Doanh nghiệp chấp nhận nộp tiền đất chênh lệch để tiếp tục sở hữu 'đất vàng'

Liên quan các bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đối với khu đất 43 ha, đại diện Công ty Tân Phú đề nghị được nhận lại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị cơ quan điều tra thu giữ từ cuối năm 2019.

Một góc phiên tòa xét xử

Một góc phiên tòa xét xử

Cuối giờ chiều 23/8, phiên tòa xét xử sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án thâu tóm “đất vàng” ở Bình Dương tiếp tục tranh luận với nội dung tự bào chữa, bào chữa của bị cáo, luật sư, các bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Chấp nhận nộp tiền đất chênh lệch

Theo đó, một trong những nội dung được quan tâm tại phiên tòa xét xử cuối giờ chiều nay là "số phận" của 2 lô đất vàng 43 ha và 145 ha của Bình Dương. Trước đó, trong phần nêu quan điểm, Viện KSND Hà Nội đề nghị TAND Hà Nội tuyên giao lại hai lô đất này về Tỉnh ủy Bình Dương quản lý.

Liên quan các bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đối với khu đất 43 ha, đại diện Công ty Tân Phú đề nghị được nhận lại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị cơ quan điều tra thu giữ từ cuối năm 2019. Trong trường hợp phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất chênh lệch, công ty mong muốn được nộp đủ theo phán quyết của tòa, để được tiếp tục thực hiện các dự án.

"Đây sẽ là giải pháp đúng luật, hài hòa lợi ích Nhà nước với doanh nghiệp, tài sản Nhà nước không bị thất thoát", vị đại diện công ty Tân Phú nêu.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Bảo vệ quyền và lợi ích cho Công ty Kim Oanh - luật sư Nguyễn Thị Thu phát biểu rằng, tại phiên tòa, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương, Công ty Tân Phú (Công ty Liên doanh giữa Tổng Công ty 3-2 và Công ty Âu Lạc) và Công ty Kim Oanh có yêu cầu cho Công ty Tân Phú được tiếp tục thực hiện Dự án khu dân cư - thương mại - dịch vụ Tân Phú trên diện tích đất 43 ha.

Đồng thời, Công ty Tân Phú và Công ty Kim Oanh cam kết nộp số tiền sử dụng đất chênh lệch theo phán quyết của tòa án.

Theo luật sư Thu, Công ty Kim Oanh là bên thứ ba ngay tình trong giao dịch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhận chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc tại Công ty Tân Phú.

Cụ thể, thực hiện các thỏa thuận về việc nhận chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh đã thanh toán đủ số tiền 350 tỉ đồng cho Công ty Âu Lạc.

Công ty Kim Oanh và Công ty Tân Phú đã hoàn tất thủ tục pháp lý và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 5 ngày 14/3/2018. Theo đó Công ty Kim Oanh là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ tại Công ty Tân Phú.

Ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 5, Công ty Kim Oanh, Công ty Tân Phú đã tiến hành hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện Dự án trên và đã được UBND tỉnh Bình Dương ban hành văn bản số 5089 ngày 8/11/2017, chấp thuận cho Công ty Tân Phú lập hồ sơ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500 đối với dự án...

 Luật sư Nguyễn Thị Thu, người bảo vệ quyền và lợi ích cho Công ty Kim Oanh

Luật sư Nguyễn Thị Thu, người bảo vệ quyền và lợi ích cho Công ty Kim Oanh

Tại thời điểm Công ty Kim Oanh nhận chuyển nhượng 100% vốn góp thì Công ty Tân Phú đã được UBND tỉnh Bình Dương xác định là chủ thể có quyền sử dụng hợp pháp đối với 43 ha đất để thực hiện Dự án khu dân cư - thương mại - dịch vụ Tân Phú.

Luật sư Thu cho rằng, cáo trạng của Viện Kiểm sát cũng xác định Công ty Kim Oanh là bên thứ ba ngay tình trong giao dịch nhận chuyển nhượng 100% vốn góp để trở thành chủ sở hữu dự án trên khu đất 43 ha.

Mặt khác, trong vụ án này Công ty Kim Oanh không phải là người phạm tội, không có hành vi chiếm đoạt tài sản nên không thể áp dụng quy định tại Điều 48 BLHS 2015 để thu hồi thửa đất 43 ha.

Từ các quan điểm trên, luật sư cho rằng, Công ty Kim Oanh, Công ty Tân Phú xin được tiếp tục thực hiện Dự án và đã được Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương chấp thuận.

