"Đoạn trường" phá án

Nếu như ở miền xuôi, đặc biệt là ở các thành phố lớn mỗi khi vụ án xảy ra thì chỉ vài giờ, cùng lắm 1-2 ngày là các chiến sĩ Công an có mặt, tiến hành bảo vệ hiện trường đồng thời truy bắt đối tượng gây án. Tuy nhiên, với lực lượng chống tội phạm ở vùng cao thì chuyện hành quân hàng tuần liền mới tới được hiện trường xảy ra vụ án chỉ là... chuyện thường ngày ở huyện.

Có án là lên đường cùng gạo, mắm... Thượng tá Nguyễn Đình Du, Trưởng phòng PC14 Công an tỉnh Điện Biên - người đã có tới 32 năm phục vụ trong lực lượng Công an ở vùng cao Tây Bắc này (trước đây là tỉnh Lai Châu) - có vẻ mặt hiền từ như một thầy giáo làng. Ông có cả một kho chuyện về những vụ án kỳ lạ ở vùng cao. Ông tâm sự: Thực ra, những vụ án xảy ra ở Điện Biên, Lai Châu chủ yếu mang tính bột phát, không có dạng băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen, bảo kê... như miền xuôi. Nhiều vụ là do trình độ văn hóa còn hạn chế của bà con. Thế nên, tính chất khó khăn phức tạp và mức độ ác liệt so với các tỉnh miền xuôi thì không bằng. Song xét về mặt quãng đường di chuyển để tiếp cận hiện trường, công tác xác minh bảo vệ hiện trường thì lại vượt xa sự tưởng tượng của nhiều người. Chỉ cách đây vài năm, hễ khi có án xảy ra ở các huyện như Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ... là lực lượng chống tội phạm về TTXH của Công an tỉnh lập tức phải chuẩn bị balô con cóc ngoài tư trang hành lý còn phải mang theo cả lương khô, gạo, mắm... Có anh cẩn thận thì mang theo cả bát đũa... để lên đường đánh án. Có những vụ án, chỉ riêng quãng đường di chuyển từ đơn vị cho tới hiện trường cũng phải mất... cả tuần lễ. Nguyên do là đường sá đi lại quá khó khăn. Đường ôtô hầu như chỉ đi được đến trung tâm huyện. Muốn vào xã thì phải thuê xe ôm hoặc mượn xe máy của đồng bào. Nhiều đoạn đường chỉ dành cho... trâu bò đi, xe máy không đi vào được thì đành phải cuốc bộ. Có những khi trời mưa, đường bị sạt lở khiến cho việc đi lại càng trở nên khó khăn gấp bội. Thế nên mới có chuyện đi bộ còn nhanh hơn cả đi... ôtô. Câu chuyện này tôi được nghe từ chính Thiếu tướng Đậu Quang Chín - Anh hùng Lực lượng VTND, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên. Đó là thời kỳ đồng chí Chín còn là Trưởng Công an huyện Tủa Chùa. Công an Điện Biên lội rừng phá án. Một bữa nọ, anh Quang Đệ (cán bộ Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh Điện Biên) lên đây công tác và được Công an huyện tặng một con lợn giống hơn chục kilôgam. Đệ mới sang bên UBND huyện, xin đi nhờ xe để chở con lợn về nhà. Song xe lúc ấy đã quá chật, không thể nhét nổi cả người lẫn lợn nữa. Thế là anh Đệ cho lợn vào gùi, cõng sau lưng; còn balô đeo trước ngực. Khi chiếc xe U-oát khởi hành về thị xã thì Đệ cũng cắt rừng đi về. Từ Tủa Chùa về đến nhà Đệ là khoảng 30km (đường tắt) anh đi hết gần một ngày. Về tới nhà (thị xã Mường Lay - tỉnh lị Lai Châu hồi ấy) Đệ nghe tin chiếc xe U-oát kia vẫn đang nằm trên đỉnh đèo Clavo. Anh thở phào: "May quá, cố đi theo ôtô thì khéo... mất toi con lợn giống!". Và con đường anh Đệ cõng lợn về nhà cũng chính là quãng đường mà hàng ngàn, hàng vạn lượt CBCS Công an tỉnh Điện Biên đã từng đi mòn giày, mòn dép để làm nhiệm vụ suốt vài chục năm qua. Trở lại câu chuyện với Thượng tá Du, một trong hàng trăm vụ án mà ông cùng đồng đội phải lên đường cùng gạo, mắm là vụ án xảy ra vào năm 2003 ở huyện Mường Nhé. Khoảng tháng 4/2003 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh nhận được điện báo của Đồn Biên phòng 409 cho biết khoảng 23h ngày 9/4/2003, tổ công tác 184 của huyện Mường Nhé đang làm nhiệm vụ tại bản Huổi Chạ, xã Mường Nhé báo cho Đồn về một án mạng vừa xảy ra tại đây. Ông Giàng Chá Phía (trú tại bản Huổi Chạ) cho biết, con trai của ông là Giàng A Chung (10 tuổi) đã bị chết cùng ngày, sau khi đi chăn trâu. Thượng tá Du cùng tổ công tác PC14, một số giám định viên, bác sĩ của Phòng Kỹ thuật hình sự sau khi được lệnh của Ban Giám đốc đã lập tức lên đường phá án. Thời kỳ ấy, mỗi khi nghe đến Mường Nhé là người dân ở Điện Biên ai cũng lắc đầu lè lưỡi, vì nó quá xa xôi hiểm trở. Ôtô của Công an tỉnh chỉ đưa được đoàn công tác đi quá được huyện lị một chút. Còn sau đó thì đều phải nhờ vào... "xe của bộ" (đôi chân mình). Sau khi cuốc bộ hàng ngày trời mới tới được đồn biên phòng, việc đầu tiên là phải lo ổn định nơi ăn chốn ở thì mới có thể làm việc được. Thượng tá Du "điều đình" với Đồn biên phòng cho tá túc ít bữa. May quá, anh Đạt - Đồn trưởng Đồn biên phòng thông cảm với anh em lính tráng, nên cũng sắp xếp được chỗ ở tạm. Tuy nhiên, Đồn cũng nghèo xác xơ nên lương thực thực phẩm rất thiếu thốn. Xác định xuống bản là phải nhờ dân rồi, nhưng đúng vào đợt đoàn công tác Công an tỉnh xuống phá án cũng là dịp có một đoàn công tác khác xuống dân. Và không hiểu vì lý do gì mà nhân dân trong vùng không ưa đoàn này, nên đã... ghét lây sang đoàn của công an. Anh em sau những ngày lăn lộn điều tra, lấy lời khai, trinh sát... muốn ăn một bữa cơm có rau, có thịt song xin thì dân không cho, mua dân cũng kiên quyết... không bán. Thế là, anh em không ai bảo ai đành phải người xuống suối bắt cá, kẻ lên rừng hái rau về "cải thiện". Ròng rã suốt hai tháng trời, vụ án mới dần dần sáng tỏ. Đối tượng giết cháu Chung là tên Hờ A Thề (33 tuổi, người cùng bản). Nguyên do là ngày 9/4, Chung đang chăn trâu thì gặp Thề đi ngang qua. Sẵn có mâu thuẫn trước, Chung chửi Thề khiến anh này nổi điên, cướp lấy con dao mà Chung đang cầm và đâm chết cháu. Vụ án phá xong thì nhiều CBCS cũng trở thành... thợ bắt cá. Có anh còn tranh thủ mang được cả... xâu cá khô về cho vợ, con!

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2010/6/72635.cand