Doanh nghiệp chế biến nông lâm sản cần làm gì khi khó khăn còn bủa vây?

Nhìn từ tình hình thực tại ở ngành tôm hay đồ gỗ để thấy còn nhiều khó khăn, bất trắc vẫn đang bủa vây các doanh nghiệp chế biến trong ngành hàng nông lâm thủy sản khiến cho họ chưa thể tăng tốc nổi. Để thoát khó, ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực vượt lên và tìm lối đi riêng cho mình.

Trong chia sẻ trên website của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) vào ngày 11/3, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), cho biết doanh nghiệp (DN) chế biến trong ngành tôm cầm cự vì đơn hàng không như thời hoàng kim. Thời điểm này ngành tôm Việt đang gặp khó quá lớn từ nuôi, chế biến cho tới thị trường tiêu thụ.

Chưa thể tăng tốc

Theo ông Lực, vào lúc này giá tôm thương phẩm tuy không cao lắm, nhưng vẫn còn cao so với giá bán, bởi giá tôm thế giới đang quá rẻ, rẻ hơn tôm Việt trên 1 USD mỗi kg tôm thương phẩm. Tính ra giá tôm thành phẩm đang chênh lệch trên 1,5 USD, quá khó để tìm đơn hàng.

Giữa khó khăn vẫn còn bủa vây, đòi hỏi các DN chế biến nông lâm thủy sản linh hoạt thích ứng và như ví von “phải bươn chải, không thể đợi sung rụng”.

Còn với thị trường lớn như Nhật Bản, như lưu ý của vị chủ tịch FMC, đồng Yên của nước này mất giá kỷ lục 150 yên cho mỗi USD. Tình hình này khiến sức mua không thể mạnh.

Hoặc với thị trường EU đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn an toàn (ASC), đòi hỏi bên cung ứng có giải pháp giảm phát thải (nuôi, chế biến), đòi hỏi truy xuất nguồn gốc tận gốc (thành phần thức ăn tôm, tôm bố mẹ…), đòi hỏi phúc lợi động vật (tôm bố mẹ không cắt mắt khi sinh sản nhân tạo, nuôi mật độ vừa phải…). Theo ông Lực, sự yêu cầu nghiêm ngặt này là một lý do khiến “đại lộ” Việt Nam - EU đã có nhưng chưa thể tăng tốc.

Riêng vấn đề mất giá của đồng Yên, các DN xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn hy vọng đồng tiền này sẽ tiếp tục thu hẹp tỷ giá với USD trong thời gian tới. Bởi lẽ, nếu nếu như đồng Yên mất giá sẽ làm giảm hiệu quả xuất khẩu (XK) từ Việt Nam sang Nhật. Và không những lo ngại về sức mua, các DN xuất khẩu còn đối mặt với sự sụt giảm lợi nhuận do hàng hóa bán ở Nhật Bản sẽ thu về ít tiền hơn trước đây đối với các mặt hàng có độ co giãn của cầu theo giá lớn.

Trước khó khăn của các DN chế biến XK tôm như hiện nay, ông Lực cho rằng "lẽ tất nhiên người trong cuộc phải chủ động gánh vác thôi, chớ trông chờ thì chắc mờ mịt lắm".

“Bây giờ làm ăn bền vững, quan tâm hơn các rủi ro, không còn ý tưởng “đánh quả” nữa. Đầu ra quyết định đầu vào, vai trò doanh nhân ngành tôm vô cùng to lớn, đầy tính quyết định. Hàng trăm ngàn hộ nuôi tôm, hàng chục ngàn lao động chế biến trông chờ kết quả những chuyến xuất ngoại tìm đường thoát nguy của các doanh nghiệp”, ông Lực chia sẻ.

Còn với các DN chế biến đồ gỗ, thông tin từ cuộc họp giao ban ngành chế biến, XK gỗ và lâm sản quý I/2024 do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây cho thấy, giá thành sản xuất của DN trong ngành này còn khá cao và đối mặt những rủi ro trong việc cấp chứng chỉ rừng cũng như truy xuất nguồn gốc gỗ.

