Đổ trụ điện trung thế, 2 công nhân thương vong

Đang sửa hệ thống điện lưới trung thế tại thôn Đá Bắn thì bất ngờ trụ điện bị gãy đổ, đè lên công nhân, khiến hai người thương vong.

Theo TTXVN, ngày 27/4, công an huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp với Công ty Điện lực Ninh Thuận khám nghiệm hiện trường, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động xảy ra chiều 26/4 tại thôn Đá Bắn, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).

Hai nạn nhân là anh Nguyễn Lê Nhật (36 tuổi) ở phường Phước Mỹ và anh Huỳnh Văn Tấn Ngọc (32 tuổi) ở phường Bảo An, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Cả 2 đều là công nhân kỹ thuật đường dây của công ty Điện lực Ninh Thuận.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: TTXVN

Báo Công lý dẫn nguồn tin từ Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết, vào chiều ngày 26/4, một đội kỹ thuật đường dây gồm 10 người đến sửa hệ thống điện lưới trung thế tại thôn Đá Bắn, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc hai công nhân Nhật và Ngọc đang ở trên trụ để sửa đường dây thì bất ngờ trụ điện trung thế bị gãy đổ, đè lên người.

Ngay sau đó, công ty Điện lực Ninh Thuận đã khẩn trương điều xe chở hai nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Do vết thương quá nặng, anh Nhật tử vong trên đường chuyển đi, anh Ngọc bị chấn thương lồng ngực, gãy cánh tay và xương đùi đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận.

Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng điều tra làm rõ.

Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động (Bộ luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Bộ luật Lao Động năm 2012)

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

(Tổng hợp)

Duy Ngọc

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/do-tru-dien-trung-the-2-cong-nhan-thuong-vong-a188542.html