Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh Xối Trì, Nam Định

Nghề thổi thủy tinh làm cốc tại thôn Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã trải qua nhiều đời, nhưng nay chỉ còn 3 hộ dân duy trì nghề này. Các cơ sở thổi thủy tinh tại đây chỉ nhận làm loại cốc vại uống bia theo đơn đặt hàng của các quán bia hơi ở Hà Nội.

Những năm 60, người dân làng Xối Trì làm tất cả từ những đồ dùng đơn giản từ thủy tinh như bóng đèn, chai, lọ, ly, cốc, nắp phích... đến những vật trang trí cầu kỳ, yêu cầu sự kiên nhẫn, tỉ mỉ như những con giống để trưng bày.

Nhưng rồi thời huy hoàng của thủy tinh thủ công cũng biến mất, thủy tinh Trung Quốc rẻ hơn, mẫu mã cũng đa dạng dần chiếm lĩnh thị trường, thứ còn lại để người dân tiếp tục giữ nghề chỉ là chiếc cốc uống bia rẻ tiền và mẫu mã không đẹp.

 Nghề thổi thủy tinh Xối Trì đã có từ những năm 60. Ảnh: Thành Công.

Nghề thổi thủy tinh Xối Trì đã có từ những năm 60. Ảnh: Thành Công.

Hiện tại, trong thôn chỉ còn 3 hộ theo nghề này, ông Trần Văn Duyên (51 tuổi) - người đã có gần 15 năm làm nghề thổi thủy tinh tại thôn Xối Trì, xã Nam Thanh cho biết.

Trong ký ức của ông Duyên, năm 1983 là thời kỳ phát triển cực thịnh của nghề. Khi đó dù mới 11 tuổi nhưng ông đã tham gia học các kỹ năng làm nghề từ bố. Theo ông, để học nghề phải bắt đầu từ dễ đến khó và quan trọng nhất là phải kiên trì.

 Để học nghề phải bắt đầu từ dễ đến khó và quan trọng nhất là phải kiên trì. Ảnh: Thành Công

Để học nghề phải bắt đầu từ dễ đến khó và quan trọng nhất là phải kiên trì. Ảnh: Thành Công

Cũng theo ông Duyên chia sẻ: “Để làm ra được các sản phẩm ưng ý, người thợ lành nghề phải biết được độ “chín” của thủy tinh. Ban đầu khi mới tiếp xúc với lửa, thủy tinh sẽ có màu xanh, khi đốt đến độ, thủy tinh sẽ chuyển sang màu trắng. Lúc đó chỉ cần hà hơi thổi nhẹ, thủy tinh sẽ phồng ra to nhỏ theo ý muốn”

 Trung bình, một mẻ thủy tinh được nấu trong 6 - 7 tiếng. Ảnh: Thành Công

Trung bình, một mẻ thủy tinh được nấu trong 6 - 7 tiếng. Ảnh: Thành Công

Trung bình, một mẻ thủy tinh được nấu 6 - 7 tiếng, khi nhiệt độ đạt mức cực đại (khoảng 1.800 độ C) thì tan chảy. Thợ thổi thủy tinh lúc này cầm ống sắt lấy thủy tinh và bắt đầu thổi theo những khuôn hình chai, lọ, bóng đèn, cốc uống nước… có sẵn.

Một người sẽ chịu trách nhiệm mang những chiếc cốc đang đỏ rực vùi vào tro rơm để cho cốc hạ nhiệt từ từ, tránh tình trạng nứt, vỡ. Với 5 thợ thổi, mỗi ngày xưởng cho ra lò khoảng 2.000 chiếc cốc thủy tinh.

Thời gian ủ kéo dài khoảng 12-15 tiếng. Khâu cuối cùng là lấy cốc ra, lót rơm giữa các cốc khi chồng vào nhau để tránh va vỡ trong quá trình vận chuyển.

Thành Công

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/do-lua-giu-nghe-thoi-thuy-tinh-xoi-tri-nam-dinh-post236257.html