Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận Luật Tài nguyên nước và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Chiều 5-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang tiếp tục thảo luận góp nhiều ý kiến cho 2 dự án luật này.

GÓP Ý LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu nhất trí với Tờ trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế. Để hoàn thiện dự án luật, các đại biểu đóng góp thêm một số ý kiến đối với những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.

Góp ý tại Điều 1 phạm vi điều chỉnh; Điều 2 đối tượng áp dụng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cơ bản thống nhất với quy định về phạm vi điều chỉnh/đối tượng áp dụng, khoản 4 Điều 2 đã bổ sung quy định “Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ xấu”, tương tự quy định nội dung này quy định tại Điều 1.

Đây là nội dung cụ thể hóa Nghị quyết 42 thí điểm về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm đã được thực hiện thời gian qua và đem lại nhiều kết quả tích cực trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, mở rộng đối tượng được tham gia xử lý, không chỉ có công ty 100% vốn nhà nước như quy định của dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Tại Điều 3 áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng, điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và các luật có liên quan, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị bỏ khoản 1 vì đã được quy định tại phạm vi điều chỉnh/ đối tượng áp dụng (Điều 1, Điều 2); bỏ khoản 3 vì đã được xử lý tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Điều ước quốc tế; bỏ khoản 4 vì đã được quy định tại Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, nguyên tắc áp dụng tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quy định tại khoản 28 người có liên quan, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán đều có giải thích từ ngữ và quy định về “Người có liên quan”, do vậy, đại biểu đề nghị rà soát các quy định hiện hành để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất hệ thống pháp luật.

Quy định tại khoản 2 Điều 10 “Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi”, đại biểu đề nghị để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nhất là trong điều kiện hiện nay, đảm bảo sự tin tưởng của khách hàng, nhất là thời gian vừa qua đã xảy ra tại SCB, vì vậy đề nghị sửa khoản này như sau: “Bảo đảm cho khách hàng gửi và rút tiền, thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi”.

Tại Điều 24 đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ “theo quy định của pháp luật” là rất chung chung, khó áp dụng, đề nghị bổ sung “theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh”.

Tại Chương 1 quy định chung, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, hiện nay dự thảo luật quy định có nhiều khoản, điểm quy định cấm, do vậy đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại, thiết kế 1 điều về các hành vi bị cấm để dễ thực hiện khi luật được ban hành.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Tại Điều 33 những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ, điểm c khoản 1 Điều 33 quy định “Chủ nhiệm và các thành viên Ban quản trị hợp tác xã (HTX) tại thời điểm doanh nghiệp, HTX bị tuyên bố phá sản…”, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại khoản này và các điểm, khoản khác có liên quan đến HTX, vì từ khi Luật HTX năm 2012 ban hành đến nay, cũng như dự án Luật HTX (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này đã thay đổi khái niệm Chủ nhiệm HTX bằng Giám đốc (Tổng Giám đốc), Ban Quản trị HTX bằng Hội đồng quản trị.

Ngoài ra, quy định tại khoản 5 Điều 38 am hiểu về các loại rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đại biểu nhận thấy quy định này đúng, nhưng dự thảo luật quy định như thế nào, ai đo lường, ai đánh giá được trình độ am hiểu, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ…

GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa Luật Tài nguyên nước. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã bộc lộ những hạn chế vì sự chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực.

Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị; vấn đề định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước; một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Góp ý đối với nội dung dự án Luât Tài nguyên nước sửa đổi, đại biểu Nguyễn Văn Dương tán thành việc không điều chỉnh đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vì đã được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh đối với nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (khoản 2 Điều 1) vì thực tế một số khu vực cồn nổi, giàn khoan dầu khí vẫn đang khai thác sử dụng nguồn nước này.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo nên xem xét giới hạn phạm vi điều chỉnh về “phòng, chống tác hại do nước gây ra ” tại Điều 4 trong dự thảo luật do đã được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 3, khoản 3 Điều 12 của Luật Phòng, chống thiên tai và điểm a khoản 1 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020/QH14. Nếu nội hàm của cụm từ này là do nhân tai gây ra: Xả nước hồ thủy điện gây hại cho hạ lưu, lấy nước mặn nuôi trồng thủy sản... thì nên đưa vào Điều 10 các hành vi bị cấm để tránh nhầm lẫn, trùng lắp luật khác.

Đối với quy định về an ninh nguồn nước, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, an ninh nguồn nước là một trong những điểm bổ sung trọng điểm của dự thảo luật. Vì vậy, đại biểu đề xuất khoản 9 Điều 4 về “bảo đảm an ninh nguồn nước” nên tách thành một điều khoản riêng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước.

Tại khoản 5 Điều 10 các hành vi bị nghiêm cấm “Khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kinh, rạch, hồ chứa...”, đại biểu tán thành bổ sung bùn, đất vào khoản 5 vì đây cũng là một dạng tài nguyên cần được quản lý, tuy nhiên cần làm rõ hoạt động nạo vét bùn, đất để tạo lưu thông dòng chảy, nạo vét lòng hồ... có bị cấm không và trong Luật Khoáng sản cũng không có quy định này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến thảo luận.

Cũng góp ý cho dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị tại Điều 4, khoản 5, bổ sung thêm nguyên tắc đảm bảo an sinh xã hội và bình đẳng giới trong quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước (đây là một trong những giải pháp của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu).

Việc xác định vấn đề giới và bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong dự án luật, về cơ bản, dự thảo luật đã thể hiện nguyên tắc bình đẳng nam, nữ, không phân biệt đối xử về giới qua việc thể hiện các quy đinh như nhau đối với cả nam và nữ.

Tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu để lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các quy định cụ thể của dự thảo luật để đảm bảo các quy định phù hợp với đặc thù của phụ nữ, nam giới và các đối tượng khác (người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật…) và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, dự thảo Tờ trình dự án luật, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chưa đề cập các vấn đề giới trong quá trình thực hiện các luật này; Hồ sơ dự án luật tuy đã có Báo cáo đánh giá tác động nhưng tất cả các chính sách của dự án luật đều được đánh giá là không có tác động về giới mặc dù nhiều chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của cá nhân, tổ chức, cơ quan liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, lấy ý kiến về các vấn đề liên quan tới tài nguyên nước...

Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo luật mới dừng lại ở việc phân tích, đánh giá về các vấn đề giới mà chưa đưa vào các điều, khoản cụ thể. Địa biểu đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá, phân tích tác động giới sâu sắc hơn, bổ sung các số liệu có phân tách giới có liên quan, nghiên cứu lồng ghép giới vào các quy định mang tính nguyên tắc chung và các điều khoản cụ thể.

MINH TRÍ - THU HOÀI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202306/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-thao-luan-luat-tai-nguyen-nuoc-va-du-an-luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-doi-981103/