Đô la mạnh gây áp lực tăng lãi suất lên các ngân hàng trung ương châu Á

Các ngân hàng trung ương châu Á được dự báo tăng lãi suất trong sáu tháng tới, với đồng đô la Mỹ mạnh hơn và giá dầu tăng khiến các nước từ Úc cho đến Indonesia và Hàn Quốc phải đi theo con đường thắt chặt tiền tệ.

Đồng đô la Mỹ mạnh lên, gây sức ép tăng lãi suất đối với các ngân hàng trung ương châu Á để củng cố tiền tệ của họ. Ảnh: tradewithmac.org

Các nhà đầu tư trên thị trường lãi suất đang đặt cược vào mức tăng lãi suất trung bình là 13 điểm cơ bản ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc, trong sáu tháng tới. Họ dự báo lãi suất sẽ không thay đổi ở các thị trường phát triển ngoại trừ châu Á trong khi những đợt cắt giảm mạnh có thể diễn ra ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi cũng như châu Mỹ Latin.

Các ngân hàng trung ương ở Indonesia và Philippines đã tăng lãi suất trong những tuần gần đây và phát tín hiệu có thể thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Các cơ quan quản lý tiền tệ châu Á khác, bao gồm cả Ấn Độ, cho đến nay, chọn phương án giảm dự trữ ngoại hối, thay vì tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng dư địa giảm dự trữ ngoại hối của họ không còn nhiều.

Radhika Rao, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng DBS Bank (Singaore), nhận định áp lực kép từ đồng nội tệ yếu và lạm phát tăng trở lại có thể khiến một số ngân hàng trung ương ở châu Á quay trở lại thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo dữ liệu của Bloomberg, tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023, các ngân hàng trung ương ở Châu Á – Thái Bình Dương đã tăng lãi suất trung bình ít hơn nhiều so với các ngân hàng trung ương tại các thị trường phát triển.

Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của ngân hàng HSBC, cho biết chênh lệch lớn giữa lãi suất của Mỹ và châu Á đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng đô la Mỹ. Theo Neumann, bất kỳ chủ tịch ngân hàng trung ương nào ở châu Á lo lắng về sự biến động tỷ giá ngoại hối sẽ suy nghĩ kỹ về tình trạng lãi suất trong nước quá chênh lệch so với lãi suất của Mỹ.

“Những động thái tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bao gồm khả năng thêm tăng lãi suất, có thể khiến các nước châu Á từ Hàn Quốc đến Ấn Độ thắt chặt tiền tệ trở lại. Hoặc ít nhất, điều này sẽ làm phức tạp thêm các kế hoạch nới lỏng tiền tệ hơn nữa ở những nơi như Trung Quốc và Việt Nam”, Neumann bình luận.

Ngày 7-11 tới, Ngân hàng dự trữ Úc (RBA) sẽ họp với các nhà kinh tế tại bốn ngân hàng lớn nhất Úc. Sau khi lạm phát quí 3 của Úc tăng cao hơn dự báo, RBA phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản để đưa chi phí vay chuẩn lên 4,35%, mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 11-2011. Thống đốc RBA Michele Bullock cho biết, bà “sẽ không ngần ngại” tăng lãi suất hơn nữa nếu RBA nhận thấy triển vọng lạm phát tăng thêm.

Các động thái của Ngân hàng trung ương Indonesia (BoI) trong những tuần gần đây cho thấy các tính toán có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở châu Á. Sau khi liên tục phát tín hiệu về việc tạm dừng lãi suất, hoặc thậm chí giảm lãi suất, BoI bất ngờ thực hiện một đợt tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào 19-10 khi cuộc chiến Israel-Hamas làm đồng rupiah suy yếu hơn nữa so với đô la Mỹ.

Indonesia nhạy cảm hơn nhiều so với các nước láng giềng về biến động tiền tệ do nước này tiếp xúc nhiều hơn với dòng vốn nước ngoài. Người phát ngôn của BoI cho biết vào tuần trước rằng, BoI không loại trừ khả năng tăng lãi suất đột xuất, dù khả năng này là “rất nhỏ”.

