Doanh nghiệp cà phê xoay xở trong bão giá

Giá cà phê liên tiếp phá kỷ lục, nằm ngoài dự đoán của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu; đã có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng

Ngày 9-4, giá cà phê Robusta trong nước thiết lập mốc mới ở mức 105.000 - 106.000 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với hôm trước và tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 3-2024. Trước đó, trong tháng 3, Việt Nam đã xuất khẩu 161.709 tấn cà phê, giá trị gần 533,6 triệu USD, bình quân đơn giá 3.300 USD/tấn - cao nhất kể từ năm 1995.

Đứt gãy chuỗi cung ứng

Phát biểu tại hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỉ USD" do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, nêu tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ do không mua được hàng để giao cho những hợp đồng đã ký trước đó vì giá tăng quá nhanh.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), việc giá cà phê tăng liên tục bên cạnh mặt lợi là nông dân bán được giá cao thì cũng gây ra một số vấn đề như hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng. "DN xuất khẩu phản ánh một số đại lý và DN thu mua không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng dù các bên đã bàn bạc về việc chia sẻ rủi ro" - ông Hải thông tin.

Trong khi giá cà phê tăng cao kỷ lục, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lại gặp khó khăn. Trong ảnh: Sơ chế cà phê tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Ảnh: VÂN ANH

Lãnh đạo VICOFA nhận định cà phê biến động quá lớn đã ảnh hưởng lớn đến các DN trong chuỗi sản xuất, chế biến, thu mua, cung ứng và xuất khẩu. Cụ thể, tháng 3-2023, giá cà phê bình quân mới chỉ 47.000 đồng/kg thì tháng 10-2023 đã tăng lên 58.000 đồng/kg và hiện nay là hơn 100.000 đồng/kg. Do đó, DN cần vốn nhiều hơn để thu mua sản lượng cà phê tương đương năm trước trong khi hạn mức cho vay của ngân hàng có giới hạn.

Đại diện một DN xuất khẩu cà phê lớn tại TP HCM phản ánh do giá giá cà phê tăng gấp đôi nên DN mong muốn ngân hàng tăng hạn mức cho vay lên 20%, từ 1.000 tỉ đồng lên 1.200 tỉ đồng nhưng không được chấp thuận. Điều này khiến thị phần của nhiều DN Việt Nam bị sụt giảm, còn thị phần của DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên nhờ mạnh về vốn.

Ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty CP Học viện café Việt Nam VCA (tỉnh Gia Lai), nhận xét xuất khẩu cà phê năm nay rất khốc liệt khi giá cà phê hôm sau cao hơn hôm trước. Trong khi đó, DN kinh doanh cà phê chủ yếu theo phương thức mua xa - bán xa, tức các bên phải đoán giá để chốt hợp đồng trong khi chưa có hàng sẵn trong kho, dẫn đến nhiều DN sẽ thua lỗ vì phải mua hàng giá cao để trả hợp đồng bán giá thấp hoặc không thực hiện hợp đồng. "Hiện nay, có một số hợp đồng mà bên bán phải đặt cọc cho bên mua để bảo đảm việc giao hàng" - ông Long nêu "hiện tượng lạ".

Doanh nghiệp cạn kho sớm

Theo VICOFA, giá cà phê trong nước tăng nhưng nguồn hàng đã cạn dần, tồn kho của DN và nông dân không nhiều, nên lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ (tháng 9-2024) sẽ giảm.

Dữ liệu thống kê của hải quan cho thấy xuất khẩu cà phê đã có dấu hiệu giảm từ tháng 3-2024 khi sản lượng xuất đi chỉ khoảng 185.281 tấn, đạt kim ngạch khoảng 680,86 triệu USD, giảm 11,9% về lượng dù tăng 41,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá tăng. Lũy kế 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỉ USD - tăng 4,9% về lượng và tăng 57,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Hai DN dẫn đầu xuất khẩu cà phê nhân sống là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai) và Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) đều cho biết lượng hàng trong kho chỉ bán đủ đến khoảng tháng 5 và 6-2024, không thể kéo đến vụ thu hoạch mới.

Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết nhờ có kế hoạch mua hàng từ khi thu hoạch và bán ra dần, thay vì "bán khống" nên không bị thua lỗ. "DN thua lỗ chủ yếu do không dự báo được xu hướng giá tăng vì cho rằng nguồn cung cà phê Việt Nam vẫn dồi dào và giá sẽ hạ. Nhưng thực tế, với giá cà phê thấp suốt 20 năm qua, nông dân đã bỏ cây cà phê rất nhiều. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng khiến năng suất cây cà phê thấp hơn" - ông Hiệp nêu thực trạng.

Theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak, trong tháng 3, DN này đã xuất khẩu sản lượng cà phê kỷ lục là 19.464 tấn. Chi phí tài chính để trữ cà phê hiện nay khá lớn nên DN đẩy mạnh bán hàng để giảm áp lực.

Về phía cơ quan quản lý, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay không chỉ cà phê mà nhiều ngành nông sản khác cũng gặp tình trạng mạnh ai nấy làm. Điều này dẫn đến khi thì nông dân thắng nhưng DN lỗ, khi thì DN lãi nhưng nông dân lỗ. "Không cách nào khác là phải liên kết xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về số lượng, chất lượng và hài hòa lợi ích các bên. Chỉ có liên kết mới ổn định được sản xuất và là tiền đề để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam" - ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng cho rằng DN xuất khẩu không nhất thiết phải liên kết trực tiếp với nông hộ mà có thể thông qua chuỗi cung ứng ổn định từ DN thu mua, HTX, thương lái...

Gỡ nút thắt về vốn

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia về thị trường cà phê, nhận định thiếu vốn là một trong những nguyên nhân khiến DN cà phê Việt Nam khó lớn mạnh. Để cà phê Việt Nam có thương hiệu, DN Việt phải bán hàng vào các siêu thị nước ngoài hoặc cung cấp cho nhà rang xay quốc tế. Những khách hàng này trả giá cao nhưng thường thanh toán chậm, từ 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, với vốn yếu, DN Việt Nam chủ yếu ưu tiên bán cho khách hàng trả tiền nhanh, thường là khách hàng thương mại. "Việt Nam là quốc gia về nông nghiệp nhưng việc ưu tiên vốn cho lĩnh vực này vẫn chưa rõ, dẫn đến DN cà phê không đủ vốn để kinh doanh" - ông Bình nhìn nhận.

Ông Thái Như Hiệp cho biết để chuẩn bị cho vụ cà phê 2024 - 2025, các DN ngành hàng này sẽ kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ tín dụng phù hợp với tình hình mới.

NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/doanh-nghiep-ca-phe-xoay-xo-trong-bao-gia-196240409203139966.htm