Doanh nghiệp chây ỳ đền bù rừng bị mất

Nhiều doanh nghiệp (DN) nhận dự án trồng rừng ở Đắk Nông bị các cơ quan chức năng của tỉnh buộc phải đền bù thiệt hại cho diện tích rừng họ đã để bị mất. Tuy nhiên, trong khi họ chây ỳ không đền bù, chính quyền địa phương lại chưa có giải pháp nào đủ cứng rắn để có thể xử lý dứt điểm, đúng pháp luật vấn đề này.

Chỉ một DN chịu đền bù

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã giao 41 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn cho các DN với tổng diện tích rừng hơn 31.600ha, trong đó có hơn 14.300ha rừng tự nhiên phải quản lý, bảo vệ. Chỉ sau vài năm được bàn giao, khoảng 4.800ha rừng tự nhiên đã bị tàn phá, gần 8.300ha rừng và đất rừng bị lấn chiếm, xâm canh.

Rừng được giao cho Công ty CP Kiến Trúc Mới bị người dân chặt phá làm nương rẫy. Ảnh: Lữ Hồ.

Tuy Đức là huyện được tỉnh giao nhiều dự án nhất (18 dự án), với diện tích rộng nhất (hơn 9.100ha) và diện tích rừng tự nhiên phải quản lý bảo vệ nhiều nhất (hơn 5.500ha). Nhưng đây cũng là địa phương để mất rừng nhiều nhất (hơn 2.200ha) và diện tích bị xâm canh lớn nhất (gần 3.000ha). Trong số này, có 3 DN để mất gần như toàn bộ rừng tự nhiên được giao là Công ty CP Kiến Trúc Mới, Công ty TNHH Long Sơn và DNTN Phạm Quốc.

Qua kiểm tra mới đây, Sở TN&MT Đắk Nông cũng phát hiện hàng trăm hécta rừng được giao cho Công ty Vĩnh An (ở xã Ea Pô, huyện Cư Jút) bị chặt phá, lấn chiếm. Vào năm 2005, công ty này được tỉnh giao hơn 1.442ha rừng, đất rừng để cho thuê để trồng cao su, trồng rừng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Nhưng trong tổng diện tích hơn 862ha đất cho thuê để trồng cao su, trồng rừng, thì 580ha rừng đã bị người dân phá, xâm canh lấn chiếm. Vì vậy, Sở TN&MT Đắk Nông đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT tính toán giá trị của 580 ha rừng đã mất để tham mưu tỉnh yêu cầu Công ty Vĩnh An đền bù theo quy định.

Năm 2016, tỉnh Đắk Nông ra quyết định buộc 5 DN để mất 255ha rừng phải đền bù thiệt hại cho nhà nước với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng gồm: Công ty Công Long, Công ty GreenFarm Đắk Nông, DNTN Phạm Quốc, Công ty CP Nông lâm nghiệp Khải Vy và Công ty Hoàng Ba. Nhưng đến nay, mới chỉ có Công ty Công Long đã nộp hơn 334 triệu đồng tiền đền bù do để mất gần 16ha rừng. Các DN còn lại vẫn chưa chịu nộp tiền đền bù thiệt hại rừng cho tỉnh theo quyết định trên.

Khó xử lý?

Theo ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông, các DN chây ỳ nộp tiền đền bù do số tiền phải nộp quá lớn và tỉnh cũng chưa có chế tài đủ mạnh buộc các DN trên phải nộp. Trong 5 DN phải đền bù lại giá trị rừng, DNTN Phạm Quốc phải đền bù nhiều nhất với trên 9,5 tỷ đồng nhưng đơn vị này lại đang bị cơ quan công an điều tra.

“Trước tình trạng các DN chây ỳ chưa thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh, Sở đã có văn bản đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định. Công ty Hoàng Ba lại có tờ trình xin xem xét lại lý do yêu cầu đơn vị bồi thường thiệt hại về rừng, còn Công ty Khải Vy cũng có văn bản đề nghị điều chỉnh một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh”, ông Yên cho hay.

Tại cuộc họp báo ngày 5/10/2017, ông Ngô Xuân Lộc - Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Đắk Nông cho biết tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý sai phạm và tính toán thiệt hại hơn 580ha rừng để buộc Công ty Vĩnh An phải đền bù. “Theo quy định của pháp luật, tất cả các chủ rừng được Nhà nước giao, cho thuê rừng mà để mất rừng, ngoài việc bị xử lý hình sự (nếu có) thì đều phải bồi thường thiệt hại rừng về cho Nhà nước. Vấn đề này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng của tỉnh đang thực hiện với từng dự án”, ông Lộc khẳng định.

Lữ Hồ

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/doanh-nghiep-chay-y-den-bu-rung-bi-mat-1195356.tpo