Doanh nghiệp chuyển đổi số để thích ứng

Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra, chuyển đổi số trở nên phổ biến, là xu hướng tất yếu đối với sự tồn tại, phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp và mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp bách hơn khi đại dịch COVID-19...

Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ 4.0 để phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, mở rộng tiện ích, nâng cao chất lượng dịch vụ.

(baophutho.vn) - Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra, chuyển đổi số trở nên phổ biến, là xu hướng tất yếu đối với sự tồn tại, phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp và mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp bách hơn khi đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của toàn xã hội, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm các mô hình hoặc phương thức kinh doanh mới, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng. Nhờ chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn của năm 2021, tự tin bước vào năm mới với những thách thức và cơ hội mới đang mở ra.

“Quả ngọt” từ sự thay đổi
Để thích nghi với nền kinh tế số, doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi số và quá trình này không chỉ diễn ra trong một sớm, một chiều cũng như đi kèm với nó là số kinh phí đầu tư không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu vượt qua được thách thức này thì thành quả đem lại rất lớn. Ông Đặng Việt Hải-Phó giám đốc Viễn thông Phú Thọ (VNPT Phú Thọ) cho biết: “VNPT là Tập đoàn Viễn thông, công nghệ thông tin mang trên mình sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số Quốc gia, vì vậy, VNPT Phú Thọ đã và đang tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các dự án chuyển đổi số cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và cho chính đơn vị mình. VNPT Phú Thọ đã xây dựng và áp dụng thành công các giải pháp quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, toàn bộ các quy trình nghiệp vụ cốt lõi đã được số hóa tại đơn vị”.Đối với chính quyền số, VNPT Phú Thọ đã triển khai: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT iOffice đến các cấp: Tỉnh, huyện, xã; Hệ thống nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh LGSP (VXP). Hiện VNPT Phú Thọ đang triển khai thử nghiệm: Hệ thống điều hành thông minh IOC, Hệ thống thông tin báo cáo VNPT VRS cấp tỉnh,… Nhiều doanh nghiệp đã và đang coi VNPT Phú Thọ không chỉ là đối tác cung cấp giải pháp hạ tầng số mà còn là đối tác cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp, từ hạ tầng số đến các giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp, tối ưu trải nghiệm khách hàng và các nền tảng công nghệ cao như: AI, IoT, Big Data để giải quyết các bài toán chuyển đổi số cụ thể tại từng doanh nghiệp.Không chỉ những doanh nghiệp lớn mà kể cả doanh nghiệp nhỏ cũng ứng dụng số hóa trong quản lý doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Sông Lam cho biết: “Để doanh nghiệp vững vàng trong gian khó, chúng tôi xác định cần áp dụng công nghệ 4.0. Công ty đã sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý doanh nghiệp trên môi trường số rất thuận tiện cho hoạt động của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn trụ vững trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị máy văn phòng và điện nhẹ”.Trong “nguy” có “cơ”, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng để phát triển trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Nhờ vậy, mặc dù năm 2021 nhiều khó khăn chưa từng có nhưng toàn tỉnh vẫn có gần 7.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, chuyển đổi số giúp nhiều doanh nghiệp duy trì các đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như: Công ty TNHH Namuga Phú Thọ; Công ty TNHH Hanyang Digitech Vina;… Giá trị xuất khẩu năm 2021 toàn tỉnh ước đạt gần 8 tỉ USD, tăng 70% so với năm 2020 (mức tăng kỷ lục, đưa Phú Thọ đứng thứ 12/63 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước).

Hoạt động điều hành của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Sông Lam được thực hiện trên môi trường số, nhiều tiện lợi và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Đồng hành giúp doanh nghiệp chuyển đổi số
Có thể khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Con đường dẫn lối thành công, thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp là không ngừng tối ưu số hóa vào điều hành sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tạo nên sự bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa nhiều. Ông Đàm Bắc Tiến- Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho biết: “Nhiều doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi số nhưng còn thiếu vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, vì vậy rất cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp, nhằm ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ quản trị các hoạt động kinh doanh, truyền thông, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp hội viên, Tập đoàn Kim Nam đã phối hợp với Văn phòng Hiệp hội hoàn thiện phần mềm quản trị hoạt động Hiệp hội. Từ đó, tạo thuận lợi để Hiệp hội phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, đồng thời tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chuyển đổi số”. Ngày 13/10/2021, Tỉnh ủy Phú Thọ ban hành Nghị quyết số 61-NQ/TU về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Trong đó tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa về trình độ, kỹ năng đội ngũ công nhân lành nghề có tác phong công nghiệp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang khẳng định: Những nỗ lực thực hiện chuyển đổi số và tinh thần năng động, sáng tạo, thích ứng với tình hình mới của các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Để phát huy vai trò của doanh nhân, lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và tôn trọng lợi ích của doanh nghiệp. Các sở, ngành, đơn vị liên quan cần quan tâm, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số để vượt qua thách thức, đón nhận thời cơ, tiếp tục có những đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, góp phần xây dựng Đất Tổ nói riêng và một Việt Nam hùng cường nói chung trong vận hội mới của đất nước.

Trịnh Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202201/doanh-nghiep-chuyen-doi-so-de-thich-ung-181947