hồ Chí Minh sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng xanh

Thách thức lớn nhất cản trở doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh là vốn đầu tư. Vì vậy, ngoài nguồn tín dụng xanh ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tài chính, Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi tín dụng, kích cầu đầu tư, nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi từ công nghệ đến sản phẩm trong quá trình chuyển đổi xanh.

Hiện, TP. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu chiến lược, lộ trình, chính sách cho chuyển đổi xanh; giao cho Viện Nghiên cứu phát triển cùng các cơ quan, chuyên gia để hoàn thiện. Sắp tới, thành phố sẽ có bước rõ ràng về chuyển đổi năng lượng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh và có thể ban hành chính sách về vấn đề này.

Trong bối cảnh hội nhập, ngoài mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư ở phạm vi khu vực, FTA mới còn tích hợp các cam kết về môi trường và phát triển bền vững, với quan điểm cho rằng, hoạt động thương mại, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững không thể tách rời nhau và phải cân bằng. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần kịp thời chuyển đổi và thích ứng nhanh với xu hướng xanh của thương mại quốc tế, khi Việt Nam đang tham gia và thực thi các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) với các cam kết sâu rộng và tiêu chuẩn cao liên quan phát triển bền vững.

Ông Huỳnh Minh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) - cho biết: Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu như một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Xu hướng này đang hình thành các tiêu chuẩn mới về môi trường và phát triển bền vững do thị trường nhập khẩu, nhà nhập khẩu quy định. Xu hướng tiêu dùng xanh đã trở nên phổ biến hơn, nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, được thể hiện thông qua các cam kết tại COP26 và COP27… Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi các FTA thế hệ mới, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn các cam kết về môi trường để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn và xu hướng tiêu dùng tại thị trường nhập khẩu, tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan trong FTA.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghị - chuyên gia xúc tiến xuất khẩu CBI (Trung tâm Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển - Hà Lan) - cho rằng: Chuyển đổi sản xuất xanh tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp và mang lại nhiều cơ hội như: Tránh được lộ trình thuế carbon, thu hút thêm khách hàng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh… đặc biệt là tiếp cận được các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp nhận thức đúng về tầm quan trọng cũng như lợi ích mà chuyển đổi sản xuất xanh mang lại.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-huong-nhieu-chinh-sach-uu-dai-275047.html