Trong khi đó, vấn đề tiêu thụ vẫn còn đầy thách thức khi mà tình hình lạm phát thế giới có dấu hiệu suy giảm chậm, người tiêu dùng tiếp tục thực hiện thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Chưa kể, các DN chế biến gỗ còn đối mặt các khó khăn, thách thức từ vấn đề logistics. Đơn cử như có những container hàng vận chuyển chi phí trước đây chỉ hơn 1.000 USD thì nay tăng hơn 6.800 USD, thậm chí còn cao hơn nữa. Cước vận tải đi EU, Mỹ hiện bị đội lên khá cao trong khi đây là hai thị trường chủ lực của ngành gỗ Việt. Không chỉ vậy, các DN còn gặp áp lực khi thời gian giao hàng bị kéo dài so với trước đây và quay lại tình trạng khan hiếm container.

Ngoài ra, vấn đề cạnh tranh thương mại đang diễn ra khốc liệt. Và hiện nay nhiều nước nhập khẩu đồ gỗ đang muốn bảo hộ nền sản xuất trong nước và ngày càng đưa ra quy định khắt khe hơn.

Phải bươn chải, không thể đợi "sung rụng”

Như lưu ý của ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, riêng tại thị trường Mỹ, các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ hơn; Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang sửa đổi, bổ sung tổng cộng 22 nội dung liên quan một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp bao gồm cả những cách xác định một số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ, thuế trực tiếp…

Trước các khó khăn hiện nay, ông Lập đề nghị Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan của Chính phủ cập nhật thông tin và có những hướng dẫn cụ thể nhằm giúp DN ngành gỗ đáp ứng được các yêu cầu của thị trường XK, giảm được tác động tiêu cực tới các hoạt động XK.

Dưới góc nhìn của nhà sản xuất, XK gỗ và đồ thủ công mỹ nghệ, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội XK thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cho rằng tất nhiên khó khăn của các DN vẫn còn tiếp diễn về mặt thị trường, rồi chi phí sản xuất ngày càng tăng, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước thiếu, khó tiếp cận vốn vay, lãi suất cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao.

Trước nhiều khó khăn như vậy, theo ông Mạnh, các DN cần phải thích nghi trong bối cảnh không còn XK ồ ạt hàng chục hay hàng trăm container như trước đây. Chẳng hạn như làm các đơn hàng ngắn hạn thay vì đánh mạnh vào các đơn hàng dài hạn, rồi làm hàng mẫu theo nhu cầu của đối tác.

Còn dưới góc nhìn từ phía lãnh đạo một hiệp hội DN, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết có nhiều DN sản xuất đã chia sẻ với bà về tình hình khó khăn mà họ đang gặp phải. Có chủ DN còn thổ lộ rằng việc cho công nhân nghỉ để giảm chi phí quản lý là việc ắt phải làm nhưng rất “đau lòng”. Đối với các DN, việc giảm chi phí sản xuất đang cần nhiều yếu tố, trong đó các cơ quan quản lý từ bộ ngành cho đến địa phương phải hiểu rõ là DN đang “mệt lắm rồi!”.

Như bày tỏ của bà Hạnh, các DN chắc chắn phải tìm con đường sinh tồn thay vì “co tay, đắp mền và đi ngủ”. Cho nên, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn cho việc hỗ trợ DN trong lúc này. Và làm sao giảm bớt các thủ tục, điều khoản trong các luật để khi áp dụng không gây bất lợi cho DN.

“Thực ra, DN không dám hy vọng nhiều vào sự hỗ trợ, nhưng làm sao giảm làm khó, giảm thanh kiểm tra, làm sao giảm yêu cầu những điều kiện mà đối với những DN nhỏ là khó đáp ứng được”, bà Hạnh bộc bạch.

Tựu trung lại, trước nhiều khó khăn, bất trắc vẫn còn bủa vây như hiện tại, cũng đòi hỏi các DN chế biến, đặc biệt là ở ngành hàng nông lâm thủy sản, là đừng quá bi quan mà cần phải linh hoạt thích ứng giữa khó khăn, tìm cơ trong nguy, tự mình cứu mình. Nói như ông Hồ Quốc Lực, đó là “phải bươn chải thôi, không thể đợi sung rụng”.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-che-bien-nong-lam-san-can-lam-gi-khi-kho-khan-con-bua-vay-1098673.html