Đoàn múa lân Hằng Anh Đường và hành trình 40 năm cưu mang trẻ cơ nhỡ

Phong trào biểu diễn lân – sư – rồng ngày càng chuyên nghiệp hóa, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được rất nhiều bạn trẻ tham gia. Để có được kết quả này, là sự hy sinh thầm lặng của nhiều nghệ nhân múa lân, trong đó, phải kể đến đoàn nghệ thuật lân sư rồng Hằng Anh Đường. Đây cũng là nơi cưu mang, dạy nghề cho trẻ em cơ nhỡ trong suốt gần 40 năm qua.

Nghề múa lân, từ lâu chịu định kiến là công việc “kiếm tiền đường phố”. Thế nhưng, đằng sau đó còn là câu chuyện nhân văn, đượm tình người, khi đoàn lân cũng là chính mái ấm cưu mang trẻ cơ nhỡ.

Em Phan Tấn Tài, 13 tuổi, nhưng đá có 3 năm theo đoàn nghệ thuật Lân – Sư – Rồng Hằng Anh Đường. Gia cảnh khó khăn, người thân gửi em vào đây, xem như em bước vào đời sớm hơn bạn bè cùng trang lứa.

Em PHAN TẤN TÀI
VĐV Đoàn nghệ thuật Lân – Sư – Rồng Hằng Anh Đường TPHCM
“Ba mẹ cực khổ đi làm nuôi em vất vả, dì của em đưa em vào đội lân Hằng Anh Đường cho em tập luyện. Ở đây anh em hòa đồng, vui vẻ, tập luyện rất vui vẻ. Tập ngày tập đêm rất là khó nhưng được kỷ luật như vậy thì tụi em nên người.”
Không chỉ em Phan Tấn Tài, mà gần 40 năm qua, Hằng Anh Đường đã tập trung, cưu mang, dạy chữ, dạy nghề cho hàng ngàn phận người trôi nổi. Mỗi người mỗi tính, quan trọng là Hằng Anh Đường đã định hướng được tương lai, hay chí ít là dạy nghề cho những hoàn cảnh cơ nhỡ.

Anh ĐOÀN THANH QUYỀN
Phó Đoàn nghệ thuật Lân – Sư – Rồng Hằng Anh Đường TPHCM
“Thường thì những em không có gia đình thì rất khó để mình chỉ dạy nhưng mình phải cố gắng chỉ dạy các em, từ cách sống, nề nếp và đạo đức con người là quan trọng nhất.”

Là người lèo lái đoàn Nghệ thuật Lân – Sư – Rồng trong suốt 4 thập kỷ qua, người thầy, cũng là người cha chung của hàng ngàn đứa trẻ đường phố - Nghệ nhân nhân dân Lương Tấn Hằng. Ông cũng là người “giữ lửa” và “truyền lửa” để phát triển nghệ thuật múa Lân Sư Rồng theo hướng chuyên nghiệp.

Nghệ nhân nhân dân LƯƠNG TẤN HẰNG
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lân – Sư – Rồng TPHCM
“Sau dịch bệnh này hết sức khó khăn. Luôn luôn, Hằng Anh Đường có nguồn để đào tạo thế hệ sau, lúc đó, những trẻ em mồ côi lang thang đường phố, đi quậy phá trong làng xóm thì mình kêu gọi về hết để tạo cho họ một cái nghề để họ thấy rằng mình không phải là người lang thang đường phố đi quậy phá nữa, mà họ là người được coi trọng vì họ là nghệ nhân, nghệ sĩ đi phục vụ cho công chúng xem, chứ không phải mình hoàn toàn không điều kiện là tuyệt vọng cho tương lai của mình.”

Nghệ nhân Lương Tấn Hằng liên tục tìm tòi, sáng tạo ra những bài biểu diễn mới và lồng ghép, truyền tải văn hóa dân tộc vào trong nhiều tiết mục. Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hạnh phúc của người nghệ nhân nhân dân là chứng kiến nhiều thế hệ trẻ được mình cưu mang trưởng thành, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, mang niềm vui đến cho mọi người, nhất là trong những dịp lễ, tết.

Thực hiện : Hoàng Nhân Phạm Quyền

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/doan-mua-lan-hang-anh-duong-va-hanh-trinh-40-nam-cuu-mang-tre-co-nho