Đoàn Văn công Tây Nguyên một thời trên đất Bắc

Được đào luyện, chắp cánh từ chiếc nôi nghệ thuật của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, lớp diễn viên đầu tiên của Đoàn Văn công Tây Nguyên đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Từ họ, văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt là kho tàng âm nhạc đã được khai mở ra công chúng miền Bắc và bạn bè thế giới.

Bây giờ, lớp nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn Văn công Tây nguyên trên đất Bắc hầu hết đã thành người thiên cổ. Chuyện về đoàn nghệ thuật “một thời vang bóng” ấy giờ chỉ có thể cậy vào nghệ sĩ Siu Phích. Nhưng ông cũng đã qua cái tuổi 80 mà thời gian thì đã bảy chục năm trời? Khi tìm đến thì hóa ra là tôi đã lo hão. Ông vẫn còn minh mẫn lắm, lại cái chất giọng Opera vẫn rất vang. Được tuyển vào Đoàn Văn công Tây Nguyên từ lúc còn là một cậu bé 15 tuổi đi tập kết, trong quãng đời hơn 30 năm làm nghệ thuật thì thời gian trên đất Bắc đã là hai chục năm, ông dễ gì quên.

Sống giữa tình thương

Gọi “Đoàn Văn công Tây Nguyên”, nhưng thực tế đoàn cũng có nhiều diễn viên các dân tộc khác ngoài Tây Nguyên-ông Siu phích kể. Tuy nhiên, đông nhất vẫn là người Tây Nguyên. Mà trong số đó thì đông nhất lại là người Gia Lai: Nay Quách, Nay Phar, chị Nay Vil, H’Ben, Siu Pơi, Y Dơn, Siu Ken, Kpah Púi, Thảo Giang… Sau này bổ sung thêm Y Brơm, Y Tư, Xuân La… Trưởng đoàn là ông Siu Ken. Hai Phó đoàn là Kpah Púi và nhạc sĩ Nhật Lai. Địa điểm đóng quân của đoàn lúc đầu ở trại Mai Hồ, đến năm 1962 chuyển về khu văn công ở Cầu Giấy (Hà Nội) chung với Đoàn Ca múa miền Nam và Đoàn Ca múa Trung ương. Rời rừng núi ra phố thị, giờ thấy điều gì cũng lạ lẫm. Cuộc sống tập thể, kỷ luật với những người vốn sống tự do, phóng khoáng cũng không dễ dàng gì, nhưng rồi lâu cũng thành quen. Sự gian khổ đáng kể hơn là những chuyến lưu diễn. Các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc hầu hết đều mòn gót chúng tôi. Đường sá hiểm trở, chênh vênh như đi trên mây. Nhiều quãng ngồi trên xe tải nhìn xuống vực sâu hun hút mà lạnh cả gáy. Đến huyện đường hết, lương thực, đạo cụ phải chất lên vai cõng bộ. Điện không có, nhiều lúc phải “hát chay”. Có những khu vực dân cư thưa thớt, diễn viên còn đông hơn khán giả. Đêm diễn, ngày phải lo học văn hóa. Anh chị em bấy giờ hầu hết chữ nghĩa còn bập bõm. Để việc học không bị gián đoạn, Bộ Văn hóa cử ông Trúc Cương đi theo đoàn làm giáo viên. Đến địa điểm biểu diễn nào, ổn định xong chỗ ở là lôi ngay giấy vở, phấn bảng ra học… Gian khổ và bận rộn thế nhưng mỗi chuyến đi diễn vẫn là một niềm vui. Trong bối cảnh đời sống tinh thần rất thiếu thốn, đi đến đâu anh chị em cũng được đồng bào quý mến như người thân. Đặc biệt là với bộ đội. “Bộ đội mà gặp văn công/như cá gặp nước, như rồng gặp mây”-câu ca thời ấy thật không quá. Họ nhường nhịn, chăm chút cho anh chị em đủ thứ. Sức thu hút của đoàn chinh phục được cả bọn thổ phỉ. Ở Hà Giang sau này ta bắt được một tốp phỉ, chúng khai rằng, một lần đoàn lên diễn, chúng đã toan ném lựu đạn lên sân khấu, sau thấy chị H’Ben mặc trang phục dân tộc, hát hay quá nên mải nghe rồi thôi.

