Doanh nghiệp 24h: Bầu Đức sẽ bán chuối, chanh leo... tại Bách hóa xanh?

Báo cáo thăm doanh nghiệp của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa công bố cho thấy những thông tin đáng chú ý về mảng kinh doanh mới của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) là trồng cây ăn quả.

Bầu Đức sẽ bán chuối, chanh leo... tại Bách hóa XANH?

Một điều dễ nhìn thấy, với số nợ lớn trong khi dòng tiền yếu do đầu tư mạnh vào cao su và cọ dầu khiến HAG L phải tìm ra hướng kinh doanh mới để có thể tận dụng cơ sở hạ tầng nông nghiệp sẵn có nhưng tạo ra dòng tiền nhanh hơn, khác với cao su và cọ dầu cần nhiều năm mới có thể thu hoạch.

VCSC cho biết, cây ăn trái phù hợp với các tiêu chí này, như chanh dây (chanh leo) chỉ cần 6 tháng kể từ khi gieo trồng đã có thể thu hoạch.

Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu trồng cây ăn trái vào đầu năm 2016.

Theo số liệu của VCSC, tính đến ngày 18/05/2017, HAG đã trồng 18.686ha cây ăn trái, tập trung vào trái cây nhiệt đới. HAG đã trồng 17 loại cây ăn trái, nổi bật trong đó bao gồm xoài (3.983ha), thanh long (2.988ha), chuối (2.826ha), và chanh dây (1.483ha). (Xem tiếp)

Những sai phạm tại PVTex: Sự dính líu của cựu Tổng giám đốc Vũ Đình Duy

Theo thông tin của PV, cái chết của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ được dự báo khá sớm sau khi dự án đi vào hoạt động được ít lâu. Chỉ ít tháng sau khi nhà máy vận hành và phải liên tiếp dừng hoạt động, trong một báo cáo gửi Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), lãnh đạo Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) thừa nhận việc nhà máy phải tạm ngừng hoạt động vì đã đầu tư kiểu “đếm cua trong lỗ”, không lường được hết khó khăn khi lấn sân từ lĩnh vực dầu khí sang làm “công nghiệp phụ trợ” cho dệt may.

Đến tháng 10/2016, khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại PVTex, hàng loạt dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư mới chính thức được phát lộ. (Xem tiếp)

Vinasun: Hơn 4.000 lao động nghỉ việc vì Uber, Grab

Trong công văn kiến nghị gửi Thủ tướng hồi giữa tháng 5, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã CK: VNS) cho biết, chỉ riêng trong quý I năm nay, đã có 4.239 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi, mà nguyên nhân chính là chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh "thiếu lành mạnh" của Uber và Grab. Đã có 10.084 tài xế ký tên xin công đoàn cho phép tuần hành phản đối.

Theo Vinasun, từ năm 2015 đến nay, số lượng ôtô dưới 9 chỗ chạy hợp đồng tăng đột biến. Hiện khoảng 21.155 xe đang hoạt động, cộng thêm 1.835 xe từ các tỉnh, thành phố khác cũng đổ về hoạt động cho Uber và Grab.

Trong khi đó, khó khăn hiện tại của các công ty taxi truyền thống là vừa đầu tư phát triển khoa học công nghệ, vừa chịu sự ràng buộc chặt chẽ theo quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải. Taxi truyền thống hoạt động phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị…. (Xem tiếp)

5 tháng, FPT báo lợi nhuận trước thuế 1.166 tỷ đồng

Thông tin mới từ CTCP FPT cho biết, kết thúc 5 tháng đầu năm 2017, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 16.366 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 103% kế hoạch lũy kế 5 tháng. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, tương đương 107% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 977 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 745 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.620 đồng sau 5 tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

FPT cho biết, tăng trưởng lợi nhuận của công ty trong 5 tháng đầu năm được đóng góp chủ yếu từ hai lĩnh vực cốt lõi là Công nghệ và Viễn thông, chiếm 75% tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn. Dù không tiết lộ con số cụ thể, FPT cho biết, LNTT của khối Công nghệ và khối Viễn thông tăng lần lượt là 31% và 21% so với cùng kỳ năm trước. (Xem tiếp)

Có đến 60% doanh nghiệp tự nguyện “đút lót” để giảm phiền hà

Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 diễn ra vào sáng 22/6, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn số liệu khảo sát PCI năm 2016 cho biết, doanh nghiệp càng lớn càng bị gánh nặng thanh tra, kiểm tra. Tần suất thanh tra kiểm tra nhiều là Công nghiệp và dịch vụ thương mại; 14% doanh nghiệp cho biết bị thanh tra kiểm tra trùng lặp. Bên cạnh đó, có đến 65% doanh nghiệp cho biết thực hiện thủ tục hành chính khó khăn.

Cũng theo ông Tuấn, 50-60% được khảo sát cho biết, họ chi trả chi phí không chính thức vì cho rằng để giảm phiền hà, duy trì quan hệ, né tránh nghĩa vụ. “Việc chi trả phần nào xuất phát từ chính doanh nghiệp, không hẳn chi trả để theo yêu cầu và sách nhiễu của thanh tra kiểm tra”, ông Tuấn nói. (Xem tiếp)

Linh Linh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h-bau-duc-se-ban-chuoi-chanh-leo-tai-bach-hoa-xanh-2894127.html