Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Chiều 9-11, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì phiên thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ 11 gồm các tỉnh: Tuyên Quang, Sơn La, Tây Ninh, Đà Nẵng.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành phiên thảo luận.

Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có 9 chương, 154 điều, trong đó bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. Dự thảo luật lần này sửa đổi, bổ sung 5 nội dung lớn bao gồm: Nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tòa án; hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử; quy định chặt chẽ hơn về tổ chức xét xử, bảo vệ tòa án, điều kiện bảo đảm, tòa án điện tử, hợp tác quốc tế, chế độ khen thưởng, kỷ luật, điều khoản thi hành…

Đại biểu Nguyễn Việt Hà góp ý kiến vào dự thảo luật.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang cơ bản nhất trí với dự án luật. Đại biểu cho rằng sửa đổi Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án cấp phúc thẩm, tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án cấp sở thẩm. Bởi vì Tòa án nhân dân gắn với đơn vị hành chính, mặt khác, về bản chất tổ chức Tòa án nhân dân không có gì thay đổi so với luật 2014. Đồng thời, liên quan đến việc sửa đổi nhiều luật có liên quan (luật tố tụng hình sự, luật tố tụng dân sự, tổ chức Viện kiểm sát nhân dân…).

Quang cảnh phiên họp.

Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc kỹ việc thành lập tòa án chuyên biệt vì chưa làm rõ về biên chế cán bộ, công chức, cơ sở vật chất, chức năng nhiệm vụ… Đồng thời, xem xét bỏ quy định quyền khởi tố vụ án trong quá trình xét xử để đảm bảo khách quan, độc lập trong quá trình xét xử của tòa án;

Đại biểu cũng đồng tình với dự thảo quy định Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, cần rà soát lại quy định xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm để không mâu thuẫn với Luật Tố tụng hình sự, tố tụng dân sự.

Cùng với đó, làm rõ việc Tòa án nhân dân ứng dụng khoa học pháp lý về tổ chức bộ máy có đảm bảo thẩm quyền; làm rõ đối tượng người yếu thế trong dự thảo; xem xét việc bổ nhiệm lại thẩm phán trong quá trình xét xử để xảy ra sai sót do lỗi chủ quan.

Ngọc Hưng

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao-luan-ve-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-sua-doi-182971.html