'Dò sóng' mua sắm đa kênh của người tiêu dùng Việt

Một loạt mặt hàng tăng giá đang là thách thức lớn cho việc cải thiện sức mua trong các tháng cuối năm nay, nhất là với các nhà bán lẻ truyền thống trong nước vốn đang chịu sức ép cạnh tranh, tụt hậu trước các đối thủ theo mô hình bán lẻ hiện đại và mua sắm đa kênh. Ngoài ra, những yếu tố 'ngầm' đằng sau hành vi chuyển kênh khi mua sắm là điều mà các doanh nghiệp Việt cần lưu tâm trong lúc này.

Ở Tp.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 đã tăng 0,70% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá nhóm giao thông tăng cao nhất đến 4,15% (chủ yếu do giá nhiên liệu tăng 8,60%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,53%, trong đó giá lương thực tăng 3,33% chủ yếu do giá gạo tăng 5,34%, bột mì và ngũ cốc khác tăng 0,68%.

Từ áp lực hàng hóa tăng giá…

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 29/8, so với tháng trước, CPI tháng 8/2023 của cả nước tăng 0,88% (khu vực thành thị tăng 0,87%; khu vực nông thôn tăng 0,89%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước.

Những yếu tố “ngầm” đằng sau hành vi chuyển kênh khi mua sắm là điều mà các DN Việt cần lưu tâm trong lúc này.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2023 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước.

Mặc dù tổng mức bán lẻ có tăng, nhưng có thể thấy việc một loạt mặt hàng tăng giá đang là thách thức lớn cho việc cải thiện sức mua trong các tháng tới ở Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu và lựa chọn cho mình kênh mua sắm phù hợp với túi tiền. Còn các doanh nghiệp (DN) cũng phải vắt óc suy nghĩ làm sao “dò sóng” người tiêu dùng Việt để có thể khơi thông đầu ra.

Nếu quan sát ở lĩnh vực bán lẻ sẽ thấy khó khăn về đầu ra đang hiển hiện rõ ở kênh truyền thống. Đơn cử như tình trạng ế ẩm, ít người mua ở các chợ truyền thống. Còn các cửa hàng bán lẻ truyền thống cũng vậy khi doanh số bán hàng giảm mạnh. Thậm chí, như ở Tp.HCM, do kinh doanh kém hiệu quả nên làn sóng trả mặt bằng vẫn đang diễn ra và hiện lan rộng từ nội thành cho tới khu vực vùng ven.

Điều này cũng có phần nguyên nhân khi mà kênh bán lẻ truyền thống có sức cạnh tranh yếu hơn kênh bán lẻ hiện đại và kênh bán hàng trực tuyến. Đáng chú ý, trong khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì các siêu thị, những người kinh doanh trực tuyến vẫn tìm cách xoay xở với nhiều phương kế “câu khách”, từ việc thực hiện các chương trình khuyến mãi, ưu đãi và giá luôn thấp hơn cửa hàng truyền thống.

Đó là lý do mà dù sức mua giảm sút nhưng một “ông lớn” bán lẻ Thái Lan là Central Retail trong báo cáo kết quả kinh doanh mới đây cho thấy đã thu về 17.000 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam sau 6 tháng đầu năm 2023 thông qua sở hữu 52 cửa hàng Nguyễn Kim (kinh doanh trong lĩnh vực điện máy gia dụng), 77 cửa hàng buôn bán thực phẩm (trong đó có 38 đại siêu thị Go!).

…Đến yếu tố “ngầm” đằng sau hành vi chuyển kênh khi mua sắm

Cần nhắc lại, nhờ kế thừa thành công của mô hình bán lẻ đa kênh đã áp dụng thành công tại thị trường Thái Lan, Central Retail đã xây dựng hiệu quả nền tảng bán hàng đa kênh cho mảng kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam

Đây cũng có thể là điều mà các nhà bán lẻ của Việt Nam cần tham khảo trong chiến lược đa kênh của mình để cải thiện sức mua. Theo Ts. Alrence S. Halibas (Đại học RMIT), các nhà bán lẻ Việt Nam nên xem xét triển khai chiến lược đa kênh dài hạn để duy trì sự ưa chuộng của người tiêu dùng và không bị tụt hậu so với đối thủ.

Như chia sẻ của Ts.Halibas, chiến lược tiếp thị (marketing) đa kênh dành cho các nhà bán lẻ của Việt Nam thực ra không khó - chỉ cần mang tính chiến lược và tập trung vào đối tượng người tiêu dùng. Chiến lược đa kênh nên tính đến việc lấy người tiêu dùng làm trung tâm, đồng thời trang bị mạng lưới logistics và chuỗi cung ứng mạnh mẽ cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các kênh.

“Các nhà bán lẻ Việt Nam phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên tất cả các kênh. Điều này có nghĩa họ cần cung cấp trải nghiệm mua sắm nhất quán và gắn kết bằng sử dụng các kênh khác nhau, cho phép người tiêu dùng lựa chọn kênh họ yêu thích để nghiên cứu sản phẩm, mua hàng và nhận hàng”, chuyên gia của RMIT nhấn mạnh.

Còn theo Ts. Nguyễn Thị Vân Anh, chuyên gia lĩnh vực Digital Marketing (hoạt động tiếp thị trên nền tảng kỹ thuật số), những yếu tố “ngầm” đằng sau hành vi chuyển kênh khi mua sắm là điều mà các DN Việt cần lưu tâm. Các nhà bán lẻ cần thấu hiểu các thuộc tính kênh giúp thu hút và hỗ trợ khách hàng trong quá trình tìm kiếm và mua hàng trên cả kênh trực tuyến và trực tiếp.

“Các thuộc tính quan trọng của kênh tìm kiếm online là tiết kiệm thời gian, giàu thông tin và dễ sử dụng. Các kênh tìm kiếm trực tiếp thì cần tập trung vào chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa, trải nghiệm khi mua sắm trực tiếp, và các tính năng ‘chạm và cảm nhận’. Các nhà bán lẻ Việt cũng nên tập trung nghiên cứu tác động của thiết bị di động đối với hành vi chuyển kênh của khách hàng”, Ts. Vân Anh lưu ý.

Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường như hành vi chuyển đổi trong quá khứ của những người khác và áp lực chuyển đổi từ người xung quanh cũng đóng vai trò lớn. Những người mua sắm đa kênh có thể bị ảnh hưởng từ những người có quan hệ gần gũi như gia đình và bạn bè, hoặc những người hoàn toàn xa lạ trên internet thông qua việc nghiên cứu các đánh giá trực tuyến từ người mua trước.

Cũng theo gợi ý từ chuyên gia này, khách hàng mua sắm đa kênh thường sử dụng kỹ thuật thành thạo hơn, dẫn tới họ sẽ có yêu cầu cao về kỹ thuật đối với các nhà bán lẻ đa kênh. Do vậy, các nhà bán lẻ Việt phải đầu tư nhiều hơn để cải tiến công nghệ của các kênh trực tuyến lẫn trực tiếp nhằm đảm bảo hành trình tìm kiếm và mua hàng của khách hàng sẽ suôn sẻ, dễ dàng và nhanh chóng.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/do-song-mua-sam-da-kenh-cua-nguoi-tieu-dung-viet-1095004.html