Đô thị mới Cam Lâm có gì mới?

Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa có thể nói là đầu tiên của cả nước vượt cấp - đưa một đơn vị cấp huyện trở thành đô thị loại I

Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt tại Quyết định số 205/QĐ-TTg ngày 28-2 sẽ biến một huyện thuần nông trở thành một đô thị sân bay, đô thị du thuyền đẳng cấp quốc tế.

Đô thị sân bay - du thuyền

Theo quy hoạch này, có tổng diện tích gần 54.720 ha bao gồm tất cả 14 đơn vị hành chính của huyện Cam Lâm. Cấu trúc không gian đô thị mới Cam Lâm gồm 4 vùng cảnh quan, 4 trục động lực và 4 khu trung tâm đô thị.

Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 320.000 người; đến năm 2045 sẽ có khoảng 770.000 người. Về nhu cầu sử dụng đất của toàn đô thị Cam Lâm, đến năm 2030 đất xây dựng khoảng 10.148 ha, đất dân dụng khoảng 2.235 ha; đến năm 2045, đất xây dựng khoảng 17.646 ha, đất dân dụng khoảng 6.384 ha, bình quân khoảng 99,8 m²/người.

Về quy hoạch phân khu, Cam Lâm và đầm Thủy Triều được chia thành 7 phân khu. Trong đó, phân khu đô thị trung tâm (thị trấn Cam Đức, xã Cam Thành Bắc, một phần xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Nam, Cam An Bắc, Cam Hải Đông ngày nay) có diện tích xây dựng khoảng 4.400 ha được xác định là trung tâm hành chính - chính trị của toàn đô thị.

Nhiều lưu ý khi cải tạo Đầm Thủy Triều trong đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045

Phân khu đô thị phía Bắc (một phần xã Cam Tân, Cam Hòa, Cam Hải Tây, Suối Tân, Cam Hải Đông, Cam Hiệp Bắc, thị trấn Cam Đức ngày nay) có diện tích đất xây dựng khoảng 5.600 ha được xác định là trung tâm văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục, thương mại - dịch vụ cấp đô thị, công nghiệp; hình thành chuỗi sân golf, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề ven chân núi Cù Hin. Nơi đây xác định phát triển mới khu dân cư mật độ thấp ven đầm Thủy Triều theo mô hình "đô thị du thuyền".

Phân khu đô thị ven biển (Cam Hải Đông, quần đảo Hòn Nội, Hòn Ngoại) có diện tích xây dựng khoảng 2.000 ha. Đây là khu du lịch - dịch vụ - đô thị ven biển; cửa ngõ đường thủy của đô thị mới Cam Lâm.

Các phân khu khác gồm: Phân khu sinh thái núi Cù Hin, phân khu phức hợp phía Tây, phân khu sinh thái phía Tây Nam, phân khu sinh thái phía Tây Bắc. Các phân khu này chủ yếu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Nhiều điểm đáng chú ý

Trong quy hoạch đô thị mới Cam Lâm cũng có các khu vực hạn chế phát triển gồm: Khu vực bảo tồn giá trị công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; khu vực bảo tồn giá trị cảnh quan tự nhiên như đầm Thủy Triều, núi Cù Hin, các hồ trữ nước...

Trong quy hoạch cũng yêu cầu đối với khu vực đầm Thủy Triều và kênh Thủy Triều phải nghiên cứu triển khai giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng môi trường nước và hệ sinh thái toàn lưu vực; phát huy giá trị cảnh quan đầm Thủy Triều, xây dựng đô thị có hình thái kiến trúc, cảnh quan sinh thái đặc sắc.

Trong quá trình cải tạo đầm Thủy Triều, thực hiện bồi hoàn diện tích môi trường nước đầm Thủy Triều theo nguyên tắc sử dụng diện tích mặt nước bồi hoàn để khai thông, mở rộng diện tích các sông suối phụ cận. Nghiên cứu các giải pháp giữ nước cho mạng lưới sông suối nhân tạo, theo nguyên tắc sử dụng cơ chế tầng bậc giữ nước, trồng cây xanh để giữ nước…, hạn chế không sử dụng giải pháp bơm nước từ đầm lên nhằm tránh xâm nhập mặn vào hệ thống sông suối Cam Lâm.

Xây dựng kênh Thủy Triều và bến du thuyền quốc tế phải ứng dụng công nghệ phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, không tạo ra hậu quả môi trường đối với hệ sinh thái tự nhiên đầm Thủy Triều và dải cát ven biển Bãi Dài.

Về phân kỳ thực hiện, đến năm 2030, Cam Lâm sẽ hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng khung; xây dựng đề án phát triển đô thị xanh gắn với mô hình đô thị thông minh... phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, đáp ứng tiêu chí đô thị loại I. Đến năm 2045, Cam Lâm hoàn thiện phát triển đô thị theo quy hoạch.

Chương trình và dự án ưu tiên hiện nay là hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý phát triển đô thị gồm: quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc, quy định địa phương gắn với xây dựng đề án đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Lập chương trình phát triển đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, gắn với cải tạo cảnh quan đô thị, cải tạo môi trường đô thị, giao thông công cộng, giao thông thủy.

Khu đô thị - tái định cư

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai bố trí tái định cư bảo đảm các nguyên tắc: Bố trí nơi tái định cư mới theo định hướng "khu đô thị - tái định cư" đáp ứng đầy đủ, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm mục tiêu "người dân ở nơi ở mới có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Trong quá trình tái định cư phải minh bạch, rõ ràng, công khai, có sự kiểm chứng, đồng thuận giữa bên bố trí tái định cư và bên cần tái định cư. Ngoài ra, phải xem xét sắp xếp bố trí tái định cư phù hợp với chuyển đổi nghề; ưu tiên bố trí nhà ở tại chỗ để phục vụ tái định cư đối với người có nhu cầu tái định cư tại chỗ.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/do-thi-moi-cam-lam-co-gi-moi-196240306195108898.htm