Ngày 15/8 vừa qua, hai công ty này cũng đã gửi đơn đề nghị tòa xem xét để tiếp tục thực hiện dự án, cam kết nộp số tiền sử dụng đất chênh lệch theo phán quyết của Tòa án.

"Kính đề nghị tòa xem xét, chấp nhận đề nghị để nhằm giảm bớt thiệt hại mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu do chậm triển khai dự án và khắc phục toàn bộ các thiệt hại cho Tỉnh ủy Bình Dương liên quan đến khu đất 43 ha", luật sư cho hay.

Theo cáo buộc, Nguyễn Đại Dương - con rể của ông Nguyễn Văn Minh - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3-2 đã lập Công ty Âu Lạc để ký kết với Tổng Công ty 3-2 thành lập Công ty Tân Phú, thực hiện dự án 43 ha đất vàng.

Đại diện Công ty Kim Oanh trình bày trước HĐXX

Đại diện Công ty Kim Oanh trình bày trước HĐXX

Bằng các thủ đoạn lòng vòng, khu đất vàng đã được bán cho Công ty Kim Oanh, gây thiệt hại gần 985 tỉ đồng của Nhà nước.

Đại diện VKS xác định, bà Đặng Thị Kim Oanh không có hành vi câu kết với Nguyễn Đại Dương mua bán, chuyển nhượng khu đất 43 ha trái quy định của pháp luật.

Vô ý chứ không phải cố ý

Trong phần tranh tụng trước đó, luật sư Nguyễn Văn Hiệp, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh chỉ ra rằng Toàn bộ quá trình liên doanh, góp vốn, thoái vốn, tính giá của Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương liên quan đến rất nhiều cá nhân, cơ quan. Các cơ quan hoạt động độc lập, các cá nhân không có dấu hiệu “cấu kết” nên không thể nói “Nguyễn Văn Minh là chủ mưu, tích cực thực hiện phạm tội’.

Luật sư Nguyễn Văn Hiệp, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương

Luật sư Nguyễn Văn Hiệp, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương

Hành vi của bị cáo Minh nếu vi phạm pháp luật thì hành vi đó cũng là vô ý chứ không phải cố ý. Đề nghị HĐXX không đưa cụm từ bị cáo Nguyễn Văn Minh có hành vi cố ý vi phạm pháp luật như nhận định trong cáo trạng.

Việc xác định thiệt hại, rCáo trạng nêu: Việc chuyển toàn bộ tài sản của nhà nước (khu đất 43 ha và 30% vốn góp) sang tư nhân trái quy định pháp luật đã gây thất thoát cho nhà nước hơn 984 tỷ đồng (theo kết luận định giá tài sản số 779/KL-HĐĐGTS ngày 4/3/2022 xác định giá trị QSDĐ khu đất 43 ha tại thời điểm tháng 12/2019 (thời điểm khởi tố vụ án). Cách tính gộp như vậy để ra con số thiệt hại là chưa đúng bởi lẽ:

Thời điểm: Tháng 8/2017, Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương chuyển 30% vốn góp của mình ở Công ty Tân Phú sang Công ty Âu Lạc, vậy giá trị QSDĐ phải được xác định tại thời điểm tháng 8/2017 chứ không thể lấy thời điểm tháng 12/2019 (thời điểm khởi tố vụ án) vì sau 2 năm giá đất có rất nhiều biến động.

Cách tính: Giá trị QSDĐ khu đất 43 ha tại thời điểm tháng 12/2019 (thời điểm khởi tố vụ án): 1.395.839.192.500 đồng - 411.216.464.496 đồng (số tiền thu được khi chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng Công ty có trong Công ty Tân Phú khi chuyển nhượng 30% vốn góp này cho Công ty Âu Lạc) = con số thiệt hại mà Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương phải chịu trách nhiệm là không đúng bởi 70% quyền sử dụng đất 43 ha đã thuộc quyền của Công ty Âu Lạc, phần giá trị QSDĐ tăng thêm - Công ty Âu lạc được hưởng lợi chứ không thể là thiệt hại của nhà nước (Công ty Tân Phú đã tiền 70% diện tích khu đất 43ha với giá 570.000 đồng/m2 cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương nên đối tượng hưởng lợi từ giá trị đất tăng thêm không hoàn toàn không thuộc về nhà nước.

Ngày mai (24/8), phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKS.

Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/doanh-nghiep-chap-nhan-nop-tien-dat-chenh-lech-de-tiep-tuc-so-huu-dat-vang-212418.html