ĐOÀN ĐBQH TỈNH GIA LAI: PHÁT HUY TINH THẦN XÂY DỰNG, DÂN CHỦ, TRÍ TUỆ, THẲNG THẮN, ĐÁP ỨNG KỲ VỌNG CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN TRAO GỬI

Đại biểu Siu Hương – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2023 với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, các đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có 08 đại biểu Quốc hội (04 đại biểu ở Trung ương và 04 đại biểu ở địa phương). Năm 2023, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có nhiều chuyển biến tích cực, công tác tiếp xúc cử tri luôn được đổi mới, tổ chức gặp gỡ tiếp xúc với nhiều thành phần cử tri; công tác giám sát bước đầu đi vào chiều sâu, có hiệu quả, tổ chức nhiều đợt giám sát, khảo sát trên nhiều lĩnh vực. Qua các đợt giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân…, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã chọn lọc nhiều vấn đề, nội dung thiết thực để tham gia góp ý, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và phát huy những thuận lợi để nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất và tham gia nhiều ý kiến phát biểu thảo luận, tranh luận ở nghị trường Quốc hội.

Năm 2023, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có nhiều chuyển biến tích cực

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình như: Tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện rõ quan điểm, chính kiến khi tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; giữ đúng nguyên tắc khi trả lời phỏng vấn và cung cấp thông tin về kỳ họp Quốc hội bảo đảm chính xác, khách quan. Tích cực nghiên cứu, tham gia thảo luận, phát biểu có trách nhiệm, đúng trọng tâm, hiệu quả; tham gia quyết định chính sách, pháp luật, các chủ trương lớn về quốc kế dân sinh và những vấn đề quan trọng của đất nước. Từng đại biểu đã chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, thể hiện ở việc thường xuyên lắng nghe, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh, chuyển kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cấp, các ngành.

Việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn của công dân và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm quy định của pháp luật. Chất lượng và hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực này ngày càng được củng cố, tăng cường, góp phần bảo đảm việc thực hiện đúng đắn chính sách, pháp luật của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức.

Công tác lập pháp: Tham góp ý kiến mang tính khoa học, đảm bảo chất lượng.

Theo đại biểu Siu Hương – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, với vai trò, vị trí của đại biểu Quốc hội, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đều nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật; thường xuyên tiếp xúc với cử tri, lắng nghe, tiếp thu tối đa ý kiến của cử tri và Nhân dân, nhất là các đối tượng chịu sự tác động của các dự án luật; đồng thời, tham vấn chuyên gia, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn sâu về pháp luật để tham gia vào các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại các kỳ họp, bảo đảm khoa học, chất lượng, có tính xây dựng và chuyển tải các ý kiến tham gia đến các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án luật để tiếp thu, giải trình, hoàn thiện, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột, chồng chéo giữa các luật, bảo đảm chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã triển khai việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan góp ý các dự án luật

Trước các kỳ họp Quốc hội, bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã triển khai việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và tham gia góp ý bằng văn bản đối với 01 dự án luật và 01 Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai; 08 dự án luật và 03 nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ năm; 09 dự án luật cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5; 08 dự án luật và 02 nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6; 08 dự án luật cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã tham gia ý kiến đối với các dự án luật, gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có liên quan để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương tích cực tham gia các cuộc họp cho ý kiến các dự án luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia một số hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các dự án luật do cơ quan của Quốc hội tổ chức. Tham dự Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức; Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức; tham dự Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Công an tỉnh để nghe báo cáo kết quả giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; Dự án Luật Căn cước; Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ năm, thứ sáu. Làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh nghe báo cáo một số nội dung lớn của Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu.

Trong các kỳ họp, tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, có khoảng 70 lượt đại biểu phát biểu thảo luận về các nội dung ở tổ và hội trường. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia thảo luận với tinh thần dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn, có tính xây dựng đối với các dự án luật, nghị quyết.

Giám sát đi thẳng vào trọng tâm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Việc xem xét các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các báo cáo khác của các cơ quan có liên quan Tại Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6, việc xem xét báo cáo của các cơ quan được đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, tập trung đánh giá về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục để các cơ quan triển khai thực hiện. Các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực tham gia ý kiến để Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung giải quyết, tạo chuyển biến cơ bản trong việc tổ chức điều hành và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tại các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tích cực tham gia thảo luật, phát biểu ý kiến

Đối với hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề, công tác tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã hoàn thành các nội dung theo chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi các báo cáo giám sát theo yêu cầu của Đoàn giám sát Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm nội dung và tiến độ đề ra.

Trong đó, đối với giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, các thành viên Đoàn giám sát đã tập trung tham gia đóng góp nhiều ý kiến để cuộc giám sát đi thẳng vào trọng tâm, làm rõ được vấn đề, nêu bật được nội dung liên quan đến việc ban hành quy định, tổ chức thực hiện và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu sự giám sát trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tại các buổi làm việc, các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu sự giám sát đã báo cáo, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của Đoàn giám sát và hoàn chỉnh lại báo cáo theo yêu cầu.

Đối với giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành giám sát qua báo cáo. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia Tổ công tác của Đoàn giám sát (vào tháng 7/2023) và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” làm việc tại tỉnh Gia Lai (vào tháng 7/2023).

Về Giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia Tổ công tác của Đoàn giám sát (vào tháng 5/2023) và Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát trực tiếp tại tỉnh về việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (vào tháng 7/2023). Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ động nghiên cứu các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” và làm việc với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh để trao đổi, nắm bắt, thu thập thông tin về việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ trong quá trình thực hiện tại địa phương và đề xuất, kiến nghị các nội dung thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Trung ương.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã nghiên cứu, tổng hợp và tham gia thảo luận các nội dung này trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan xem xét, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, để việc triển khai chương trình đạt kết quả cao, mang lại những giá trị thiết thực, hiệu quả và cuộc sống tốt hơn cho người dân được thụ hưởng chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã thực hiện quyền giám sát tối cao “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện quyền giám sát tối cao “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia thảo luận tại hội trường về những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, kiến nghị một số giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến các nội dung giám sát trong thời gian tới.

Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội “Về việc tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Campuchia” trên địa bàn tỉnh; Đoàn khảo sát của Ủy ban Đối ngoại 03 nước Campuchia - Lào - Việt Nam đến làm việc tại tỉnh Gia Lai; Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội “Việc chấp hành pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện” giám sát tại tỉnh; Đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội “Phục vụ thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự” làm việc tại Quân đoàn 3, Lữ đoàn công binh 280 và Binh đoàn 15; tham gia Đoàn khảo sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội “Phục vụ thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)” làm việc tại tỉnh.

Đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại về thực hiện các điều ước quốc tế vùng biên; và thị sát tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ.

Trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành khảo sát “Việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai” trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, đã tập trung đánh giá làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Qua đó, đã đề nghị các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết thủ tục hành chính và có giải pháp nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn cho Nhân dân. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, bất cập để công tác giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh có hiệu quả hơn trong thời gian tới; kịp thời giải tỏa những bức xúc của Nhân dân, góp phần hạn chế đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan đến thủ tục hành chính về đất đai.

Cùng với đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Qua hoạt động chất vấn cho thấy, việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn đã bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, đều là những nội dung vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Các đại biểu Quốc hội tỉnh đã nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, có tính xây dựng, trách nhiệm cao.

Tại Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6 và Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Các ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội tỉnh đều được cử tri và Nhân dân trong tỉnh đánh giá cao, thể hiện sự đồng tình vì đã chuyển tải một cách trung thực, khách quan những kiến nghị mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Trên cơ sở ý kiến chất vấn xác đáng của đại biểu Quốc hội tỉnh, các bộ trưởng, trưởng ngành đã nghiêm túc tiếp thu và đề ra biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, sớm triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức trách của ngành mình.

Nghiên cứu kỹ lưỡng và tham gia ý kiến vào việc quyết định các vấn đề quan trọng.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, các đại biểu Quốc hội Gia Lai đã tham gia xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội tham gia xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tham gia thảo luận ở tổ và ở hội trường về nội dung bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế về phát triển kinh tế - xã hội..

Tham gia xem xét, quyết định việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia… Các vấn đề quan trọng này tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các đại biểu Quốc hội tỉnh tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng và tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ và ở Hội trường, trước khi xem xét, quyết định thông qua…

Luân phiên đổi địa bàn tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Trước và sau Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phối hợp với cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri tại 16 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, nhiều kiến nghị cử tri đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trả lời ngay tại buổi tiếp xúc cử tri, giải đáp kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của cử tri, tạo sự tin tưởng, đồng thuận đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan ở Trung ương gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, gửi các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri…

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai luân phiên đổi địa bàn tiếp xúc cử tri để mỗi đại biểu trong một nhiệm kỳ đều được đi tiếp xúc cử tri ở nhiều địa điểm, nhiều địa phương, cơ sở

Để bảo đảm chất lượng nội dung kiến nghị cử tri cũng như xác định đúng cơ quan, tổ chức ở Trung ương có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã gửi các nội dung kiến nghị đến các sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan thẩm định nội dung, thẩm quyền trước khi tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhờ đó, chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng lên; các nội dung kiến nghị cử tri được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời đúng trọng tâm, cụ thể.

Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai luân phiên đổi địa bàn tiếp xúc cử tri để mỗi đại biểu trong một nhiệm kỳ đều được đi tiếp xúc cử tri ở nhiều địa điểm, nhiều địa phương, cơ sở. Đặc biệt, các đại biểu thường xuyên lựa chọn tiếp xúc cử tri ở các địa bàn có những vấn đề mà cử tri và Nhân dân đang bức xúc, cần được các đại biểu Quốc hội tỉnh trực tiếp lắng nghe cử tri phản ánh, kiến nghị, tiếp thu, giải thích thỏa đáng cho cử tri.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã sao gửi kịp thời các văn bản trả lời của các bộ, ngành trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp thứ 5 đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí, đăng trên website của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để phổ biến cho cử tri biết, theo dõi các kiến nghị. Đồng thời, tham gia nhận xét, đánh giá việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp thứ tư, thứ năm của các bộ, ngành Trung ương theo đề nghị của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc tiếp công dân; xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân cũng được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện thường xuyên, nền nếp theo đúng quy định của pháp luật; chất lượng và hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực này tiếp tục được nâng cao, góp phần bảo đảm việc thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Về hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Siu Hương – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đã dành toàn bộ thời gian để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Tích cực tham gia các hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tổ chức, đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, nhằm góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, chất lượng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Ngoài việc tham gia các hoạt động chung của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tích cực tham gia vào các hoạt động đối nội, đối ngoại của các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu Quốc hội tỉnh là thành viên, tham gia các hoạt động do Hội Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước tổ chức. Các đại biểu Quốc hội tỉnh luôn giữ mối liên hệ công tác với các cơ quan Trung ương và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tặng 2.000 suất quà cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro, Krông Pa nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Quỹ Thiện Tâm tài trợ. Thăm, tặng quà các hộ gia đình chính sách trên địa bàn các huyện: Phú Thiện, Ia Grai, Đak Pơ. Tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Chư Prông, xã Gào và xã Biển Hồ, thành phố Pleiku nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thăm, chúc tết các tập thể và cá nhân có đóng góp đối với hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Thăm, chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức ngành y nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 tại sở Y tế….

Lan Hương - Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=83649