Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Sóc Trăng

Ngày 20.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 52/ 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông', do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ làm Trưởng đoàn đã làm việc tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

Không để học sinh thiếu sách giáo khoa

Thị xã Vĩnh Châu có diện tích tự nhiên là 47.313,32 ha, nằm ở cuối lưu vực sông Hậu, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dân số của thị xã khoảng hơn 187 nghìn người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 29,21%, dân tộc Hoa chiếm 17,82 % và dân tộc Khmer chiếm 52,96%.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu từ năm học 2015-2016, UBND thị xã đã chỉ đạo ngành giáo dục đổi mới phương pháp dạy học, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, như tăng cường các hoạt động thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh; điều chỉnh nội dung, yêu cầu các môn học và các hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, bảo đảm vừa sức, phù hợp với đối tượng học sinh, thời gian thực tế và điều kiện dạy học của nhà trường trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng để học sinh tự học. Cùng với đó, nhà trường cũng đổi mới nội dung và cách thức sinh hoạt chuyên môn cấp tổ, cấp trường, cụm trường, tạo tiền đề chuẩn bị áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Song song với việc đổi mới phương pháp dạy học, sinh hoạt chuyên môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã đã sắp xếp lại mạng lưới trường để tạo điều kiện tốt cho việc quản lý và triển khai các hoạt động giáo dục, nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ cho các nhà trường. Giai đoạn 2014-2020, ngành giáo dục thị xã đã có những đổi mới và chuyển biến tích cực. Trường, lớp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đoàn công tác khảo sát thực tế tại trường THCS Vĩnh Hiệp

Đoàn công tác khảo sát thực tế tại trường THCS Vĩnh Hiệp

Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã chủ động tham mưu và triển khai các văn bản hướng dẫn kịp thời trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến, truyền thông sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương của Đảng và Nhà nước để chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp cận các văn bản chỉ đạo ngay khi có Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học.

Mạng lưới trường, lớp học được sửa chữa, đầu tư xây dựng mới, sắp xếp tinh gọn, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học và hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, việc xây dựng ưu tiên trường đạt chuẩn quốc gia. 100% cán bộ quản lý, giáo viên đều được tập huấn đầy đủ. Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng hiệu quả. Các trường đã chủ động, điều chỉnh chương trình dạy học các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với thực tế của đơn vị và khả năng tiếp thu của học sinh.

Thị xã Vĩnh Châu thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo chủ trương xã hội hóa, lựa chọn được những bộ sách giáo khoa phù hợp nhất với đối tượng học sinh trên địa bàn. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách giáo khoa để dùng từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo đảm có đủ sách giáo khoa cho các em ở mọi cấp lớp.

Vẫn còn thiếu trường lớp

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành giáo dục thị xã cũng gặp nhiều khó khăn trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa được đầu tư đồng bộ, còn thiếu nhiều so với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Việc khai thác, sử dụng, bảo quản các trang thiết bị dạy và học một số nơi chưa tốt, hiệu quả chưa cao, chưa khai thác hết công năng của các thiết bị. Nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất quá lớn nên việc đảm bảo cơ sở vật chất theo chuẩn quy định còn chậm, chưa bảo đảm.

Hệ thống cơ sở vật chất trường học hiện nay dù được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới nhưng hầu hết được xây dựng lâu năm trước đây, không đáp ứng yêu cầu. Từ nay đến năm 2025, khi triển khai xong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thị xã sẽ còn thiếu 192 phòng học cấp tiểu học, hầu hết các trường còn thiếu thư viện, hoặc thư viện chưa đạt chuẩn. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của một số trường chưa bám sát các nội dung, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quy trình sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn lúng túng, hiệu quả chưa cao...

Ngành giáo dục thị xã Vĩnh Châu kiến nghị, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Quốc hội, Chính phủ có chính sách hỗ trợ mua sách giáo khoa cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Kiến nghị HĐND, UBND các cấp quan tâm chỉ đạo các ngành cùng phối hợp với ngành giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nâng nhận thức về việc học tập của con em, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. UBND tỉnh quan tâm, ưu tiên bổ sung kinh phí cho thị xã Vĩnh Châu đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất giai đoạn 2021-2025, đáp ứng nhu cầu để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Qua khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3, Trường THCS Vĩnh Hiệp và cuộc làm việc với thị xã Vĩnh Châu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của thầy cô giáo và ngành giáo dục địa phương. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, người dân còn nhiều khó khăn, nhưng thầy cô giáo đã hết sức cố gắng vượt qua và bước đầu thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tinh thần chủ động, triển khai giảng dạy hiệu quả; học sinh hào hứng học tập, thích thú với chương trình và nội dung trong sách giáo khoa.

Ghi nhận sự chủ động của nhà trường và ngành giáo dục thị xã trong triển khai, xây dựng kế hoạch bài giảng với tinh thần tích cực, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục đề nghị lãnh đạo và ngành giáo dục thị xã tiếp tục quan tâm, khắc phục khó khăn, tăng cường công tác chuyên môn của các tổ chuyên môn; nêu rõ các kiến nghị của thị xã Vĩnh Châu sẽ được tổng hợp đầy đủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tin và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/doan-giam-sat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-lam-viec-tai-soc-trang-i319304/