Đoàn Ca múa Quân giải phóng miền Nam lưu diễn tại Lahabana (Cuba) 1968 (ảnh tư liệu).

Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả vẫn là tình thương mến của Bác Hồ dành cho đoàn-ông Siu Phích ngừng lại một thoáng, chừng như để nén sự xúc động rồi kể tiếp. Có thể nói anh chị em diễn viên Đoàn Văn công Tây Nguyên là nguồn tình cảm thân thương nhất mà Bác luôn dành cho. Những dịp các vị khách quý đến thăm Bác như vợ chồng Luật sư Loseby, Tổng thống Indonesia Sukarno hay lãnh đạo khối các nước xã hội chủ nghĩa, Bác đều cho gọi anh chị em đến biểu diễn. Mỗi lần biểu diễn cho Bác xem là mỗi kỷ niệm, sự cảm nhận về tấm lòng thương yêu trời biển mà Người dành cho. Xin kể một kỷ niệm như thế. Hôm đó, đoàn biểu diễn cho Bác xem tại Phủ Chủ tịch. Đang cao hứng, một người sơ ý vướng vào lọ hoa để trên bàn. Lọ hoa rơi xuống nền nhà vỡ tan. Mọi người sững lại lo sợ, nhưng Bác đã xua tay: “Các cháu cứ tiếp tục đi. Lọ hoa vỡ thì ta mua lọ khác. Một tiết mục hay như thế không thể ngừng”. Xong buổi biểu diễn, Bác mời anh chị em ăn kẹo. Các diễn viên vui vẻ xúm quanh Bác thì bỗng Bác bảo: “Các cháu khoan ăn, hãy nhìn và làm theo Bác đây”. Thấy Bác lấy ít kẹo và thuốc lá cho vào túi, mọi người ngạc nhiên không hiểu ra sao, rụt rè làm theo. Nhìn khắp lượt chờ mọi người thực hiện xong, Bác cười: “Bây giờ thì các cháu ngồi xuống ăn kẹo, hút thuốc tự nhiên đi. Vừa rồi Bác bảo các cháu làm như vậy để làm gì, các cháu biết không?”. Mọi người vẫn chưa hiểu, Bác bảo: “Các cháu đến thăm Bác, biểu diễn văn nghệ cho Bác xem, lúc về lỡ bạn bè hỏi: “Vào biểu diễn cho Bác có quà gì không” thì các cháu trả lời sao?”. Mọi người lúc bấy giờ mới hiểu ra… Rồi Bác hỏi thăm sức khỏe, gia đình, điều kiện ăn ở của từng người. Ai cũng rơm rớm nước mắt bởi tấm lòng yêu thương mênh mông như biển trời của Bác.

Những lần được biểu diễn phục vụ Bác không chỉ mang lại cho cuộc đời chúng tôi những giá trị tinh thần lớn lao mà còn cho chúng tôi nhiều bài học thấm thía về nghề nghiệp: Kho tàng nghệ thuật của Nhân dân là mạch nguồn không bao giờ vơi cạn với người nghệ sĩ. Nghệ thuật chỉ đạt tới sức sống lâu bền khi cắm rễ được vào mạch nguồn vô tận ấy.

Vạn lý trình trên đất bạn

Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt. Để tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, Bộ Văn hóa thành lập “Đoàn Ca múa quân giải phóng miền Nam” với thành phần là diễn viên ưu tú của các đoàn nghệ thuật để lên đường lưu diễn. Đoàn Văn công Tây Nguyên có 4 diễn viên vinh dự được chọn: Siu Phích, Nay Phar, H’Ben và Siu Ly.

Mang sứ mệnh cao cả đó, chúng tôi được chăm lo rất chu đáo-ông Siu Phích nhớ lại. Sau khi tập trung về Câu lạc bộ Thống nhất để học nội quy và tập dượt chương trình, đoàn được vào biểu diễn chào Bác Hồ trước lúc lên đường. Mắt Bác ánh lên khi nhìn đoàn quân nghệ thuật hùng dũng trong những bộ trang phục quân giải phóng miền Nam. Năm đó, sức khỏe của Bác đã suy giảm. Dường như linh tính sẽ không còn gặp lại anh chị em nữa, Bác nhờ Bác Tôn đi tiễn và lệnh cho Bộ Giao thông-Vận tải trực điện thoại. Đoàn đến đâu phải báo cáo để Bác biết.

