Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang

Sáng 9.4, Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023' của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cùng Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang

Tham dự có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân; đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện lãnh đạo Thanh tra Cục Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Cảnh sát giao thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang; Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Kiên Giang...

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu tại buổi làm việc

Cần xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông

Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có địa hình đa dạng, diện tích tự nhiên hơn 6.3km2, dân số hơn 1,8 triệu người; tỉnh có 12 huyện, 3 thành phố, với mạng lưới giao thông thủy, bộ và hàng không. Kiên Giang có hơn 12.200km đường bộ, có 5 quốc lộ; đường thủy dài hơn 1.500km, hơn 200km đường biển.

Thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp; đồng thời có sơ kết, tổng kết để phân tích, đánh giá những mặt làm được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân, từ đó đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc trên tinh thần trách nhiệm cao trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh báo cáo với Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh

Tuy nhiên, từ tháng 7.2009 đến năm 2023, toàn tỉnh xảy ra đã xảy ra 3.124 vụ, làm chết 1.663 người, làm bị thương 2.625 người. Đặc biệt giai đoạn năm 2014 đến 2018, số người chết do tai nạn giao thông hàng năm trên 100 người; nhưng với những giải pháp phù hợp, thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Kiên Giang đã kéo giảm số người chết dưới 100 người giai đoạn từ năm 2019 đến nay.

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, nhằm răn đe và giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, trường hợp vi phạm giao thông vẫn còn cao, ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa chuyển biến.

Cụ thể, lĩnh vực đường bộ, Cảnh sát giao thông toàn tỉnh lập biên bản 424.115 trường hợp, tạm giữ 242.389 phương tiện, tước 44.744 Giấy phép lái xe, nộp Kho bạc nhà nước 498,156 tỷ đồng; Thanh tra sở giao thông vận tải lập biên bản 7.044 trường hợp, tước 2.275 Giấy phép lái xe, số tiền xử phạt 20,286 tỷ đồng.

Các thành viên trong Đoàn giám sát làm việc với tỉnh Kiên Giang

Lĩnh vực đường thủy nội địa, Cảnh sát giao thông toàn tỉnh lập biên bản 2.645 trường hợp, nộp Kho bạc nhà nước 3 tỷ đồng; Thanh tra Sở Giao thông Vận tải lập biên bản 2.043 trường hợp, đình chỉ phương tiện thủy 34 trường hợp, đình chỉ bến thủy 18 trường hợp, số tiền xử phạt 5,438 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến số vụ tai nạn giao thông còn cao là do các tuyến quốc lộ qua địa bàn còn nhỏ, hẹp, quy mô chưa đạt chuẩn; việc ứng dụng công nghệ trong xử lý vi phạm còn hạn chế. Đặc biệt là ý thức chấp hành luật về giao thông đường bộ của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhìn nhận, một số địa phương chưa kiên quyết trong xử lý lấn chiếm hàng lang an toàn giao thông, nhất là các điểm họp chợ trên đường, cầu và cổng khu công nghiệp.

Nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng, Kiên Giang cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đến người dân hiệu quả hơn nữa;phát huy vai trò của Ban an toàn giao thông, đồng thời cần đầu tư hạ tầng giao thông; ứng dụng công nghệ trong quản lý và xử phạt, nhất là việc hệ thống giám sát hành trình đang được kết nối với những cơ quan nào và phát huy hiệu quả ra sao, cần có giám sát, đánh giá để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông tại địa phương.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu

Nhiều thành viên Đoàn giám sát cùng quan tâm đến việc địa phương cần phân tích, tìm ra nguyên nhân những vụ tai nạn giao thông xảy ra, nhất là những vụ tai nạn nghiêm trọng hoặc những tuyến đường, “điểm đen” thường xuyên xảy ra tai nạn để có giải pháp hiệu quả trên tinh thần tính mạng con người là trên hết. Đồng thời có những giải pháp hiệu quả ngăn chặn hành vi lấn chiếm hành lang đường, hành lang đường thủy, họp chợ trên cầu, khu công nghiệp,…

Là địa phương có địa hình đặc biệt, Kiên Giang cần có kế hoạch bài bản đầu tư hạ tầng giao thông cũng như công tác quản lý về trật tự an toàn giao thông tại những thành phố phát triển nhanh, như: TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên, TP. Rạch Giá.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành phát biểu

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng, thời gian qua địa phương rất quan tâm đến hạ tầng giao thông, tuy nhiên do nguồn lực tài chính địa phương, trung ương có hạn nên khoảng 5-10 năm nay mới được đầu tư, nhưng thực tại vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, theo truyền thống, người dân tập trung sống ven sông, ven đường nên việc xử lý hành vi bao chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy khó khăn.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đầu tư hạ tầng giao thông, hoàn thiện gắn biển báo, biển cấm; đặt hệ thống giám sát giao thông, tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn giao thông đến người dân thực chất, hiệu quả; từng bước nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân, đơn vị kinh doanh vận tải để kéo giảm số vụ, số người tử vong vì tai nạn giao thông; song song đó là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông.

Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới ghi nhận và đánh giá cao những mặt làm được của Kiên Giang trong công tác thực thi pháp luật về bảo đảm an toàn, trật tự giao thông giai đoạn 2009 đến 2023. Để công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tốt hơn nữa, Kiên Giang cần tập trung rà soát các văn bản thực hiện để có những kiến nghị phù hợp với địa hình, văn hóa của địa phương; đặc biệt chú tâm phân tích số liệu, nguyên nhân xảy ra tai nạn, từ đó có những giải pháp phù hợp, hiệu quả, kéo giảm tình trạng xảy ra tai nạn giao thông. Chú tâm vào công tác giao thông nông thôn, giao thông biên giới; công tác phối hợp giữa các lực lượng, ngành chức năng trong công tác quản lý về trật tự an toàn giao thông; quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh Đoàn ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Kiên Giang và sẽ có tổng hợp, phản ánh đầy đủ đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương để có giải pháp về những vấn đề này. Đồng thời, mong muốn Kiên Giang tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho; thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhằm phục vụ tốt nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/doan-giam-sat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-lam-viec-voi-ubnd-tinh-kien-giang-i365826/