Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự Hội thảo về di sản Phật giáo Gandhara tại Pakistan

Tham dự Hội thảo và các cuộc làm việc, trao đổi, đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chuyển tải thông điệp về tự do, hòa hợp tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có Phật giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Pakistan gặp và làm việc với Quốc Vụ khanh, Chủ tịch Nhóm đặc trách của Thủ tướng Pakistan về phát triển di sản Gandhara,Tiến sĩ Ramesh Kumar Vankwani.

Từ ngày 10-14/7, Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Đức Thiện - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam dẫn đầu đã tham dự Hội thảo “Ngoại giao Văn hóa: Phục hồi nền văn minh Gandhara và Di sản Phật giáo ở Pakistan”.

Hội thảo được tổ chức bởi Nhóm đặc trách của Thủ tướng Pakistan về phát triển di sản Phật giáo Gandhara, Bộ Hòa hợp Tôn giáo và Cơ quan Hợp tác và phát triển du lịch Pakistan.

Tham dự Hội thảo có các vị Cao Tăng đại diện Giáo hội Phật giáo, nhà nghiên cứu di sản văn hóa từ Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Nepal, Hàn Quốc, Sri Lanka và Myanmar.

Hội thảo được bảo trợ bởi Tổng thống và Thủ tướng Pakistan với mục tiêu thông qua những di sản Phật giáo Gandhara thúc đẩy du lịch tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa nhằm khai thác tiềm năng 500 triệu khách du lịch Phật giáo tại Châu Á và thế giới.

Hội thảo cũng gửi đi thông điệp của Pakistan – quốc gia Hồi giáo lớn thứ hai trên thế giới, về hòa hợp tôn giáo, cùng chung sống hòa bình vì mục tiêu phát triển và thịnh vượng.

Văn minh Gandhara hay còn gọi là Văn minh Phật giáo Gandhara được hình thành từ thế kỷ thứ IX trước Công nguyên, là một phần của nền văn minh Tiểu lục địa Ấn Độ cổ đại, là nơi đạo Phật được phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử với sự ra đời, hình thành, phát triển các giáo lý cơ bản của Đạo Phật nguyên thủy.

Đoàn gặp và làm việc với Bộ trưởng Liên bang về Hòa hợp Tôn giáo, Thượng Nghị sĩ Taiha Mahmood.

Cùng những công trình Phật giáo, chùa chiền được xây dựng khắp nơi dưới thời đế chế A Dục – Asoka (từ năm 273 đến 232 trước Công Nguyên) nay đã trở thành di sản tôn giáo, Phật giáo được UNESCO công nhận, đặc biệt là khu di tích Phật giáo tại Taxila của Pakistan hiện đang gìn giữ xá lợi vô cùng quý báu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Taxila của Pakistan hiện nay cũng là địa danh Tây Phương Cực lạc nơi các nhà sư Trung Quốc, đặc biệt là nhà sư Đường Huyền Trang thời Đường đến thỉnh kinh vào năm 647.

Đoàn dự họp báo với Quốc Vụ Khanh, Chủ tịch Nhóm đặc trách của Thủ tướng Pakistan về phát triển di sản Gandhara, Tiến sĩ Ramesh Kumar Vankwani.

Đây là lần đầu tiên một đoàn Phật giáo của Việt Nam chính thức thăm và làm việc tại Pakistan. Trong khuôn khổ Hội thảo, Đoàn Việt Nam đã có các hoạt động giao lưu, trao đổi cùng Đoàn Giáo Hội Phật giáo các nước và dự cuộc gặp với Tổng thống Pakistan.

Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Pakistan còn có buổi làm việc với Bộ trưởng Liên bang về Hòa hợp Tôn giáo, Thượng Nghị sĩ Taiha Mahmood và Quốc vụ khanh, Chủ tịch Nhóm đặc trách của Thủ tướng Pakistan về phát triển di sản Phật giáo Gandhara, Tiến sĩ Ramesh Kumar Vankwani.

Đoàn thăm quan Bảo tàng Islamabad, nơi hiện đang lưu giữ nhiều di sản của nền văn minh Phật giáo Gandhara.

Phát biểu tại Hội thảo cũng như trao đổi với lãnh đạo Pakistan tại các cuộc gặp, làm việc, Thượng tọa Thích Đức Thiện và Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chuyển tải thông điệp về chính sách tự do, hòa hợp tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có Phật giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, luôn sát cánh đồng hành cùng dân tộc, đóng góp to lớn vào công cuộc dựng nước, giữ nước, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công bằng, văn minh, phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Hồng Quang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doan-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-du-hoi-thao-ve-di-san-phat-giao-gandhara-tai-pakistan-234983.html