Chúng tôi sang Trung Quốc ở lại một thời gian để tập huấn thêm rồi lên tàu hỏa đi Liên Xô. Từ Liên Xô, đoàn được bạn đưa đến Cuba bằng máy bay. Đấy là chuyến biểu diễn đầu tiên trong lịch trình của chúng tôi và cũng là chuyến biểu diễn ấn tượng nhất. Với tấm lòng kính trọng và yếu mến sẵn có đối với Nhân dân Việt Nam, bạn coi đoàn như thể báu vật. Mỗi lần đoàn di chuyển đến đâu, bạn lại cho đoàn mô tô hộ tống hai bên như với nguyên thủ quốc gia. Suốt gần 2 tháng, buổi biểu diễn nào, bạn cũng đến xem chật cứng nhà hát. Đích thân Chủ tịch Fidel Castro cũng đến xem cổ vũ đoàn. Bài hát “Guantanamera” nhiều người biết bây giờ, chính là do anh chị em mang về trong lần lưu diễn ấy. Đó cũng như là một sự đền đáp tình cảm nhiệt thành hết mực mà bạn dành cho đoàn.

Sau Cuba, đoàn tiếp tục chuyến lưu diễn tại Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu rồi quay về biểu diễn tại Trung Quốc, Triều Tiên. Chuyến đi kéo dài gần 1 năm trời. Đến nước nào, đoàn cũng được chào đón và quan tâm rất mực. Để đáp lại tình cảm đó, anh chị em đã biểu diễn hết mình và thực sự đã chinh phục được khán giả. Với bài hát mở đầu chương trình bao giờ cũng là “Giải phóng miền Nam” hùng tráng, nhiều nơi khán giả đã đứng hết dậy vì tưởng đó là Quốc ca của ta! Rồi những “Thời thanh niên sôi nổi”, “Cuộc sống-ta mến yêu người” được hát bằng tiếng Nga do tốp ca nam với những giọng ca bậc nhất bấy giờ như: Quang Hưng, Quang Thắng, Dương Phú… đã được hoan nghênh nhiệt liệt.

Đặc biệt là tiết mục độc tấu đàn t’rưng của anh Nay Phar. Lần đầu tiên khán giả Đông Âu mới thấy một nhạc cụ kỳ lạ mà âm thanh cũng kỳ lạ đến thế. Nhiều nơi, anh Nay Phar phải biểu diễn lại theo yêu cầu đến hai, ba lần. “Người Việt Nam rất giỏi, rất thông minh”-không ít lần chúng tôi đã nghe khán giả bạn khen ngợi thế. Một kỷ niệm đáng nhớ là lúc quay về biểu diễn ở Triều Tiên. Là người ham học hỏi, anh Nay Phar đã mày mò học cách chơi trống bạn. Đến xem đoàn biểu diễn, lúc bắt tay chào, Chủ tịch Kim Nhật Thành hỏi anh Nay Phar: “Trống Triều Tiên rất khó, anh học trong bao lâu?”. Nay Phar trả lời: “Thưa, học một ngày không kịp thở”. Chủ tịch bảo: “Thông thường, người Triều muốn thành thạo phải học 3 tháng. Người Việt Nam thông minh như thế, chắc chắn là thắng Mỹ rồi!”.

Năm 1977, Đoàn Văn công Tây Nguyên được trở về phục vụ quê hương sau hơn 20 năm đằng đẵng nhớ mong. Trước đó, số anh chị em các tỉnh khác đã xin chuyển về quê. Đoàn được sáp nhập với Đoàn Văn công Gia Lai-Kon Tum với cái tên mới: Đoàn Nghệ thuật Đam San. Dù vẫn vai trò nòng cốt nhưng với những người như Siu Phích, cái tên mới như có vẻ giãn cách đi một thời dấn thân đầy sôi nổi, hào hùng của một thế hệ nghệ sĩ…

Và tôi hiểu tâm sự ấy của người nghệ sĩ già.

NGỌC TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202205/doan-van-cong-tay-nguyen-mot-thoi-tren-dat-bac-5777465/