ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND HUYỆN CẦN GIỜ, TP. HỒ CHÍ MINH

Chiều 16/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông' đã làm việc với UBND huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ chủ trì cuộc làm việc.

GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA: BẢO ĐẢM ĐÁP ỨNG ĐỦ SỐ LƯỢNG GIÁO VIÊN DẠY HỌC

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ phát biểu

Cần Giờ là huyện ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh, có tổng diện tích tự nhiên 71.361 ha, chiếm 1/3 diện tích thành phố, trong đó có trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch; có 36 cơ sở giáo dục trực thuộc.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giờ Võ Thị Diễm Phượng cho biết, huyện đã ban hành các văn bản tổ chức thực hiện đảm bảo đúng yêu cầu; việc triển khai đến các cơ sở một cách linh hoạt thông qua nhiều cách thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Chủ động trong công tác bồi dưỡng nhân lực đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn; đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học, trung học cơ sở có sự năng động trong việc tìm giải pháp nâng cao trình độ, tay nghề đội ngũ giáo viên qua thao giảng, chuyên đề, sinh hoạt tổ chuyên môn; kịp thời giải quyết những khó khăn khi thực hiện; tranh thủ được sự ủng hộ, đồng thuận của cha mẹ học sinh, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để từng bước tiếp cận, triển khai thực hiện chương trình đạt chất lượng, hiệu quả.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức phát biểu

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình mới trong thời gian dịch Covid-19 nên huyện gặp khó khăn trong công tác tập huấn giáo viên, phát hành sách giáo khoa. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, một số đơn vị thiếu giáo viên. Một số phòng học và phòng chức năng đã xuống cấp, trong đó có các phòng dạy tin học khiến việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn gặp khó khăn.

Trong quá trình thực hiện, giáo viên nhà trường được điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Đây là điểm mới, giao quyền và trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường nhiều hơn. Tuy nhiên, một số giáo viên còn lúng túng, chưa mạnh dạn thực hiện, vẫn theo cách cũ. Một số giáo viên lớn tuổi nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy trực tuyến, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực đôi lúc còn lúng túng, hạn chế.

Các giáo viên trên địa bàn huyện Cần Giờ chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai chương trình mới

Huyện Cần Giờ kiến nghị cần có thêm các chính sách ưu đãi đối với giáo viên tiểu học dạy học 2 buổi/ngày khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (do áp lực công việc, bất cập về các quy định không thu học phí đối với giáo dục tiểu học, tình trạng thu nhập của giáo viên mới tuyển dụng còn thấp); có chính sách thu hút đối với giáo viên của một số bộ môn hiện nay đang thiếu như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Bên cạnh đó, cần tổ chức thêm các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên cấp trung học cơ sở giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các môn tích hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp). Có chủ trương cấp kinh phí sửa chữa, bảo trì trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Cần Giờ trong dịp hè hàng năm để chuẩn bị tốt cho năm học mới.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND huyện Cần Giờ

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ đánh giá cao báo cáo của huyện Cần Giờ đã nêu bật những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đoàn giám sát cũng đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo huyện đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Huyện đã bám sát hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên của huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo để khắc phục những khó khăn, tồn tại.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị huyện Cần Giờ hoàn thiện thêm báo cáo theo yêu cầu của các thành viên Đoàn giám sát. Những chia sẻ, kinh nghiệm của huyện Cần Giờ là thông tin quan trọng để Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

* Cùng ngày, các đoàn công tác của Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp, Trường THCS Trần Quang Khải, Trường tiểu học Bình Phước, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cần Giờ và làm việc với UBND Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74085