Phần lớn các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg kỳ vọng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách vào tháng 4 khi lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tiến gần hơn đến 1%, mức trần trên thực tế theo chương trình kiểm soát đường cong lợi suất của BoJ.

Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM)) đang chịu áp lực tăng chi phí vay sau khi đồng ringgit gần đây chạm mức thấp nhất kể từ năm 1998 trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Lãi suất cơ bản của BNM vẫn ở mức 3% kể từ tháng 7, chiết khấu kỷ lục so với lãi suất của Fed.

Lavanya Venkateswaran, chuyên gia kinh tế cấp cao về ASEAN tại ngân hàng OCBC của Singapore, cho rằng BNM đang đối mặt thách thức nghiêm trọng do áp lực giảm giá kéo dài của đồng ringgit. “BNM có khả năng tăng lãi suất nếu áp lực lạm phát, đặc biệt là lạm phát cơ bản mạnh hơn vào năm tới”, ông nói.

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng BNM có ít khả năng tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và rủi ro tăng trưởng kinh tế. Quyết định về lãi suất tiếp theo của BNM dự kiến được đưa ra vào ngày 2-11.

Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) đã thực hiện đợt tăng lãi suất ngoài chu kỳ vào ngày 26-10 để giúp kiềm chế lạm phát có nguy cơ cao hơn mục tiêu 2-4% trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024. Thống đốc BSP Eli Remolona cho biết, trong cuộc họp chính sách ngày 26-11 tới, BSP sẽ xem xét tăng lãi suất. Theo người đứng đầu BSP, Philippines “đã tụt lại phía sau một chút” sau khi quyết định không tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 9 khi rủi ro lạm phát tăng lên.

Các nhà kinh tế cho biết Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã đưa ra dự báo lãi suất cuối cùng là 3,75%, tăng từ mức 3,5% hiện tại. Hôm 19-10, Thống đốc BoK Rhee Chang-yong cảnh báo áp lực lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á có thể giảm chậm hơn so với kỳ vọng trước đó trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng do cuộc xung đột Israel-Hamas.

Ông nói: “Do ảnh hưởng của giá dầu toàn cầu và tỷ giá hối đoái cao hơn cũng như xung đột Israel-Hamas, lạm phát giá tiêu dùng trong năm nay và năm tới có nhiều khả năng cao hơn dự báo đưa ra trong tháng 8”. Phát biểu này mở ra cánh cửa cho việc tăng lãi suất chính sách của BoK trong thời gian tới.

Các nhà kinh tế kỳ vọng Ngân hàng trung ương Đài Loan (CBC) sẽ lựa chọn tăng thêm lãi suất nếu giá dầu cao hơn khiến lạm phát tăng cao hơn so với dự báo.

“Nếu lạm phát của Đài Loan vẫn vượt xa mục tiêu 2% của CBC và các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng CBC sẽ tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất, nâng lãi suất chính sách lên 2,125% từ mức 1,875% hiện tại”, Jeong Woo Park, nhà kinh tế của Nomura Holdings Inc, bình luận.

Hồi tháng 9, Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) báo hiệu đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt tiền tệ sau 8 đợt tăng lãi suất liên tiếp, đẩy chi phí đi vay lên mức cao nhất trong một thập niên. Tuy nhiên, trong khi lạm phát của Thái Lan vẫn dưới mức mục tiêu, đồng baht lại nằm trong số những đồng tiền trong khu vực mất giá mạnh nhất so với đô la trong ba tháng qua. Ngoài ra, chi phí dầu tăng và chi tiêu chính phủ cao hơn có thể làm tăng áp lực giá cả. Các nhà hoạch định chính sách của BoT cho biết sẽ xem xét kỹ hơn những rủi ro xuất phát từ căng thẳng ở Trung Đông tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 29-11.

Theo Bloomberg, Korea Economic Daily

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/do-la-manh-gay-ap-luc-tang-lai-suat-len-cac-ngan-hang-trung-uong-chau-a/